Truyền thông

Cà Mau phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới trở thành “cực tăng trưởng mới” của Đồng bằng sông Cửu Long

Đỗ Thêu 05/12/2024 18:43

Quy hoạch tỉnh Cà Mau đến năm 2030 được ví như một “cánh cửa mới” mở ra những cơ hội phát triển vượt bậc. Với lợi thế địa lý, tài nguyên và quy hoạch chi tiết, tỉnh Cà Mau đang hướng tới một tương lai đầy triển vọng.

2023_01_16_01_06_583.jpg
Cà Mau là tỉnh thứ 21 được phê duyệt Quy hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Đức Thánh, đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông những thông tin chi tiết về quy hoạch tỉnh, mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 7,5%/năm, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như thủy sản, năng lượng tái tạo và du lịch để trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện tính ưu việt, được ví như một cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng, là kim chỉ nam để tỉnh Cà Mau vươn mình phát triển, ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

Tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á; là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản.

Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước; với địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, có nhiều nắng và gió, Cà Mau còn có tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo. Có độ che phủ rừng với 02 hệ sinh thái mặn và ngọt, lớn nhất khu vực ĐBSCL; có 02 Vườn Quốc gia, có khu Ramsa, khu du lịch quốc gia, vùng biển rộng lớn với 03 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 còn nhiều nội dung tỉnh Cà Mau chưa lường hết được trước những biến động phức tạp và khó lường bởi tình hình trong nước và quốc tế, vì vậy quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn và chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở để chúng tôi lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh. Khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ logistic gắn với các chuỗi cung ứng; tăng cường liên kết, hợp tác giao thương, trung chuyển, kết nối thị trường hàng hóa của Cà Mau với cả vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và toàn thể Nhân dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau “cất cánh”, trở thành một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và xứng tầm là vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Xin ông chỉ rõ và phân tích sâu hơn về những tiềm năng, thế mạnh mà Cà Mau đang sở hữu để hướng tới mục tiêu trên?

Như đã nêu trên, tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý đặc thù mà không có tỉnh nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc; nằm trên giao điểm kết nối Việt Nam với Campuchia và Thái Lan trên Hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Cà Mau có tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối; định hướng là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long lợi thế phát triển trở thành: (i) Trung tâm năng lượng, công nghiệp, dịch vụ dầu khí của cả nước, trong đó phát triển Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau trở thành trung tâm công nghiệp dầu khí hàng đầu của cả nước; (ii) Trung tâm kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của quốc gia.

Để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, đặc thù riêng có, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện một số định hướng như sau.

Phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh

Phát triển ngư, nông, lâm nghiệp: Hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng và vận hành Trung tâm đầu mối thủy sản;

Phát triển kinh tế biển: Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau thành một trung tâm kinh tế biển; trở thành cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển cho các ngành/lĩnh vực phù hợp.

Phát triển du lịch: Phát triển du lịch Cà Mau đạt các tiêu chuẩn quốc tế; trở thành một trung tâm lớn về du lịch của vùng và cả nước; điểm đến hấp dẫn, du lịch chất lượng cao, trọng tâm là Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Phát triển công nghiệp: Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo hiện đại, hiệu quả và bền vững; xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng và của cả nước.

Phát triển dịch vụ, thương mại: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ.

Các đột phá chiến lược trong giai đoạn quy hoạch

Thứ nhất, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn.

Thứ hai, đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Thứ ba, hình thành và phát triển 02 Hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (Thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và hướng Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 05 Cực tăng trưởng (Thành phố Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Thuận, Đất Mũi).

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát triển không gian lãnh thổ

Ba (03) vùng kinh tế và năm (05) cực tăng trưởng bao gồm vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là thành phố Cà Mau); vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư nông lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc); vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư nông lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng của vùng là đô thị Năm Căn - Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi - Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai)

Hai hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển

Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi); hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc); các trục liên kết phát triển: Trục Quốc lộ 1, trục kinh tế - đô thị Quốc lộ 63, trục kinh tế - đô thị biển ven biển phía Nam nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), trục kinh tế biển, ven biển, trục kinh tế - đô thị nội vùng; trục kinh tế đường thủy Quốc gia.

Phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng

Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: hoàn thành tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Cà Mau và tuyến nối cao tốc đến Quốc lộ 1. Định hướng đầu tư kéo dài tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) để hoàn chỉnh trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông của đất nước; nâng cấp cảng hàng không Cà Mau đạt cấp 4C tại vị trí hiện hữu; cảng biển Hòn Khoai, Khu bến Năm Căn, khu bến Ông Đốc, bến cảng ngoài khơi Sông Đốc; Trung tâm logistics: xây dựng 01 Trung tâm logistics (tại Khu kinh tế Năm Căn); 01 cảng cạn tổng hợp.

Phát triển công nghiệp: đến năm 2030, ngoài Khu kinh tế Năm Căn có 06 khu công nghiệp, trong đó: tiếp tục phát triển các khu công nghiệp: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc; bổ sung thành lập mới Khu công nghiệp Tân Thuận, Khu công nghiệp Khánh An mở rộng (Khu công nghiệp Tắc Thủ) và Khu công nghiệp Năm Căn trong Khu kinh tế Năm Căn và có 19 cụm công nghiệp.

Phương án phát triển nguồn điện: Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo với công suất theo quy hoạch khoảng 16.464 MW (trong đó: điện mặt trời công suất 2.846 MW, điện gió công suất 12.018 MW, điện khí công suất 1.500 MW; năng lượng tái tạo khác công suất 100MW); tiến tới xuất khẩu điện sang các nước lân cận có nhu cầu nhập khẩu điện.

Tầm nhìn đến năm 2050

Cà Mau là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế Cà Mau phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có năng suất lao động cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc của con người Cà Mau nghĩa tình, thân thiện, mến khách.

Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, sinh thái; không gian nông thôn hiện đại, văn minh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tính liên kết được xem là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tại Quy hoạch cũng nêu rõ, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và nhiều trục liên kết phát triển. Ông chia sẻ rõ hơn về nội dung trên và những giá trị mà phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội nêu trên có thể mang tới cho Cà Mau trong thời gian tới?

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023, theo đó, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và nhiều trục liên kết phát triển, cụ thể như sau:

Thứ nhất là phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội gồm 03 vùng kinh tế và 05 cực tăng trưởng: (1) Vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là thành phố Cà Mau); (2) Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc); (3) Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn gắn với Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi gắn với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai).

14_sdpa_tochuckg_pvchucnang_cm.jpg
Quy hoạch tỉnh Cà Mau đến năm 2030 được ví như một “cánh cửa mới” mở ra những cơ hội phát triển vượt bậc.

Thứ hai là tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua hình thành 02 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển:

Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường bộ trục ngang, đường ven biển, kết nối cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế, khu công nghiệp và gắn với các đô thị, các trục liên kết phát triển và các cực tăng trưởng; đồng thời kết nối với Tuyến đường Hàng lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể: (1) Hành lang kinh tế Bắc - Nam (Thành phố Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi); (2) Hành lang kinh tế Đông - Tây (Tân Thuận - Đầm Dơi - Sông Đốc).

Về các trục liên kết phát triển tạo không gian kết nối, thông suốt gồm: trục Quốc lộ 1; trục kinh tế - đô thị Quốc lộ 63; trục kinh tế - đô thị biển ven biển phía Nam nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (Kiên Giang); trục kinh tế biển, ven biển; trục kinh tế - đô thị nội vùng và trục kinh tế đường thủy Quốc gia.

Việc tập trung phát triển 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là cơ sở để tỉnh phân bổ nguồn lực hợp lý cho từng khu vực, tạo sự cân đối trong phát triển kinh tế - xã hội. Các khu vực kết nối với nhau thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các ngành xuất khẩu thủy sản, nông sản. Tăng cường hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thủy sản sang công nghiệp chế biến và dịch vụ, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm, phát triển lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, phát triển các khu vực đầu mối, các cụm công nghiệp góp phần thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với sự phát triển ngày càng đồng bộ, Cà Mau có thể trở thành một điểm đến lý tưởng cho các dự án đầu tư, đặc biệt là trong các ngành có tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng suất lao động, qua đó tăng sức cạnh tranh các sản phẩm của Cà Mau trên thị trường trong nước và quốc tế. Các dự án phát triển vùng, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế sẽ thu hút một lượng lớn lao động từ các ngành nghề khác nhau, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Cà Mau phát triển nguồn lao động sẵn có tại địa phương, tăng cường công tác đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng nhiều ngành nghề để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chiến lược phát triển với 3 vùng kinh tế, 5 cực tăng trưởng, 2 hành lang kinh tế và các trục liên kết phát triển không chỉ giúp Cà Mau nâng cao tiềm lực kinh tế mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân và tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Những yếu tố này sẽ tạo ra sự liên kết mạnh mẽ giữa các khu vực trong tỉnh và giữa Cà Mau với các tỉnh, khu vực khác, qua đó gia tăng sức cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, lãng phí được xem là định hướng phát triển đúng đắn của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. Ông hãy phân tích rõ hơn về định hướng này, và những ngành nào, lĩnh vực nào được xem là “mũi nhọn” để có thể giúp kinh tế - xã hội Cà Mau sớm “cất cánh”, tạo ra được nhiều thành tựu mang tính đột phá trong thời gian tới thưa ông?

Để triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như theo quan điểm chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, việc đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí được xem là định hướng phát triển đúng đắn của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới đã được tỉnh xác định cụ thể:

Thứ nhất, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng kinh tế và năm cực tăng trưởng bảo đảm đồng bộ, hiện đại gắn với 02 hành lang phát triển kinh tế và các trục liên kết thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng để thu hút các nguồn vốn đầu tư bảo đảm hợp lý, hiệu quả; hoàn thiện hạ tầng xử lý môi trường, thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thứ hai, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: kinh tế biển; nông, lâm nghiệp và thủy sản hiệu quả cao; công nghiệp công nghệ cao (chế biến, năng lượng tái tạo); dịch vụ có giá trị gia tăng cao (du lịch, thương mại, logistics, khám chữa bệnh,...); hệ thống cảng biển, sân bay, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp...; đẩy mạnh xã hội hóa cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ. Thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực của tỉnh.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP) và hình thức đầu tư khác phù hợp trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nghiên cứu ban hành quy định cơ chế huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, tùy thuộc vào điều kiện thực tế, tình hình phát triển của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư, để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, tỉnh Cà Mau tổ chức thực hiện các dự án đầu tư tại các phụ lục kèm theo Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh (ngoài danh mục các dự án ưu tiên đầu tư). Trường hợp cần thiết đầu tư sớm hơn để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và huy động cân đối, bố trí được nguồn lực để thực hiện, cơ quan được giao chủ trì thực hiện dự án đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, chấp thuận cho đầu tư giai đoạn sớm hơn so với kế hoạch.

Để có thể hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xin ông cho biết tỉnh Cà Mau đã, đang và sẽ có những giải pháp, chiến lược cụ thể gì?

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%/năm, quy mô GRDP năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như tổ chức thực hiện có hiệu quả 6 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Quy hoạch tỉnh, cụ thể như sau: (1) Về huy động vốn đầu tư; (2) Về phát triển nguồn nhân lực; (3) Về môi trường, khoa học và công nghệ; (4) Về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; (5) Về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; (6) Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Ngoài ra, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tỉnh đã và đang quan tâm thực hiện như:

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh phải có tư duy - hành động: Làm việc hết sức, hết mình với tinh thần trách nhiệm cao đáp ứng với sự kỳ vọng của Trung ương, niềm tin của doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà. Qua đó, tỉnh Cà Mau sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ nguồn lực, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ các chương trình, dự án trong Quy hoạch. Công bố rộng rãi, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch; đồng thời rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Thứ hai, nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm nền tảng. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố.

Thứ ba, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc; tạo niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ năm, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau phát huy tối đa tiềm năng, hướng tới trở thành “cực tăng trưởng mới” của Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO