Lớp tập huấn do Cục Báo chí, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Bộ TT&TT phối hợp cùng Công ty CP Sữa Việt Nam tổ chức, thu hút được đông đảo phóng viên, biên tập viên (PV/BTV) các cơ quan báo chí tham dự.
Các cơ quan báo chí cần tích cực, mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ, quản lý
Nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của lớp học, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) và xu thế chuyển đổi số hiện nay, các nền tảng công nghệ đã sản sinh ra nhiều kênh thông tin mới, làm thay đổi phương thức, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng.
Cũng vì thế, các mạng xã hội, các kênh thông tin mới cũng có sự chi phối nhất định đối với báo chí và làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất và tiếp cận nội dung của các tòa soạn, tác động đến hoạt động tác nghiệp của đội ngũ PV/BTV; cũng như phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan báo chí trên cả nước.
Hơn nữa, sức hấp dẫn của tin tức, ngoài nội dung phong phú, mới, "nóng" và đi vào những vấn đề thiết thực nhất mà công chúng đang quan tâm, thì hình thức thể hiện cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến cảm quan của công chúng.
Do đó, đề các cơ quan báo chí gia tăng các tin bài chất lượng và đổi mới các sản phẩm báo chí theo hướng số hóa là cần thiết. Đặc biệt, trong gian đoạn phát triển của mình, các cơ quan báo chí cần tích cực, mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý để phục vụ, đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu phục vụ độc giả.
"Những ưu điểm chính của các nền tảng công nghệ số mới sẽ góp phần từng bước giúp các cơ quan báo chí chuyển mình, vận động phù hợp với xu hướng chuyển đổi số CĐS", ông Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, sự kiện chính là cơ hội nhằm trang bị thêm những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng số cần thiết, hỗ trợ công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho các PV/BTV ngày một hoàn thiện phù hợp, đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển báo chí hiện đại.
Các tòa soạn cần khuyến khích sử dụng các công cụ online thay cho các công cụ cần phải cài đặt
Bên cạnh nhiều nội dung quan trọng được đề cập, thảo luận tại buổi tập huấn, điều tâm đắc nhất được chia sẻ từ nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus chính là: Giờ đây, báo chí đang thay đổi, phát triển khác nhiều với báo chí truyền thống.
Sự thay đổi này nhận diện, thể hiện rõ ràng trên 07 nội dung từ: Báo in sang báo điện tử, kể chuyện văn bản sang kể chuyện bằng hình ảnh, đa phương tiện; máy tính để bàn sang thiết bị di động; tìm kiếm sang truyền thông xã hội; tivi truyền thống sang phát video theo yêu cầu; quảng cáo truyền thống sang lập trình; tự động sang Internet định danh.
"Đây là thời kỳ báo chí trực quan (visual journalism) thực sự phát triển. Các tòa soạn tìm thấy những cách thức táo bạo để kể những câu chuyện dựa trên số liệu, tương tác trên mọi nền tảng. Nghệ thuật kể chuyện đa phương tiện (multimedia story telling) đang ở vào thời kỳ vàng son. Do đó, các tòa soạn cần chủ động xây dựng tư duy sản phẩm lấy độc giả làm trung tâm", ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh.
Đi sâu phân tích cho quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng điều cốt lõi ở các tòa soạn phải đảm bảo có nguồn nhân lực: PV/BTV phải có khả năng sáng tạo, phá vỡ cách kể chuyện truyền thông; lập trình viên, họa sĩ thiết kế có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số; giám đốc sản phẩm có khả năng kết nối PV/BTV với lập trình viên, họa sĩ để tạo ra các kể chuyện mới mẻ, hấp dẫn.
Hơn nữa, các tòa soạn khi tạo ra các sản phẩm báo chí cần đảm bảo dựa trên căn cứ, cơ sở dữ liệu số và kỹ năng số thành thạo được trang bị, đào tạo sẵn ở mỗi PV.
Khi nhấn mạnh về các kỹ năng công nghệ cần thiết phải có, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng các tòa soạn cần khuyến khích sử dụng các công cụ online thay cho các công cụ cần phải cài đặt như các phần mềm: Infogram, Canva, Adobe express.
"Các công cụ số hiện đại sẽ giúp các cơ quan báo chí tạo ra các sản phẩm mới một cách dễ dàng, tăng hiệu quả, chất lượng hơn", ông Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh./.