Các DN công nghệ số tập trung CĐS để người dân ấm no, đất nước hùng cường

Thế Phương| 11/12/2021 22:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chuyển đổi số (CĐS) phải tham gia phòng chống dịch COVID-19, khôi phục kinh tế, chống biến đổi khí hậu, giúp khắc phục già hoá dân số… Từ đó, phục vụ cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Thông tin trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia doanh nghiệp (DN) công nghệ số 2021 được tổ chức ngày 11/12.

CĐS là một yêu cầu khách quan và xu thế toàn cầu

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, người dân, DN, các ngành, các cấp đã vào cuộc CĐS rất tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm đã được vinh danh ngày hôm nay và rất thiết thực đối với cuộc sống. Các sản phẩm cũng phù hợp với tình hình, yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển đất nước và làm lợi cho người dân, góp phần làm cho đời sống của người dân ấm no, hạnh phúc, góp phần quan trọng làm cho đất nước ngày càng hùng cường, vững mạnh và thịnh vượng.

Các DN công nghệ số tập trung CĐS để người dân ấm no, đất nước hùng cường - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: CĐS sẽ phục vụ cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ sự lo lắng khi mà tham vọng của chúng ta rất lớn, yêu cầu cao, trong khi thời gian lại có hạn. "Chúng ta sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, để sang năm 2022 sẽ có nhiều hơn các sản phẩm, với chất lượng cao hơn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn so với năm 2021", Thủ tướng bày tỏ.

Theo Thủ tướng, CĐS là một yêu cầu khách quan, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước, người dân, DN. CĐS là một xu thế của toàn cầu, nên phải đặt trong tổng thể chuyển đổi của toàn cầu, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình. Do đó, phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi hay cách tiếp cận toàn cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay, CĐS phục vụ cho toàn dân, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, phát triển cũng như giải quyết cả tâm tư, tình cảm, bức xúc của người dân nên CĐS phải tiếp cận toàn dân, lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho CĐS. "Mọi chính sách phải hướng đến người dân, DN. Người dân, DN cũng phải tham gia vào quá trình CĐS một cách tích cực, hiệu quả nhất, hợp lý nhất. Cần hài hoà giữa lợi ích nhân dân, DN và nhà nước, đồng thời chia sẻ rủi ro nếu thất bại", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng tán thành với một số bài phát biểu và thấm thía việc phải thể hiện tinh thần dân tộc trong CĐS. Dân tộc Việt Nam càng khó khăn, càng phức tạp, càng thách thức, thì lại càng đoàn kết, càng phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đấy chính là cơ hội để phát triển. Mặc dù dân tộc không thể tách rời khỏi xu thế của thời đại, không thể tách rời quân hệ quốc tế nhưng chúng ta vẫn phải xác định phải tự lực, tự cường để vươn lên. Trong đó, nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản lâu dài, là truyền thống lịch sử văn hoá của đất nước, dân tộc, là thiên nhiên, con người Việt Nam. Theo đó, tất cả mọi việc từ chiến lược, tổ chức thực hiện… đều được quyết định bởi con người. Cùng với đó, chúng ta cũng tranh thủ nguồn lực bên ngoài để đột phá, khi đất nước Việt Nam còn nhỏ, tiềm lực tài chính ít.

Đất nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, sau đó lại bị bao vây, cấm vận. "Có thể nói, chúng ta đến "đáy giếng" và "chân tường", nên phải vươn lên, thoát ra", Thủ tướng Phạm Minh Chính bảy tỏ. Do hội nhập nên chúng ta phải tiếp cận cách quản trị cao hơn, không thể loay hoay "trong nhà" mà phải vươn ra "biển lớn".

Tiếp theo, CĐS phải tham gia thúc đẩy từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững, tái cơ cấu nên kinh tế. CĐS phải tham gia phòng chống dịch COVID-19, tham gia vào phục hồi và phát triển kinh tế. CĐS phải phục vụ chống biến đổi khí hậu vì khí hậu bây giờ rất cực đoan, không theo quy luật. CĐS phải phục vụ cho việc khắc phục cạn kiệt tài nguyên. 

CĐS phải phục vụ cho chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, năng lượng sạch. CĐS phải phục vụ cho làm việc, học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, cũng như kết hợp trực tuyến - trực tiếp. Đây là điều mà cả thế giới phải làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng chúng ta phải tiến hành CĐS cho ngành ngân hàng, thuế, hải quan, tài nguyên đất đai…, trong đó cơ sở dữ liệu tài nguyên đất đai rất quan trọng.

Cũng theo Thủ tướng, CĐS phải giúp khắc phục già hoá dân số, bởi đây là một nguy cơ. Đây cũng là một vấn đề chiến lược khi mà các nước phát triển đều đang gặp phải. Do đó, nếu Việt Nam không có tầm nhìn chiến lược thì sẽ gặp vấn đề này rất nhanh và trở nên bị động.

CĐS phải phục vụ cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các DN công nghệ số làm và tập trung những vấn đề này. Đây cũng là những việc phải làm, nhưng làm thì tránh cầu toàn, chủ quan và nóng vội. 

"Những việc gì đã được thực tế kiểm nghiệm đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì phải làm. Còn những gì chưa rõ thì làm thí điểm và mở rộng dần. Bởi vì, gần mấy mà không đi thì sẽ không bao giờ đến, còn xa mấy mà đi thì cũng sẽ đến", Thủ tướng khẳng định.

Cần hoàn thiện thể chế, tăng cường kết nối dữ liệu cho CĐS

Thủ tướng cũng khẳng định cần tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp, các ngành. Ngay cả với DN thì cũng phải vạch ra đường lối, chủ trương, bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời nâng cao nhận thức của CĐS trong kỷ nguyên.

Vấn đề thứ 2 là phải hoàn thiện thể chế. Nếu thể chế không phù hợp thì sẽ cản trở sự phát triển, thể chế cũng do chúng ta thực hiện, xuất phát từ thực tiễn và tháo gỡ những vấn đề thực tiễn. Vì vậy, thể chế cần phù hợp, nhưng do nó sẽ không thể phủ hết mọi mặt nên cần phải linh hoạt.

Thứ ba là việc tăng cường quản lý nhà nước, phát triển các DN công nghệ số. Quản lý nhà nước phải đề ra chương trình, kế hoạch phát triển, xây dựng thể chế, tạo ra nguồn lực, tăng cường giám sát kiểm tra, đánh giá… nhưng phải tạo thông thoáng cho DN phát triển. DN cần gì thì phải đề xuất như cần làm gì, làm như thế nào, cần cơ chế gì…, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết, cái gì thuộc về các Bộ ngành thì các Bộ ngành sẽ xử lý. Vì vậy, các DN phải đề xuất, đồng thời cơ quan quản lý cũng phải có sự tương tác, hợp tác, chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông với nhau để thực hiện.

Vấn đề thứ tư là phải phát triển nguồn nhân lực số, tài chính số. Bởi vì, chính phủ số muốn phát triển phải có người dân, DN. Vấn đề tiếp theo là tài chính phải qua tích luỹ, cơ chế, hỗ trợ, hợp tác, tài trợ và sinh ra qua trí tuệ của con người.

Thứ năm, CĐS phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Sáng tạo phải có kế thừa, có đổi mới vì sáng tọ không tự nhiên mà đến, đổi mới để phát triển. Đổi mới sáng tạo là từ khó khăn, thách thức, đặt ra mục tiêu cao hơn khả năng của mình. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo phải bám sát thực tiễn thì mới sống được.

Thứ sáu, phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và công tác quản trị số. Theo Thủ tướng, chúng ta muốn làm cái mới phải tổng kết cái cũ, vì đây là tư duy phương pháp luận, nó vừa có kế thừa, đổi mới, ổn định nhưng hiện tại làm cái gì cũng không có dữ liệu. Nên đây là một vấn đề cần phải khắc phục.

Ngoài ra, chúng ta có nhiều dữ liệu, nhiều nền tảng nhưng không kết nối được với nhau. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để có thể kết nối lại với nhau. Dữ liệu rất quan trọng, do trí tuệ nhân tạo phải dựa trên dữ liệu (big data). Nhưng dữ liệu này phải được tích luỹ, tích hợp, lưu trữ và khai thác hiệu quả thì dữ liệu đó mới sống được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần phải có dữ liệu liên quan đến phát triển văn hoá, tích hợp lịch sử, danh lam văn hoá, di sản để thành cơ sở dữ liệu (CSDL) để phát triển. Do đó, CĐS phải tập trung, đầu tư, quyết tâm thực hiện cho lĩnh vực văn hoá. Từ đó mới phát triển được công nghiệp văn hoá, giải trí và hiện thực phát triển chủ trương của Đảng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch gắn với văn hoá.

Chúng ta cũng cần phải thúc đẩy CĐS cho ngành ngân hàng, thuế, hải quan, tài nguyên đất đai…, trong đó CSDL tài nguyên đất đai rất quan trọng. Chúng ta cũng cần CĐS logistics vì đây là một lĩnh vực quan trọng khi chi phí logistics hiện còn cao và CĐS giáo dục.

Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gửi lời chúc mừng ngày DN công nghệ số Việt Nam (12/12), đến cộng đồng 64.000 DN công nghệ số Việt Nam, với doanh thu năm 2021 lên tới trên 135 tỷ USD.

CĐS phải làm cho cuộc sống người dân ấm no và đất nước hùng cường, thịnh vượng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng DN và doanh thu của các DN công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.

Chình vì vậy, tại Diễn đàn DN công nghệ số lần thứ ba năm nay, các DN công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng CĐS quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng DN. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.

"Các nền tảng số được nêu tên trong Diễn đàn hôm nay là những việc lớn, việc vĩ đại, phục vụ cho công cuộc CĐS quốc gia. Vĩ đại là vì những nền tảng này phục vụ hàng chục, hàng trăm triệu người dân, hỗ trợ CĐS cho cả một lĩnh vực. Những nền tảng số này sẽ giúp cho Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc là một việc vĩ đại. Sẽ có những con người vĩ đại và những DN vĩ đại được sinh ra trong công cuộc này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những việc cụ thể được giao cho những đơn vị cụ thể, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. "Bởi trong thời đại công nghệ ngày nay thì, nếu bài toán được gọi tên đúng, tường minh và kèm theo qui mô thị trường của bài toán là đủ lớn thì ngoài kia sẽ có người, có DN giải được. Công bố bài toán của mình để kêu gọi giải pháp sáng tạo của cộng đồng DN là cách tiếp cận của hầu hết các quốc gia ngày nay", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải.

Bộ trưởng khẳng định niềm tin vào sự sáng tạo của DN là vì phía sau mỗi DN là kho tàng tri thức của cả nhân loại, là khả năng huy động nguồn lực toàn cầu, cả nguồn lực nhân tài, công nghệ và tài chính.

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các DN công nghệ số Việt Nam là đóng vai trò trung tâm của quá trình CĐS Việt Nam. Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Quốc gia về CĐS ngày 30/11/2021 đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ đó đề ra một kế hoạch cụ thể cho năm 2022.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ: Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới; Nhiều DN công nghệ số năng động. 

"Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng công nghệ số nhiều hơn và Chính phủ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

CĐS tạo ra ba xu thế lớn gồm phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Trong đó, phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng, ví dụ sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ, ví dụ dịch vụ gọi xe công nghệ. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Cả ba xu thế này đều làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy, chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Bởi vì, dữ liệu số giống như một loại đất đai mới. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị. Chính phủ sẽ có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các DN khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời là nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, CĐS là sáng tạo của toàn dân. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh toàn dân thì cách tốt nhất là công bố các bài toán CĐS, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và các địa phương, cũng như bài toán CĐS của các DN. Bộ TT&TT sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán CĐS Việt Nam.

Ngoài ra, CĐS là cái mới. Do đó, chia sẻ về thành công, dự án thất bại, bài học thất bại của các địa phương, các bộ ngành, các DN và của cả các quốc gia khác nữa là cách tốt nhất để lan toả và đi nhanh. "Một trang web quốc gia để chia sẻ các kinh nghiệm CĐS sẽ được thiết lập", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bên cạnh đó, DN công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy CĐS quốc gia, để chuyển đổi tất cả các DN Việt Nam thành DN số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Nhưng DN cần thị trường, cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án CĐS, cả của Nhà nước và của các DN. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc Bộ TT&TT công khai các dự án CĐS sẽ là một cách để thúc đẩy CĐS.

CĐS phải làm cho cuộc sống người dân ấm no và đất nước hùng cường, thịnh vượng - Ảnh 3.

Những "nỗi đau" này là động lực để cho người Việt Nam, cộng đồng DN số giải quyết, để làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Những "nỗi đau" sẽ là động lực để cộng đồng DN số giải quyết

Để thúc đẩy CĐS đi nhanh và đi đúng hướng thì việc có một bộ chỉ số đo lường, đánh giá về CĐS rất quan trọng. Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về CĐS chính quyền, bao gồm các bộ ngành và địa phương. Tiếp theo bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sẽ được ban hành trong năm nay. Song song với đó, Bộ chỉ số đánh giá về CĐS DN do Bộ TT&TT chủ trì cũng sẽ được ban hành trong năm nay.

"Các DN công nghệ số Việt Nam đã có tên, có sứ mệnh và hôm nay đã có những nhiệm vụ, công việc cụ thể. Niềm tin mà đất nước, Chính phủ đặt vào chúng ta là rất lớn. Bây giờ là hành động, hành động nhanh và hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, những vấn đề Thủ tướng đưa ra là những "nỗi đau" của Việt Nam, như tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế… Những "nỗi đau" này là động lực để cho người Việt Nam, cộng đồng DN số giải quyết, để làm cho đất nước hùng cường, thịnh vượng. 

"Chúng tôi xin nhận những nhiệm vụ ấy và dùng công nghệ số, giải pháp số, trí tuệ Việt Nam, đổi mới sáng tạo Việt Nam giải quyết những bài toán đó. Chúng tôi - những người làm công nghệ số luôn có một niềm tin rằng, công nghệ số giải được nhiều những bài toán khó, kéo dài đối với nhân loại, đối với Việt Nam. Vì vậy, Thủ tướng hãy tin vào người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Xây dựng hạ tầng cho mạng 5G tương lai của Việt Nam
    Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến tới năm 2030, ASEAN (gồm 10 quốc gia Đông Nam Á) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu. Phần lớn động lực thúc đẩy sự phát triển này đến từ sự vận động và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế số trong khu vực, với giá trị ước tính lên đến gần 1 nghìn tỉ đô-la vào năm 2030.
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp, Bưu điện Việt Nam đạt giải Thương hiệu Quốc gia 2024
    Đây là lần thứ 2 liên tiếp Bưu điện Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng danh giá này bởi những thành tựu lớn trong lĩnh vực logistics, bưu chính chuyển phát tại Việt Nam và Quốc tế.
  • Trên 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số”
    Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2024, ứng dụng “Công dân Thủ đô số” – iHanoi đã đã có khoảng 14 triệu lượt người dân truy cập khai thác, sử dụng. Tổng số người dùng đăng ký tài khoản trên ứng dụng này lên tới 1.043.724.
  • Sắp diễn ra Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2024
    UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 (The HaNoi Culinary Culture Festival 2024) với chủ đề "Hà Nội kết nối năm châu".
  • GHTK được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ hai
    Công ty CP Giao hàng Tiết Kiệm tự hào là một trong 190 doanh nghiệp tiêu biểu, đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 trong số hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký.
  • Cuộc đua trung tâm dữ liệu AI tại Đông Nam Á
    Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một động lực chính thúc đẩy đổi mới công nghệ toàn cầu và Đông Nam Á đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong cuộc đua phát triển AI. Hàng loạt các hãng công nghệ và đám mây lớn đã thông báo kế hoạch xây dựng, vận hành trung tâm dữ liệu mới tại Đông Nam Á.
  • Mở rộng trông xe không dùng tiền mặt mang lại lợi ích "kép"
    Việc áp dụng hình thức thanh toán qua ứng dụng thu phí không dừng VETC và mã QR vào hoạt động thanh toán phí gửi xe không dùng tiền mặt không những góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh mà còn tăng cường công tác quản lý nhà nước, minh bạch trong công tác thu phí dịch vụ trông giữ xe.
  • MobiFone được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024
    Tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 tối 4/11, MobiFone xuất sắc được vinh danh tại sự kiện với 5 thương hiệu sản phẩm đột phá bao gồm: Dịch vụ viễn thông MobiFone, mobiEdu, ClipTV, mobiAgri và nền tảng số MobiFone.
  • 10 xu hướng định hình tương lai của quản lý giao dịch số
    Quản lý giao dịch số đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng về xử lý tài liệu an toàn, hiệu quả. Đây là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt thủ tục hành chính và tối ưu hóa quy trình xử lý tài liệu số.
Các DN công nghệ số tập trung CĐS để người dân ấm no, đất nước hùng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO