Bức tranh CĐS của các DN Việt dưới góc nhìn chuyên gia

Bảo Bình| 03/05/2022 08:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đang có dư địa rất tốt trong chuyển đổi số (CĐS), đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ số cũng như các nền tảng di động và dữ liệu. Tuy nhiên, để CĐS thành công, các chuyên gia CĐS cho rằng các DN Việt cần cân nhắc một số yếu tố, đặc biệt là tình trạng nguồn nhân lực.

Nền kinh tế số năng động và phát triển của Việt Nam là một thuận lợi để DN Việt CĐS

Trong một sự kiện gần đây về CĐS do FPT Digital tổ chức, Arnauld Ginolin, chuyên gia CĐS của công ty tư vấn chiến lược BCG, Giám đốc hợp danh của BCG, cho rằng số hóa không phải là một khái niệm mới, việc chuyển dịch số đã diễn ra trước đó một thời gian. Cụ thể, cuối những năm 90, các công ty đã bắt đầu sử dụng máy tính, chuyển dịch quy trình theo hướng số hóa, tự động hóa. Như vậy, số hóa đã tồn tại từ trước đó, những thứ thay đổi nhiều trong 5-6 năm qua chính là sự phát triển của CĐS, tức là chuyển đổi DN một cách toàn diện thông qua số hóa nhằm gia tăng hiệu quả, cải thiện trải nghiệm khách hàng hoặc đổi mới, hoặc tất cả mọi thứ cùng một lúc.

“Từ kinh nghiệm làm CĐS trong 10 năm qua, tôi nhận thấy các DN tiến hành CĐS đang chuyển dịch theo hướng “LEAN” - nghĩa là chuyển đổi kinh doanh và dần dần chuyển dịch từ việc tích hợp các mô đun số nhỏ trong quá trình CĐS thành các dự án CĐS tổng thể như hiện nay”, Arnauld Ginolin cho biết.

Theo Arnauld Ginolin, sự phát triển của smartphone, công nghệ đám mây và nhiều công nghệ khác là các lực đẩy của CĐS. Trên thế giới, hàng năm BCG thường khảo sát các lãnh đạo DN ở các ngành nghề khác nhau, để hiểu họ đang CĐS như thế nào. Xu hướng đầu tiên là có khoảng 80% lãnh đạo cho rằng COVID-19 đã thúc đẩy nhanh CĐS. Năm 2020, họ phải CĐS để thích ứng với COVID-19. Một điều thú vị là vào cuối năm 2021, họ CĐS không phải để thích ứng với COVID-19 nữa, mà là để điều chỉnh với tình hình mới sau COVID-19, khi hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. 

“Với Việt Nam, chúng tôi thấy rằng Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của toàn cầu, chuyển dịch theo hướng số”, Arnauld Ginolin nói. “Đầu tiên, Việt Nam có nền kinh tế số năng động và phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ và quy mô tăng trưởng phi thường. Ngoài ra, lực lượng dân số trẻ cũng thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh chóng”. 

Arnauld Ginolin đề cập đến mức độ thâm nhập, chấp nhận sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Chẳng hạn, mức độ sử dụng smartphone tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á. Và một trong những lý do là Việt Nam có bước đi rất nhanh vào thế giới số, bỏ qua các bước trung gian. Nhiều người hiện có smartphone dù họ chưa từng có laptop hay điện thoại phổ thông, họ đi thẳng tới bước sử dụng smartphone. Hoặc một số người có những trải nghiệm ngân hàng đầu tiên là mở tài khoản ngân hàng hoàn toàn trực tuyến, thay vì đến trực tiếp cửa hàng vật lý như trước. Đây là những lý do và là động lực thúc đẩy CĐS ở Việt Nam.

Arnaud Ginolin nhận định Việt Nam không hề lạc hậu trong câu chuyện CĐS. Thực tế, Việt Nam đang có dư địa rất tốt trong CĐS, đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ số cũng như ứng dụng các nền tảng di động và dữ liệu. Tuy nhiên, để CĐS thành công, các DN cần cân nhắc một số yếu tố sau. 

5 yếu tố cần cân nhắc để có một quá trình CĐS hiệu quả

Chuyên gia CĐS Arnaud Ginolin cho rằng trong CĐS, sẽ có phần “số” và phần “chuyển đổi”, vì vậy, các công ty, lãnh đạo DN và mọi cán bộ công nhân viên đã sẵn sàng để chuyển đổi công ty hay chưa. "Đó là điều chúng ta thường quên mất", ông nói. "Mỗi công ty có mỗi nền văn hóa DN khác nhau nên không có một giải pháp cụ thể duy nhất nào. Trên thực tế, khi chúng tôi thực hiện khảo sát lãnh đạo toàn cầu về CĐS, có 35% lãnh đạo nhận định họ nghĩ CĐS đã thành công, 65% còn lại thấy kết quả chưa như mong đợi, hoặc CĐS không đem lại kết quả hoặc do kết quả mang lại đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao, thường là chi phí đầu tư về CNTT. Vì vậy, thực hiện CĐS thành công vẫn là một thách thức".

5 yếu tố doanh nghiệp Việt cần cân nhắc khi chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Arnaud Ginolin, chuyên gia CĐS của công ty tư vấn chiến lược BCG, Giám đốc hợp danh của BCG

Arnaud Ginolin khuyến khích xem xét 5 yếu tố chính khi đề cập đến chiến lược CĐS. 

Thứ nhất là một chiến lược CĐS rõ ràng và toàn diện. “Chúng ta cần biết tại sao, làm gì và như thế nào”, ông cho biết. “Câu hỏi tại sao rất quan trọng, tại sao DN cần CĐS? Chúng ta thường bỏ qua câu hỏi tại sao và tập trung quá nhiều vào câu hỏi “như thế nào” - câu hỏi liên quan đến việc triển khai các giải pháp công nghệ. Trong khi đó, câu hỏi “tại sao” cần được làm rõ, nó có thể mang lại lợi nhuận cao hơn, hoặc chúng ta coi CĐS như một lợi thế cạnh tranh khi thị trường và đối thủ đều trong giai đoạn CĐS, hay cũng có thể vì mục đích đổi mới sáng tạo. Có nhiều lý do khác nhau, vì vậy cần trả lời các câu hỏi để đặt ra một chiến lược dẫn dắt quá trình CĐS và nguồn nhân lực”. 

Thứ 2 là yếu tố lãnh đạo, dẫn dắt và gắn kết của các lãnh đạo cấp cao. Họ cần cam kết chắc chắn và có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề liên quan đến CĐS. Ở các nước trên thế giới cũng như Việt Nam, BCG đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo số, các hội thảo số để đào tạo các lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến CĐS, như điện toán đám mây là gì, blockchain, phân tích dữ liệu là gì…. Bởi vì, nếu lãnh đạo DN không hiểu, rất khó khiến họ cam kết bỏ ra một khoản chi phí đầu tư CNTT, cam kết với toàn thể nhân viên. 

Yếu tố thứ 3 khi nhắc đến chiến lược CĐS cũng như đánh giá về mức độ trưởng thành số chính là văn hóa DN. DN đã sẵn sàng thay đổi chưa? Nhân viên đã sẵn sàng thay đổi chưa? “Tôi muốn nói đến tư duy Agile - văn hóa Agile. Agile là cách chúng ta triển khai nhanh chóng các giải pháp, kiểm thử, có thể thất bại để rút ra bài học nhanh chóng…. Tư duy Agile rất quan trọng, đó là một cách tiếp cận chứng minh cho những kết quả cuối cùng. Chúng tôi nhận thấy sự nhanh nhạy trong việc CĐS là một việc vô cùng khó khăn và phức tạp, bởi vì thế giới số thay đổi nhanh chóng. Do đó yếu tố thứ ba cần cân nhắc chính là về văn hóa, đặc biệt là về tư duy Agile”, Arnaud Ginolin nói.

Yếu tố thứ 4 là nhân tài trong lĩnh vực CĐS. Có nguồn nhân lực phù hợp là điều vô cùng thiết yếu. Nếu chúng ta muốn CĐS mà không có nguồn nhân lực phù hợp và tài năng, sẽ không thể thực hiện được. 

Điều cuối cùng là sự quan trọng của CNTT, cơ sở hạ tầng số và nền tảng dữ liệu. Hệ thống thông tin theo các mô đun và linh hoạt sẽ thúc đẩy một quá trình CĐS thành công.

Tại Việt Nam, từ những kinh nghiệm của Arnaud Ginolin trong các dự án gần đây, ông nhận thấy các DN Việt đang gặp khó khăn ở nguồn nhân lực. “Chúng ta đang chứng kiến sự khủng hoảng nhân lực số tại Việt Nam. Làm thế nào để tìm được nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư dữ liệu, kỹ sư điện toán đám mây… nhiều kinh nghiệm? Điều này cần có một chiến lược thu hút nhân tài đúng đắn, vì tất cả các công ty đều nỗ lực thu hút họ”, ông nói.

Văn hóa DN cũng là một vấn đề liên quan đến câu chuyện nhân lực. Theo Arnaud Ginolin, các DN Việt Nam cần giải quyết vấn đề về văn hóa DN - một yếu tố cần nhiều nỗ lực và liên quan đến hệ thống cấu trúc kinh tế Việt Nam. Rất nhiều DN ở Việt Nam là DN gia đình, được điều hành bởi thế hệ thứ nhất trong gia đình, thế hệ đó hiện tại vẫn tiếp tục lãnh đạo và điều hành công ty. Đây là điều tốt nhưng cũng sẽ gặp khó khăn khi triển khai tư duy Agile. Bởi vì, khi một công ty trở lên lớn mạnh, việc trao quyền cho các đội nhóm là điều cần thiết, song nhiều lãnh đạo DN vẫn cảm thấy khó khăn trong công tác trao quyền. 

Vì vậy, theo Arnaud Ginolin, ngoài những yếu tố như công nghệ hay chi phí đầu tư, ngay khi xây dựng chiến lược cũng như trong quá trình triển khai CĐS, DN Việt cần quan tâm đến tình trạng nguồn nhân lực, trả lời các câu hỏi như DN đã có chính sách gì thu hút nhân lực, làm thế nào để thay đổi văn hóa DN theo hướng CĐS./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số ngân hàng với 3 mục tiêu và 5 quan điểm
    Với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2024” diễn ra sáng ngày 8/5 khẳng định những quyết tâm, nỗ lực của ngành NH trong thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia và hướng đến phát triển nền kinh tế số Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Công nghệ số giúp ngân hàng tiến xa
    Trong Sự kiện “Chuyển đổi số (CĐS) ngành Ngân hàng 2024” với chủ đề “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, các công nghệ, ứng dụng số mới, hiện đại đã được các NH giới thiệu.
  • Microsoft đầu tư 3,3 tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu AI tại Wisconsin
    Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố khoản đầu tư mới trị giá 3,3 tỷ USD của Microsoft để xây dựng một trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) mới ở Racine, Wisconsin trong nỗ lực nhằm tạo thêm việc làm và những thành công kinh tế của bang.
  • Tham vọng CĐS toàn cầu, CMC Korea ra mắt tại Hàn Quốc
    Trong bối cảnh nhu cầu về chuyển đổi số (CĐS) ngày càng tăng tại Hàn Quốc, Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC) vừa ra mắt CMC Korea và khai trương văn phòng vào ngày 8/5/2024 tại Seoul, Hàn Quốc. Đây là sự kiện nằm trong chiến lược "go global" của CMC.
  • Bí mật đổi mới sáng tạo của Nhật Bản và Hàn Quốc
    Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp (startup) và các công ty lớn được theo đuổi một cách công khai vì lợi ích quốc gia, và đó là điều hiển nhiên với tất cả mọi người.
  • Hợp tác chinh phục thị trường an ninh mạng cho xe điện Trung Quốc
    Ngày 8/5, Công ty Quanan Bắc Kinh (GoGoByte) và Công ty VinCSS đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược, hướng tới phát triển và triển khai giải pháp an ninh mạng tiên tiến nhất cho thị trường xe điện ở Trung Quốc, Việt Nam và toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh CĐS của các DN Việt dưới góc nhìn chuyên gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO