Nhân viên bưu điện văn hóa xã hướng dẫn người dân xã Ea Ly làm thủ tục hành chính
Theo Bưu điện Phú Yên, qua 4 năm hoạt động trở lại (từ năm 2014-2017), đơn vị đã khôi phục và mở hoạt động lại cho 20 bưu điện văn hóa xã. Bộ mặt của bưu điện văn hóa xã đã thay đổi từ hình thức đến nội dung, đáp ứng được các yêu cầu phục vụ khách hàng trong tình hình mới.
Tính trong năm 2017, doanh thu bưu điện văn hóa xã đạt hơn 18 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2016 và tăng 11,7 lần với năm 2014. Thu nhập bình quân của nhân viên bưu điện văn hóa xã tăng từ 1,1 triệu đồng/người/tháng (năm 2014) lên 2 triệu đồng/người/tháng (năm 2017).
Đến nay, Bưu điện Phú Yên đã sửa chữa và nâng cấp khang trang 74/79 bưu điện văn hóa xã theo nhận diện thương hiệu của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Đơn vị cũng đã triển khai được 61 bưu điện văn hóa xã theo mô hình đa dịch vụ, chiếm 77% điểm đang hoạt động; 50 bưu điện văn hóa xã có máy tính kết nối internet để thực hiện các dịch vụ...
Ngoài các dịch vụ chuyển phát, bưu chính, hiện nay, các bưu điện văn hóa xã đã tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân nhiều hơn.
Ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, cho biết: Trên địa bàn huyện Sông Hinh, Ea Ly là xã đầu tiên có bưu điện văn hóa xã tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Từ khi có dịch vụ này, người dân xã Ea Ly đỡ phải đi lại vất vả, được nhân viên bưu điện hướng dẫn tận tình.
Qua khảo sát thì khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, hầu hết người dân nơi đây đến bưu điện văn hóa xã để làm dịch vụ chứ không đến cơ quan nhà nước nhiều như trước đây. Tôi tin rằng với điều kiện như hiện nay, bưu điện sẽ trở thành trung tâm một cửa liên thông, kết nối người dân với các ngành chức năng.
Xã mong muốn Bưu điện Phú Yên tiếp tục mở rộng mạng lưới tiếp nhận, đảm bảo thực hiện an toàn, chính xác, đáp ứng các yêu cầu về quản lý hành chính để người dân an tâm sử dụng dịch vụ hành chính công.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Hằng, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Ea Ly, trước khi Bưu điện Phú Yên triển khai dịch vụ hành chính công qua bưu điện văn hóa xã, chị Hằng đã được đào tạo thêm về nghiệp vụ, chuyên môn để đảm nhận công tác này. Do đó, chị hiểu và nắm bắt được các quy trình thực hiện và hướng dẫn người dân chu đáo. Từ khi tiếp nhận thủ tục hành chính công, mỗi ngày, chị Hằng phục vụ cho khoảng 55-60 người dân có nhu cầu.
Theo ông Huỳnh Công Định, Phó Giám đốc Bưu điện Phú Yên, đơn vị này đang nỗ lực hết sức để đưa bưu điện văn hóa xã trở thành trung tâm hành chính công tại địa bàn xã, góp phần triển khai Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao vị thế của Bưu điện Việt Nam.
Bưu điện tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 90% số điểm hoạt động triển khai mô hình Trưởng Bưu điện văn hóa xã; 100% xã có bưu điện văn hóa xã hoạt động và được trang bị đầy đủ dụng cụ làm việc…
Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, quản lý, điều hành, giám sát gắn liền thu nhập với kết quả sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh triển khai các mô hình kinh doanh dịch vụ, kết hợp triển khai các chương trình thi đua khen thưởng động viên kịp thời, Bưu điện Phú Yên đã đề xuất Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ đầu tư và kịp thời cung ứng các trang thiết bị máy tính và công cụ dụng cụ cho các bưu điện văn hóa xã.
Đơn vị cũng đề nghị Sở TT-TT tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp một số bưu điện văn hóa xã và chi hỗ trợ nhân viên phụ trách ở các xã thuộc diện khó khăn để thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời tạo điều kiện cấp đất xây dựng một số bưu điện văn hóa xã cho các xã chưa có và số xã mới do điều chỉnh địa giới hành chính trong thời gian qua.