Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Thiếu tướng, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng
Tiếp đoàn có Thiếu tướng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng; Ban lãnh đạo Tập đoàn và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viettel.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã sản xuất và thử nghiệm thành công thiết bị thu phát sóng 4G Macro. Các trạm phát sóng này đã được đưa vào thử nghiệm tại Vũng Tàu hơn 1 năm qua. Kết quả thử nghiệm cho thấy chất lượng 4G Viettel ổn định, có các tính năng tương tự như của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay. Theo kế hoạch, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam.
Từ 2018, Viettel sẽ tiến hành thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do chính công ty sản xuất. Viettel cũng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị mạng viễn thông, lĩnh vực mà hiện trên thế giới chỉ còn có 5 nhà cung cấp. Mục tiêu đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel sẽ do Viettel làm chủ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Viettel sẽ phủ sóng toàn quốc mạng 4G rộng như mạng 2G đã từng làm trước đây và cung cấp dịch vụ 4G vào quý I/2017 với mục tiêu làm bùng nổ dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới.
Phát biểu tại lễ trao giấy phép 4G cho Tập đoàn Viễn thông quân đội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của Viettel trong thời gian qua khi trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất, chiếm gần 60% lợi nhuận của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước; có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn sở hữu vào loại cao nhất trong ngành (32%); nằm trong Top 40 doanh nghiệp viễn thông có doanh thu lớn nhất thế giới và Top 30 các doanh nghiệp viễn thông có số thuê bao di động lớn nhất thế giới. Đồng thời cũng là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi ra nước ngoài với tổng số nước đã đầu tư kinh doanh viễn thông là 10 nước.
Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng vào các hoạt động nghiên cứu, sản xuất của Viettel, đã chứng minh hướng đi mới, lâu dài, là điều kiện giúp Viettel trở thành một tập đoàn không chỉ cung cấp dịch vụ mà còn sản xuất thiết bị công nghệ cao, thực hiện mục tiêu năm 2020 trở thành tổ hợp nghiên cứu, sản xuất, tổ hợp công nghiệp quốc phòng, tự chủ được phần lớn thiết bị hạ tầng viễn thông là vấn đề cốt lõi bảo đảm an ninh mạng viễn thông Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, sau khi triển khai hạ tầng 4G, Viettel cần lưu ý dịch vụ nội dung cho truyền hình và viễn thông, CNTT, đẩy mạnh dịch vụ cả trong và ngoài nước, trong đó việc phát triển dịch vụ nội dung ra thế giới cần truyền tải yếu tố văn hóa Việt Nam đi song hành. Đồng thời đặc biệt chú trọng vấn đề an ninh thông tin, để viễn thông ngoài việc là phương tiện truyền tải còn là mạng lưới tin cậy cho an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý, Viettel cần chú trọng công tác tái cơ cấu trong bộ máy nhân sự, đẩy mạnh đào tạo chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Phát biểu ghi nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel sẽ tập trung triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G. Tập đoàn sẽ hướng tới mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới và đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT đã có chuyến thăm và làm việc với một số đơn vị của Viettel tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội./.