Bộ TTTT và Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023

Lan Phương| 15/12/2018 16:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) sẽ tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và ứng dụng CNTT.

Ngày 14/12/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký kết chương trình phối hợp công tác về tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2023 giữa hai Bộ.

Dự Lễ ký kết còn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký kết chương trình phối hợp công tác về tuyên truyền ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cùng khẳng định quyết tâm triển khai chương trình phối hợp một cách thiết thực và hiệu quả, góp phần vì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Trong quá trình triển khai phối hợp, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi, thống nhất, hàng năm có sơ kết đánh giá để nắm bắt kết quả phối hợp và định hướng các bước triển khai tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đào tạo CNTT, tiếng Anh là hai công việc ưu tiên của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn này. Bộ GD&ĐT mong muốn có sự phối hợp chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TTTT quản lý nhà nước hàng trăm nghìn doanh nghiệp ICT, đây cũng chính là những khách hàng của ngành Giáo dục, vì vậy, hỗ trợ ngành Giáo dục là hỗ trợ chính mình và giúp đất nước phát triển. Với chương trình phối hợp này, Bộ TTTT mong muốn được góp một viên gạch nhỏ cho thành công của sự nghiệp giáo dục.

Theo chương trình ký kết, trong giai đoạn 2018-2023, Bộ GD&ĐT và Bộ TTTT sẽ tăng cường phối hợp nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, an toàn thông tin (ATTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các nội dung phối hợp sẽ được triển khai giữa 2 Bộ gồm:

- Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề;

- Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;

- Phối hợp xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử ngành GD&ĐT phiên bản 2.0, phối hợp thực hiện kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa ngành giáo dục và đào tạo với các ngành khác và với các địa phương; Phối hợp triển khai các dịch vụ về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng;

- Phối hợp xây dựng, thẩm định và định kỳ rà soát, cập nhật ngân hàng câu hỏi thi quốc gia, phần mềm quản lý thi quốc gia và tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức thi, quản lý và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT của các trung tâm sát hạch theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 Quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.

- Phối hợp chỉ đạo lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế;

- Phối hợp nghiên cứu chỉ đạo đưa nội dung CNTT, ATTT mạng cập nhật theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình GD&ĐT phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo (từ trung học phổ thông trở lên).

- Phối hợp triển khai Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

- Phối hợp triển khai Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020" theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp định kỳ hàng năm tổ chức Cuộc thi quốc gia Sinh viên với ATTT, xây dựng các tài liệu tuyên truyền cho đối tượng học sinh, sinh viên; Phối hợp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT, ATTT phục vụ chuyển đổi số quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0, gắn công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp.

- Phối hợp quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc xuất bản sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa điện tử và sách tham khảo về ATTT mạng; Huy động sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và CNTT trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp.

- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Sở GD&ĐT, Sở TTTT, các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương tăng cường triển khai tuyên truyền nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá.

Hàng năm Bộ TTTT cũng cung cấp số liệu về yêu cầu đào tạo CNTT, ATTT để hai bên phối hợp nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về thị trường lao động CNTT, hỗ trợ chuẩn hóa nội dung đào tạo.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT và Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng CNTT giai đoạn 2018-2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO