Cuộc thi được Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế phát động sáng nay 31/5 tại Hà Nội.
Thành phần Ban Tổ chức cuộc thi bao gồm Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ Y tế; Lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí thuộc Bộ TT&TT; Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế và những nhà báo có kinh nghiệm trong hoạt động này.
Mục tiêu của cuộc thi nhằm: (1) Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá tới cộng đồng, tập trung phản ánh về chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tuyên truyền rộng rãi những tấm gương điển hình về việc thực hiện môi trường không khói thuốc và phòng, chống tác hại của thuốc lá; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về phòng, chống tác hại của thuốc lá và tăng cường sự quan tâm của báo chí đối với công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, ghi nhận, cổ vũ, động viên các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá.
Đối tượng dự thi các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương và các tác giả có các tác phẩm báo chí phù hợp.
Nội dung của các tác phẩm dự thi phản ánh chính xác, kịp thời những vấn đề liên quan đến tác hại của thuốc lá, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, gồm:
(1) Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của việc hút thuốc lá chủ động và thụ động; những giải pháp trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; các mô hình và phương thức để cai nghiện hoặc giảm số người hút thuốc lá;
(2) Các quy định của pháp luật và việc thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; thực trạng và các chính sách kiểm soát hoạt động quảng cáo, huyến mãi các sản phẩm thuốc lá, vi phạm về việc tài trợ của các Công ty kinh doanh thuốc lá; các chính sách và giá thuốc lá…
(3) Gương điển hình, mô hình mới, cách làm mới trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc và
(4) Phản ánh chủ đề của Tổ chức Y tế thế giới nhân Ngày thế giới không thuốc lá 31/5/2016: “Hãy sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn”.
Tác phẩm dự thi các các tác phẩm đã được đăng tải trên các loại hình báo chí từ ngày 15/8/2015 đến hết ngày 15/9/2016.
Đối với các tác phẩm đăng trên báo in: gửi tờ báo đã đăng hoặc bản copy của bài báo có ghi rõ tên báo, số báo, thời gian đăng. Đối với tác phẩm đăng trên báo điện tử, tác phẩm cần được in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian và đường link đăng tải. Đối với tác phẩm đăng tải trên báo hình, báo nói gửi đĩa ghi hình ghi tiếng (USB, CD, VCD, DVD), lời viết, lời bình, các thông tin về tác phẩm (tên tác phẩm; thể loại; thời lượng; thời gian, chuyên mục, kênh đã phát sóng) in trên giấy A4.
Tác phẩm dự thi gửi kèm các thông tin về tác giả nhóm tác giả, cụ thể: Họ và tên tác giả, nhóm tác giả; giới tính; ngày tháng năm sinh; Nơi công tác; Địa chỉ liên hệ; Số điện thoại, email.
Những tác phẩm đượt lọt vào chung khảo thì tác giả, nhóm tác giả phải nộp bổ sung xác nhận của các cơ quan báo chí đăng tải tác phẩm. Phong bì ghi rõ: “Tham dự Cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016”.
Ban Tổ chức bắt đầu tiếp nhận tác phẩm dự thi kể từ ngày phát động cuộc thi 31/5/2016 đến hết ngày 1/10/2016 (theo dấu Bưu điện) về địa chỉ: Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Pháp chế), 18 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng gồm mỗi loại hình báo chí (Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình) sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Giá trị một giải thưởng cuộc thi sẽ theo quy định của Bộ Tài chính và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cuộc thi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết năm 2015 đã có 500 bài viết, hơn 60 bản tin về phòng chống thuốc lá, có nội dung tuyên truyền mạnh mẽ, giáo dục sâu sắc, nhưng chưa phát huy hết sức mạnh của truyền thông đối với phòng chống thuốc lá. Việc tổ chức cuộc thi sẽ là động lực thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên… cho ra đời những tác phẩm mới với tư duy phân tích sâu sắc, hình ảnh minh họa, dẫn chức thực tế sinh động và nguồn số liệu chính xác, tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây nên.
Cũng tại Lễ phát động, Ban Tổ chức đã tập huấn cho các phóng viên, báo đài về công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá như định hướng và nội dung truyền thông, cập nhật tình hình hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên thế giới và chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá năm 2016.
Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Cục trưởng Cục Quản lý, khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng. Truyền hình đã phát sóng 1.200 lần thông điệp truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá trên các kênh VTV1, VTV2, VTV3, O2TV, SCTV; Xây dựng và phát sóng 50 bản tin, phóng sự về phòng chống tác hại của thuốc lá trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Đã có 6 Bộ, ngành Trung ương sản xuất và phát sóng 11 phóng sự, 15 bài báo về tình hình thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền hình, báo chí chuyên ngành của đơn vị.
Trong khi đó, đã có 500 bài báo viết về tác hại của hút thuốc và nội dung Luật phòng chống tác hại thuốc lá trên các báo và Đài tiếng nói Việt Nam (VOV). VOV phát sóng các thông điệp phát thanh về phòng chống tác hại thuốc lá trên kênh VOV giao thông Hà Nội và TP. HCM. Các thông tin cũng được cập nhật trên trang web: www.vinacosh.gov.vn.
Lan Phương