Bồi dưỡng kiến thức an toàn thông tin từ nhà trường
Đảm bảo an toàn an ninh mạng trong môi trường giáo dục đòi hỏi mỗi học sinh, giáo viên và phụ huynh có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức trong quá trình tham gia số hóa các hoạt động giáo dục.
Tốc độ chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục. Việc dảm bảo an toàn, an ninh mạng trong môi trường giáo dục đòi hỏi mỗi học sinh, giáo viên và phụ huynh có sự chuẩn bị sẵn sàng cho những thách thức trong quá trình tham gia số hóa các hoạt động giáo dục. Hệ sinh thái cơ sở dữ liệu dùng chung chắc chắn cần lá chắn bảo vệ của các cá nhân tham gia giao thông trên môi trường số. Vậy mối quan tâm và mức độ nhận biết của học sinh đến an toàn của tài khoản cá nhân để cải thiện tình trạng nguy cơ mất an toàn thông tin (ATTT) mạng như thế nào?
Một trong những biện pháp tốt nhất để quản lý thông tin trong nhà trường có lẽ là thiết lập các thói quen cơ bản khi tham gia môi trường số. Theo khảo sát với học sinh cuối cấp THPT, 1/3 số học sinh trả lời cho biết rằng tội phạm mạng hoặc tin tặc muốn đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm để bán hoặc đòi tiền. Điều đó có nghĩa là chính các em học sinh đã nhận thức rõ về nguy hại tiềm ẩn của việc bị tấn công trên mạng vì mục đích xấu, chứ không đơn thuần là nhầm lẫn, tình cờ.
Thực tế, khi học sinh thiết lập mật khẩu cho tài khoản cá nhân để phòng ngừa rủi ro cần tránh lối mòn đặt mật khẩu dễ nhớ nhưng dễ bị phát hiện như: tên nhân vật hoạt hình ưa thích, tên CLB ưa thích, tên nickname, ngày sinh nhật,... Điều thấy rõ ở thế hệ trước (cha mẹ, thầy cô) là giữ nguyên mật khẩu mặc định, hoặc một mật khẩu cho các tài khoản để tránh quên. Thay vào đó, hiện nay mật khẩu đã được thiết lập sang mức độ mạnh hơn với trường thông tin phổ rộng như tên dãy số (tỷ lệ cao nhất: 60,9%), tên bạn (tỷ lệ cao thứ nhì: 47,8%), và thú vị hơn, nơi sinh được lựa chọn (tỷ lệ cao thứ 3: 39,1%).
Trong các biện pháp mà nhà trường hướng dẫn học sinh nhận diện các email giả mạo (phishing email), hầu hết các em đều coi email yêu cầu phải hành động ngay là đáng nghi ngờ nhất, các yếu tố như email nhắc đến một thư trước đó mà mình không nhớ và email mang lỗi chính tả hay ngữ pháp cũng là cách để dễ phát hiện tính giả mạo. Những bước đơn giản nhưng hiệu quả nhằm đảm bảo ATTT mạng được học sinh quan tâm và thực hiện nhiều nhất dựa trên cơ sở đánh giá mức độ cần thiết từ bản thân gồm: luôn luôn khóa thiết bị khi không sử dụng; không chia sẻ tài khoản với người khác; chỉ tải về các ứng dụng, phần mềm từ các cửa hàng chính thống như Google play hay App store.
Câu chuyện ATTT cho giới trẻ đang đặt ra vấn đề về tính chuyên nghiệp khi tham gia môi trường số. Bởi vì bàn về việc sử dụng chính thống kĩ thuật đảm bảo ATTT thì lớp trẻ chủ yếu đang dừng ở tầng thứ 2 trong tháp nhu cầu của Maslow (Nhu cầu An toàn - thể lý) nhìn nhận tính cấp thiết để phòng chống mã độc, tấn công giả mạo, lấy cắp tài khoản,… chứ chưa vươn tới tầng thứ 3 (Nhu cầu giao tiếp với của bản thân với xã hội trên không gian mạng).
Phát triển nhu cầu tự bảo vệ thông tin của học sinh thường được hình thành qua đọc truyện trinh thám với các kĩ thuật như bút tàng hình, chất liệu viết chữ đặc biệt để tàng hình và hiện hình trong các điều kiện đặc biệt, hoặc thói quen bảo vệ quyền riêng tư, hạn chế người khác sử dụng thông tin cá nhân nhiều hơn là tính cộng đồng trong bảo vệ cơ sở dữ liệu dùng chung. Điều này cho thấy bên cạnh nhu cầu rõ rệt trong trang bị các kĩ thuật chính thống đảm bảo an ninh mạng ở mức độ cộng đồng, nhất là lớp trẻ thì việc giáo dục ATTT mạng nên đi song hành với thời điểm bắt đầu làm quen với kĩ thuật số.
Hiện nay, tốc độ phát triển của công nghệ số luôn vượt qua so với mức độ đầu tư vào đảm bảo an ninh mạng. Do đó, việc tính toán khả năng tác động của chuyển đổi số đến toàn bộ ý thức người tham gia cần lưu tâm với thế hệ Alpha- nhóm thế hệ toàn cầu nhất trong tất cả các thế hệ hiện tại, sẽ là "thế hệ được giáo dục chính thức nhất từ trước đến nay, thế hệ được cung cấp nhiều công nghệ nhất từ trước đến nay và là thế hệ giàu có nhất trên toàn cầu" (Mark McCrindle, một nhà nghiên cứu xã hội từ Úc). Câu chuyện uốn cây từ thủa còn thơ vẫn còn nguyên giá trị khi cơ hội và sự sẵn lòng tìm hiểu cái mới luôn rộng mở ở vạch xuất phát của chuyển đổi số./.