"Bước chân của sách" lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường

Thanh Nga| 04/12/2022 09:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Tri thức, tình yêu sách đã theo "Bước chân của sách" từ Hải Phòng lan tỏa đến các trường học vùng cao của tỉnh Yên Bái.

Mỗi trang sách là một bước chân

Đọc sách xong chưa phải là xong, các bạn nhỏ có thể viết bài dự thi giới thiệu về sách. Một bài điểm sách của học trò Hải Phòng viết giản dị thế này: "Với chủ điểm của cuốn sách là thưởng thức cuộc sống, cuốn sách sẽ giúp cho học sinh chúng mình tìm hiểu, giải đáp những câu hỏi "vì sao" về những hiện tượng, sự việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta. Cuốn sách rất thú vị…".

Lê Thanh Ngân, học sinh trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) thì làm hẳn clip để giới thiệu sách với các bạn: "Sau khi đọc sách xong, con thấy mình hiểu hơn về những kiến thức ngoài xã hội, văn hóa nước khác. Con đã quay clip để giới thiệu với các bạn về cuốn sách mà con đọc, nói một số nội dung chủ yếu về cuốn sách để các bạn hiểu hơn. Sau khi giới thiệu cuốn sách ấy xong thì các bạn cũng thích và đã đi ra hiệu sách để tìm kiếm và đọc".

Đó là một trong những thành quả bước đầu của Dự án "Bước chân của sách" sau một năm triển khai. Dự án là sáng kiến của Nhà giáo ưu tú, PGS.TS. Lê Quốc Tiến, thời điểm đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, và nhiều thầy cô giáp, được triển khai tại thành phố Hải Phòng từ tháng 5/2020. Với thông điệp "Mỗi trang sách là một bước chân", dự án khuyến khích học sinh, sinh viên đọc sách một cách khoa học, bài bản, từng bước nâng cao văn hóa đọc.

"Bước chân của sách" là dự án kêu gọi các trường học, giáo viên, học sinh tự nguyện tham gia, với các hình thức: mỗi học trò góp một quyển sách để xây dựng "Thư viện 50K" tại lớp mình, sách được chuyền tay nhau đọc trong lớp tới khi hết kho sách của lớp, sau đó được chuyển cho lớp khác, rồi từ trường này chuyển tới trường kia và chuyển tới các tỉnh khác; thi giới thiệu về sách; Sở GD&ĐT tổ chức hướng dẫn cách đọc sách khoa học…

Nhà giáo ưu tú, PGS.TS. Lê Quốc Tiến cho biết: "Bước chân của sách mang lại sự công bằng rất tuyệt vời, dù các em học sinh ở trung tâm thành phố hay vùng khó khăn nhất thì các em có cơ hội ngang nhau để tiếp cận những cuốn sách, tác phẩm hay nhất. Chúng tôi cũng mở những lớp tập huấn cho học sinh và giáo viên về các kỹ năng đọc sách để các em yêu sách hơn. Ngoài ra, dạy cho các em kỹ năng đọc sách nhanh, ghi nhớ lâu và dùng kỹ năng này để học tập hiệu quả nhất. Hơn nữa, sách giúp các em có chiều sâu về tâm hồn, chiều rộng hơn về kiến thức để các em học tập tốt hơn và biết cách hoạch định kế hoạch cho tương lai của mình".

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng khen tặng học sinh đoạt giải trong một cuộc thi giới thiệu sách

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng khen tặng học sinh đoạt giải trong một cuộc thi giới thiệu sách trong chương trình "Bước chân của sách"

Hưởng ứng, nhiều trường học ở Hải Phòng đã xây dựng thư viện 50K. Một số nơi như quận Hồng Bàng, An Dương, Đồ Sơn…, lớp học nào cũng lập được thư viện theo mô hình 50K. Sau 6 tháng, tổng kết giai đoạn 1 của dự án, các trường học từ bậc mầm non tới trung học phổ thông ở Hải Phòng tập hợp được gần 1,3 triệu cuốn sách, gần 32 ngàn giá sách. Học trò hào hứng vì chỉ góp một quyển sách, các em có cơ hội được đọc hàng ngàn cuốn sách khác.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Lê Quốc Tiến tặng gần 400 giá sách, với khoảng 5.000 đầu sách cho giáo viên, học sinh một số trường. Ông chọn tặng những tác phẩm kinh điển, sách hay về văn học, lịch sử, khoa học... Công đoàn ngành GD&ĐT Hải Phòng tặng 70 giá sách cho các trường. Phong trào lan ra ngoài trường học, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tặng sách, giá sách cho các trường.

Sau khi lập được thư viện ngay tại lớp học, nhiều trường học tại Hải Phòng tiếp tục có những sáng kiến khơi dậy và nuôi dưỡng văn hóa đọc cho học sinh. Như trường THPT Hàng Hải (quận Ngô Quyền) đưa giờ đọc sách vào thời khóa biểu. Mỗi tuần sẽ có nhóm học sinh thuyết trình về cuốn sách đã đọc, học sinh ghi nhật ký đọc sách của mình... Nguyễn Thị Hồng Ngọc, học sinh trường THPT Hàng Hải, cho biết: "Trước kia, thời gian đọc sách của bọn em rất hạn chế vì việc học tập rất nhiều. Rất may mắn được nhà trường phát động việc đọc sách, chúng em được đọc sách trong các giờ ra chơi, các giờ sinh hoạt, chia sẻ với nhau những cuốn sách hay, biết thêm nhiều điều mới, nhiều kiến thức hơn, đã hình thành trong mỗi chúng em thói quen đọc sách thường xuyên hơn. Có tiết sinh hoạt với chủ đề "Mỗi tuần 1 cuốn sách hay", các bạn lên thuyết trình sách, từ đó chia sẻ với nhau những cuốn sách thú vị để các bạn tìm đọc".

Những phụ huynh khoe niềm vui với cô giáo của con mình: "Buổi học hôm qua hay và thích quá. Các con rất thích. Về, các con còn hướng dẫn mẹ nữa cơ, cách lật sách, đọc sách…", "Thầy tặng sách và tặng 10 quy tắc học tốt nữa. Thầy rất quan tâm các con, quan tâm đến giáo dục…", "một dự án thật ý nghĩa", "đi theo những bước chân của sách, bạn sẽ gặp bao điều thú vị".

Lan tỏa văn hóa đọc

Tri thức, tình yêu sách đã theo "Bước chân của sách" từ Hải Phòng lan tỏa đến các trường học vùng cao của tỉnh Yên Bái. Dự án "Bước chân của sách" đã kết nối và tặng hơn 1 nghìn cuốn sách, 100 giá sách cho các trường học tại thành phố Yên Bái như Văn Phú, Lý Thường Kiệt, Âu Lâu, Cao đẳng Sư phạm Yên Bái…, và huyện Mù Cang Chải, như: Lao Chải, Púng Luông, Cao Phạ, Dế Xu Phình…

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Văn Phú, thành phố Yên Bái đóng góp sách trong Lễ phát động phong trào “Góp một cuốn sách để đọc ngàn cuốn”

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Văn Phú, thành phố Yên Bái đóng góp sách trong Lễ phát động phong trào “Góp một cuốn sách để đọc ngàn cuốn”

Nhận món quà từ các bạn ở Hải Phòng, học trò Yên Bái tiếp tục lan tỏa "bước chân của sách". Các em đã viết hơn 500 lá thư tri ân dự án. Thầy giáo Huy Thụy, Hiệu phó Trường THCS và THPT Púng Luông (huyện Mù Cang Chải) cho hay: "Khi tiếp nhận dự án, nhà trường đã phát triển năng lực đọc, luân chuyển sách qua lớp học để các em có thể đọc được sách. Sau khi đọc xong viết lại cảm nhận và lời nhắn nhủ cho bạn đọc sau. Qua một thời gian thực hiện, cácx em phát triển năng lực đọc và năng lực, phẩm chất".

Giai đoạn 2 "Bước chân của sách" được khởi động vào  giữa năm 2021, với hướng dẫn cụ thể từ Sở GD&ĐT Hải Phòng: Học sinh, giáo viên, các trường học đăng ký tham gia chương trình trên cơ sở tự nguyện. Từ danh sách đăng ký, các trường đến sở nhận sách về/Mỗi thành viên tham gia chương trình sẽ nhận 1 quyển sách từ ban quản lý của đơn vị và đọc quyển sách của mình trong vòng 1 tuần, đọc xong ký tên và ghi ngày tháng vào trang cuối trước khi chuyển cho người khác/các thành viên tham gia dự án có thể góp thêm những quyển sách mà mình tâm đắc nhất vào kho sách chung/Khi nào mọi thành viên trong đơn vị đọc xong toàn bộ số sách đã nhận thì chuyển lại Sở để giao cho trường khác/Quyển sách nào có 50 chữ ký trở lên sẽ được lựa chọn mang tặng các trường học ở vùng cao, trở thành dấu ấn trong hành trình lan tỏa tri thức.

Dự án đã ra khỏi trường học với 2 điểm nhận - trả sách ở số 437 Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, (trường THCS Dư Hàng Kênh) và số 16/2B Bạch Đằng, phường Hạ Lí, quận Hồng Bàng. Người đọc sẽ nhận sách và đọc trong 5 ngày (tính từ ngày nhận sách). Sau 5 ngày, bạn đọc ấy có thể giới thiệu người đọc tiếp theo hoặc trả lại điểm nhận - trả sách. Đồng thời, bạn đọc để lại những cảm nhận của mình về cuốn sách đã đọc.  Dự án cũng tiếp nhận nếu bạn đọc muốn chia sẻ sách của mình cho nhiều người cùng đọc.

Trên fanpage của dự án, những người điều phối đã khởi động giai đoạn 2 "Bước chân của sách" bằng một cuốn sách đầy ý nghĩa: "Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới" của tác giả Takashi Saito.

Tiếc là sau giai đoạn 1 khởi động rầm rộ, giai đoạn 2 "Bước chân của sách" gần như không có hoạt động gì được xướng lên. Nhưng dù sao sách đã đặt được những bước chân đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tri thức và bồi dưỡng tâm hồn của nhiều bạn nhỏ. Đấy đã là thành công./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
"Bước chân của sách" lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO