Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong đợt dịch COVID vừa qua, Đảng và Nhà nước đánh giá ngành TT&TT đã có những đóng góp chung vào thành công của đất nước. Công thức phòng, chống dịch được phát triển từ 5K chuyển thành 5K+ vaccine + công nghệ + ý thức người dân. Trong bốn thành phần này, hai thành phần là của ngành TT&TT. Công nghệ chủ yếu là CNTT, còn ý thức người dân là do báo chí tạo nên.
Thời gian tới, nhiệm vụ, trọng trách chính của báo chí, truyền thông là phải thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước, cần viết nhiều hơn nữa về những cơ hội do COVID mang lại để các địa phương, người dân tận dụng những cơ hội này phát triển.
Đối với lĩnh vực CNTT, ngày 16/10/2021, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ Công an họp với các địa phương đến tuyến xã để quán triệt người dùng phần mềm quản lý tiêm chủng, đảm bảo dữ liệu chính xác, kịp thời, không bỏ sót. Đồng thời, ngày 18/10, Bộ TT&TT sẽ công bố chương trình thường niên vinh danh những người phát hiện lỗi bảo mật cho các nền tảng số quốc gia.
Bộ trưởng đánh giá cao sự kiện Hội nghị và Triển lãm số (ITU Digital World) năm 2021 được tổ chức thành công, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan truyền thông rộng rãi, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam tới các nước và tổ chức quốc tế.
Đối với hệ thống truyền hình đến các xã, Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong Ngành, các cơ quan báo chí, các Sở TT&TT hãy tận dụng tối đa hệ thống này để tổ chức talkshow tới cấp xã hay để giao lưu với các tỉnh khác học hỏi kinh nghiệm.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung xây dựng phương án đấu giá các băng tần để triển khai dịch vụ di động 4G/5G, hoàn thiện kế hoạch triển khai 5G; đồng thời, tập trung chỉ đạo các DN viễn thông phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối Internet băng rộng trên toàn quốc.
Ngành TT&TT chung tay chống dịch và phát triển
Quý III/2021 là khoảng thời gian biến thể Delta bùng phát mạnh tại nhiều địa phương. Trong lĩnh vực bưu chính, hai doanh nghiệp bưu chính Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Viettel Post đã nỗ lực duy trì hoạt động logistics, chuyển phát hàng hóa thiết yếu trong điều kiện các hãng vận tải, xe ôm công nghệ bị đình trệ hoạt động vì COVID. Các DN bưu chính đã thiết lập 4.162 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; cung cấp 77.254 tấn hàng hóa (1.274 tỷ đồng); vận chuyển 7.415 tấn hàng hóa theo chỉ đạo của Chính quyền các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các DN bưu chính lớn thực hiện Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" trị giá 160 tỷ với đối tượng thụ hưởng là người nghèo, vô gia cư, lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn, không có giấy tờ, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ của TP. HCM; Chương trình chung tay vì cộng đồng phát miễn phí 1.239 tấn lương thực (trị giá 29,5 tỷ đồng) đến 661 nghìn người dân tại một số tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách (tính đến ngày 18/8/2021).
Ghi nhận sự tăng trưởng của ngành Bưu chính Việt Nam, ngày 9/10/2021, tại Lễ kỷ niệm Ngày Bưu chính thế giới, UPU đã công bố thứ hạng Bưu chính Việt Nam tăng 2 bậc (từ 49 lên 47/168 quốc gia).
Trong lĩnh vực viễn thông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong phương thức tiếp cận dạy và học mới, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", tiếp nhận ủng hộ khoảng 2.500 tỷ đồng, tương đương 1 triệu chiếc máy tính; trong năm 2021 sẽ giải quyết triệt để khoảng 2.000 điểm lõm sóng.
Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng của các DN viễn thông đã hỗ trợ thiết thực cho người dân sử dụng dịch vụ viễn thông trong hoàn cảnh nhiều trường hợp, liên lạc viễn thông và Internet là cách thức duy nhất để kết nối hỗ trợ người dân.
Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ Y tế đã chỉ đạo hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố, đảm bảo 100% các Trung tâm tuyến huyện được kết nối với các bệnh viện Trung ương, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo thiết lập Trung tâm chỉ huy và kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch ngay tại phòng làm việc của Thủ tướng đến 2.594 điểm cầu tại xã, phường ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Sau đó hệ thống đã được kết nối tới toàn bộ gần 11.000 xã, phường trong cả nước phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, Chính phủ đã kiện toàn và đổi tên Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử thành Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS), thúc đẩy tiến trình CĐS quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển CPĐT, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch UBQG về CĐS. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Về an toàn an ninh mạng, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, đạt vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp hạng GCI năm 2020 của ITU) về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu, tăng 25 bậc trong vòng 2 năm.
Doanh thu ICT 9 tháng ước đạt 2.263 tỷ đồng (~ 97,8 tỷ USD) tăng khoảng 13,04% so với cùng kỳ. Ngành Công nghiệp ICT được dự báo có thể đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2021.
Đặc biệt, trong các ngày 12 - 14/10, Bộ TT&TT đã phối hợp với Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 (ITU Digital World 2021) theo hình thức trực tuyến, trên nền tảng số do Việt Nam xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu khai mạc. Đây là sự kiện ICT lớn nhất thế giới, cũng là lần thứ 2 liên tiếp Việt Nam đăng cai tổ chức, với sự tham dự của Tổng Thư ký ITU, Phó Thủ tướng Moldova, 32 Bộ trưởng, 08 Thứ trưởng và 2.380 đại biểu đến từ 159 quốc gia, thu hút 160.000 khách thăm quan.
Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền các nội dung phòng, chống dịch theo kế hoạch cụ thể hàng tuần của Tiểu ban Truyền thông - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bám sát tình hình, diễn biến dịch trong cả nước và của các địa phương. Báo chí đã không chỉ chủ động đưa tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch; thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; các hướng dẫn phòng, chống dịch cho người dân... mà còn trở thành lực lượng trực tiếp trên tuyến đầu tham gia chống dịch./.