Các mô hình kinh tế mới là trụ cột quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ngày 6/10/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đồng phối hợp chủ trì tổ chức Diễn đàn Vietnam New Economy Forum 2023 với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, chuyên gia Kinh tế trưởng Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam ông Jonathan Pincus; cùng đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Cục, Vụ, Viện các Bộ, ngành trung ương, các Hiệp hội doanh nghiệp và gần 300 CEO các doanh nghiệp thương hiệu mạnh Việt Nam.
Diễn đàn Vietnam New Economy 2023 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, kỳ vọng sẽ thiết lập kênh thông tin thảo luận mở theo hình thức trực tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và trực tuyến qua các nền tảng số cũng như các chuyên đề báo chí truyền thông nhằm kết nối và hội tụ sự tham gia của các bên liên quan, trao đổi, đối thoại cập nhật thông tin về các vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành cũng như hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp.
Các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trọng tâm và chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-19, kinh tế số đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, là cơ sở đảm bảo đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế số và Xã hội số giai đoạn 2021-2030 là 30% GDP.
Với mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là mô hình trọng tâm và cần được thúc đẩy ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn với các quan điểm, mục tiêu và cách tiếp cận cụ thể. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án đã được phê duyệt.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng.
Viện trưởng CIEM khẳng định tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Phiên thảo luận của Diễn đàn với cách tiếp cận trao đổi trên cơ sở thực tiễn hoạt động triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới tại các khu vực doanh nghiệp; từ đó, nhận định, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của từng mô hình cũng như tính tác động đồng thời của các mô hình kinh tế mới/mô hình kinh doanh mới trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung.