Bưu điện cần tích cực tham gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4

Lan Phương| 18/12/2017 15:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngành Bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân.

Ngày 15/12/2017, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm sau 1 năm triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Hội nghị tại đầu cầu tỉnh Quảng Bình. Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn tham dự tại đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 17/2017/TT-BTTTT ngày 26/3/2017 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành Quyết định này; Thông tư số 22/2017/TT-BTTTT ngày 29/9/2017 quy định mức giá cước tối đa và chính sách miễn, giảm cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ giải quyết TTHC và dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BDCI. Đây là khung pháp lý quan trọng để thực hiện việc nhận gửi hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ BCCI.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Hội nghị 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí. Với Quyết định 45, Bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính mà còn phải hướng tới là đại diện của chính quyền.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nhân viên bưu điện phải hiểu các TTHC để tư vấn cho bà con, nhân dân. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành Bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết TTHC trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất. Từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên bưu điện cần ghi chép, tập hợp những TTHC người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan Nhà nước để chuẩn hoá dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết. "Chúng ta phải đặt mục tiêu năm tới chuẩn hóa được bao nhiêu dịch vụ, đặc biệt cần quan tâm đến các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ được nhiều người dân quan tâm", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc đẩy mạnh cải cách hành chính chỉ có thể làm được nếu các bộ ngành, địa phương tin học hóa bộ máy hành chính, xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng và liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến. “Cả ba việc này phải được thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT cho từng dịch vụ. Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ cải cách hành chính, TTHC của mỗi bộ ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình này để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện sẽ góp phần chuẩn hoá các TTHC, đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trung ương và chỉ đạo Tổng công ty BĐVN tiếp tục triển khai một cách đầy đủ, sâu rộng Quyết định của Thủ tướng để nhằm hướng tới người dân, mục tiêu vì người dân phục vụ, xứng đáng với sứ mệnh cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn phát biểu tại đầu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị một số nội dung công tác chính trong triển khai Quyết định 45 trong thời gian tới:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức về chủ trương của Nhà nước trong cải cách hành chính thông qua việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để các tổ chức, cá nhân biết, hiểu rõ và sử dụng dịch vụ này. Trước hết, đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về nội dung này.

Thứ hai, tăng cường ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC, kết nối mạng thông tin phục vụ việc triển khai Quyết định 45 của Thủ tướng thông qua hệ thống kết nối liên thông các hệ thống ở trung ương đến địa phương. Trong năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ TTTT sẽ triển khai thuê dịch vụ, không đầu tư như những năm trước và đẩy nhanh việc thực hiện kết nối hệ thống thông tin phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI nói riêng và đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung.

Thứ ba, tăng cường tổ chức tập huấn cho nhân viên bưu chính trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích để nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả và thuận tiện và phục vụ tốt theo nhu cầu của người dân hướng tới lấy người dân để phục và phục vụ tốt nhất.

Gần 8 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện

Sau 1 năm, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI đã cơ bản được triển khai trên toàn quốc.

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến nay 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có TTHC đã thực hiện rà soát, công bố các TTHC được thực hiện qua dịch vụ BCCI. 61/63 tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty BĐVN - doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao triển khai các nhiệm vụ BCCI. Đặc biệt, các Sở, ngành, quận huyện tại các địa phương này cũng ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh, thành phố để triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua bưu điện. Tất cả các Bộ, ngành UBND tỉnh, thành phố đã phối hợp với BĐVN tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra giấy tờ, các điểm cần lưu ý khi nhân viên tiếp nhận hồ sơ của người dân, để đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC được chính xác, nhanh chóng, an toàn.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ TTTT, Tổng công ty BĐVN cùng sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố, tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã có gần 8 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện. Điển hình là các lĩnh vực: tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội (giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp); cấp đổi giấy phép lái xe; cấp lý lịch tư pháp; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp bản sao bằng tốt nghiệp; thủ tục nhận con nuôi; cấp mới và cấp lại các chứng chỉ, chứng nhận về y dược, bán thuốc bảo vệ thực vật; bản sao giấy khai sinh; đăng ký thành lập doanh nghiệp… Đặc biệt, trong năm qua, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC luôn được thực hiện theo đúng nghiệp vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định. Đa số các cơ quan hành chính và khách hàng đều đánh giá cao những lợi ích mà dịch vụ mang lại.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện cần tích cực tham gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO