Bộ TT&TT đồng hành, hỗ trợ Ninh Bình trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, tỉnh Ninh Bình có thể tạo đột phá bằng cách đi trước, làm trước để trở thành nơi thử nghiệm những cái mới, nắm bắt cơ hội trở thành một thỏi nam châm để hút các doanh nghiệp (DN), các nhà đổi mới sáng tạo.
Ngày 29/2, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình về đổi mới sáng tạo (ĐMST), thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành Trung tâm ĐMST.
Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm ĐMST
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh nội dung của buổi làm việc là về ĐMST, thu hút đầu tư để Ninh Bình trở thành Trung tâm ĐMST. Tỉnh Ninh Bình mong muốn Bộ TT&TT sẽ tiếp tục quan tâm phối hợp, gợi mở, giúp đỡ tỉnh Ninh Bình giải đáp các khó khăn, vướng mắc về cách thức, phương pháp, tổ chức thực hiện.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã thông tin tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2023 và đề xuất nội dung ĐMST, thu hút đầu tư để tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm ĐMST.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, tập trung chỉ đạo những việc mới, việc khó, kiên trì mục tiêu, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cùng nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong tỉnh, năm 2023, Ninh Bình đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế duy trì phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 88,03 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Từ năm 2022, Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.
Về kết quả thực hiện trong các lĩnh vực như chính quyền số, chuyển đổi số (CĐS), công nghiệp CNTT, đến hết năm 2023, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển hạ tầng, nền tảng số. Tỉnh đã hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng ổn định, hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, tạo tiền đề thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển chính quyền số, CĐS.
Tỉnh đã tích cực hoàn thành thành công tác tạo lập, phát triển dữ liệu đạt nhiều kết, cơ bản hoàn thành công tác số hóa kết quả thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực; Hoàn thành các nhiệm vụ về chuẩn hóa, làm sạch cơ sở dữ liệu (CSDL) của Đề án 06; đồng thời đã đưa vào khai thác sử dụng cổng dữ liệu mở của tỉnh, kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
Các chỉ tiêu nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ trực tuyến, ký số, gửi nhận hồ sơ văn bản điện tử, thực hiện chế độ thông tin báo cáo trên môi trường số cũng đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành triển khai thí điểm mô hình CĐS cấp huyện, thí điểm CĐS cấp sở, ngành; có 92 xã (đạt tỷ lệ 64,3%) hoàn thành CĐS cấp xã theo tiêu chí mô hình phiên bản 1.0. Kết quả CĐS ở một số lĩnh vực trọng tâm như Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài chính ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và kho vận, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp đều đạt được những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy CĐS của DN trên địa bàn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 193 DN công nghệ số. Tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 100%; DN sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%.
Tỷ lệ DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (theo danh mục công bố của Bộ TT&TT) đạt khoảng 30%. Số tài khoản được mở trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) (postmart.vn và voso.vn) là 110.162 tài khoản với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng.
Về phát triển xã hội số, tính đến đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác ước đạt 765.472 (~160%, 1 người có thể mở nhiều hơn 1 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau). Tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%; Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%. Tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, người dân, DN cũng đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn TMĐT... và phục vụ công việc và cuộc sống.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 70,8%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%.
Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đảm bảo ATTT cho phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an và Bộ TT&TT. Tỉnh thực hiện nghiệm túc hiệu quả công tác diễn tập về đảm bảo ATTT, ứng cứu sự cố tại các cơ quan Nhà nước của tỉnh.
Chia sẻ về mục tiêu, tầm nhìn, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Phạm Quang Ngọc cho biết: Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí, giao thông hiện đại; một trung tâm khởi nghiệp ĐMST của các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng.
Để hiện thực hóa được định hướng phát triển, Ninh Bình đề nghị Bộ TT&TT, các bộ, ngành Trung ương, cộng đồng DN cùng chia sẻ và hỗ trợ tỉnh Ninh Bình xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động để trở thành một trong những trung tâm ĐMST.
Đồng thời, tỉnh mong muốn được hỗ trợ xây dựng các định hướng, chiến lược, kế hoạch, chương trình để thu hút đầu tư tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, ĐMST, thu hút các dự án thông minh để phát triển công nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục, hạ tầng số và nguồn nhân lực chất lượng để phát triển các ngành, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh.
Ninh Bình định hướng trong thời gian tới sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại, thu hút phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung, công nghệ cao, công nghệ sản xuất phần cứng điện tử, khu công nghiệp thông minh (công nghệ bán dẫn, sản xuất điện tử…).
Do đó, tỉnh mong muốn được hỗ trợ thu hút, kêu gọi các DN có kinh nghiệm trong sản xuất các loại sản phẩm như: ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ xanh, sạch, trí tuệ nhân tạo...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng mong muốn được hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển ngành TT&TT, trong đó có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ 4G trên địa bàn, công nghệ kiểm soát thông tin trên mạng xã hội... Đồng thời, lựa chọn Ninh Bình làm thí điểm kết nối hệ thống thông tin nguồn và các tiện ích cho hệ thống truyền thanh cơ sở (Ninh Bình đã dần dần đầu tư các hệ thống bảng điện tử, hệ thống truyền thanh thông minh) cũng như tăng cường công tác thông tin và truyền thông chính sách.
Bộ TT&TT đồng hành cùng Ninh Bình trong mục tiêu trở thành trung tâm ĐMST
Trước các trao đổi, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao mục tiêu, tầm nhìn, khát vọng bứt phá vươn lên của tỉnh, đặc biệt là quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ĐMST.
Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức và cơ hội đặt ra cho Ninh Bình khi xây dựng trung tâm ĐMST, Bộ trưởng cho rằng tỉnh cần phải mạnh dạn đi trước, làm trước để tạo đột phá, có thể mạnh dạn trở thành nơi để thử nghiệm những cái mới (sandbox) và như vậy mới có cơ hội trở thành một thỏi nam châm để hút các DN, các nhà ĐMST.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để trở thành trung tâm ĐMST, tỉnh cần tăng ngân sách chi tiêu cho các sản phẩm mới, công nghệ mới, sản phẩm ĐMST, từ đó tạo ra thị trường hấp dẫn để thu hút các DN số, DN ĐMST về đầu tư, tìm kiếm cơ hội phát triển.
Ninh Bình có thể ưu tiên thực hiện CĐS toàn diện trên các lĩnh vực đang là thế mạnh, ưu tiên phát triển của tỉnh như du lịch, công nghiệp ô tô... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải có một cái tiếp cận khác biệt và nhanh.
Theo Bộ trưởng, thời đại chúng ta đang sống là phát triển dựa trên các công nghệ, mà chủ yếu là công nghệ số, dựa trên ĐMST mà chủ yếu là ĐMST số. Có thể nói chung một cụm từ là CĐS. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư công nghệ số và CĐS, thì người đứng đầu cũng là một yếu tố quyết định, vì liên quan đến chuyển đổi. Cần phải có lãnh đạo số để dẫn dắt toàn quá trình phát triển.
Nhấn mạnh một lần nữa vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi xanh, CĐS sẽ tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng buổi làm việc hôm nay đã mở ra những định hướng lớn để hình thành một kế hoạch, chương trình hành động chi tiết để xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm ĐMST. Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng tỉnh, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ để tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lĩnh vực Ngành phụ trách.
Qua các trao đổi cụ thể của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục giúp đỡ, nghiên cứu, gợi mở những lĩnh vực mà tỉnh có thể thu hút các DN số, DN ĐMST về đầu tư.
Trên cơ sở nền tảng buổi làm việc này, Bí thư tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cũng mong muốn thời gian tới sẽ có những buổi làm việc tiếp theo tại địa phương để cụ thể hóa các vấn đề đã được đặt ra./.