Trong khuôn khổ Dự án "CĐS cho DN trong bối cảnh CMCN 4.0", ngày 3/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viettel IDC và Akamai Technologies tổ chức hội thảo trực tuyến "Xây dựng, bảo mật nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) - Cơ sở hạ tầng quan trọng trong tiến trình CĐS tại DN".
Quy hoạch phát triển hạ tầng số hỗ trợ tiến trình CĐS quốc gia
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên số, xã hội số và thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi lớn của xã hội, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số. Dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng, kết nối toàn cầu, sẽ không chỉ là kết nối truyền thống giữa người với người mà sẽ có sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: Việt Nam là một trong những nước đang phát triển với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng và linh hoạt. Các DN Việt đang đứng trước cơ hội bắt kịp xu thế chung của nền kinh tế thế giới cũng như nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu thất bại trong công cuộc CĐS này.
Đặc biệt, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19, các DN buộc phải chuyển dịch, chuyển các hoạt động kinh doanh lẫn vận hành nội bộ lên môi trường mạng. Chính vì vậy, CĐS không còn là tầm nhìn mà đã trở thành nhu cầu thực tế, đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải thích ứng, hiện thực hóa thành công, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tập trung xây dựng hạ tầng số, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực này.
Phát triển và xây dựng hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại là xu hướng phát triển của thế giới nói chung và là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nói riêng.
Trong những năm gần đây, điện toán đám mây (ĐTĐM) đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành máy tính, thay đổi cơ bản cách thức sử dụng các nguồn tài nguyên, cơ cấu vận hành cũng như việc phân phối, xử lý thông tin, xử lý dữ liệu. Năm 2021, ĐTĐM đã và đang cung cấp năng lượng cho các công ty thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Tại Việt Nam, ĐTĐM là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu, hay đường truyền Internet cáp quang... Hạ tầng số phát triển là bệ phóng cho CĐS, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách điều hành Viện Chiến lược TT&TT, đã chia sẻ về sự phát triển hạ tầng TT&TT dưới các góc nhìn mới. Theo đó, dưới góc nhìn từ kinh tế số, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ngoài các lĩnh vực truyền thống về kinh tế, hạ tầng viễn thông trong thời gian qua đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới như kinh tế nền tảng. Do đó, trong tương lai, toàn bộ hạ tầng TT&TT phải thiết kế để phù hợp với các mô hình kinh tế mới gồm kinh tế nền tảng, kinh tế số.
Dưới góc nhìn từ vai trò của hạ tầng IoT trong kết nối không gian thực với không gian ảo, hạ tầng IoT (hybird space) sẽ là hạ tầng kết nối giữa không gian thực và không gian số để tạo thành các bản sao số, giúp hỗ trợ ra quyết định.
Còn dưới góc nhìn từ hạ tầng số mới, theo ông Tuấn, trước đây chúng ta nhìn hạ tầng viễn thông gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hệ thống cáp quang, các hệ thống điện thoại di động,... tuy nhiên hạ tầng số mới hiện nay đã xuất hiện thêm hạ tầng ĐTĐM và các trung tâm dữ liệu (TTDL).
Mặt khác, khi ĐTĐM phát triển sẽ xuất hiện thêm các dịch vụ nhạy cảm về thời gian thực, như xe tự lái hay các dịch vụ đòi hỏi sự chính xác cao, dẫn tới sự xuất hiện các ĐTĐM biên và TTDL biên để phụ vụ nhu cầu, đáp ứng sự linh hoạt hàng ngày.
Từ các góc nhìn trên, theo ông Tuấn, nếu trước kia hạ tầng viễn thông là hạ tầng vật lý để gửi, truyền nhận và xử lý thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông, thì nay hạ tầng số chính là hạ tầng vật lý (hạ tầng viễn thông băng rộng và Internet kết nối vạn vật (IoT)), hạ tầng TTDL, ĐTĐM và hạ tầng mềm (nền tảng dùng chung) nhằm truyền tải, lưu trữ, xử lý và tạo ra dữ liệu mới phục vụ giao tiếp giữa người với người, giữa người với máy và cả giữa máy với máy.
Hạ tầng TT&TT phải làm gì để đáp ứng nhu cầu CĐS DN
Trong môi trường hiện nay, với sự phát triển của CMCN 4.0, đặc biệt là sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, nhu cầu cấp thiết của các DN trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng là phải chuyển đổi, đặc biệt là chuyển đổi lên môi trường số. Việc chuyển đổi sẽ giúp các DN sẵn sàng thích nghi "sống chung với dịch", tận dụng cơ hội để bứt phá. Các DN có thể sử dụng môi trường số để mở rộng kênh bán hàng như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,...
Ngoài ra, các DN cũng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như: dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT), ĐTĐM… để chuyển đối chính mô hình hoạt động của DN theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN.
Mặt khác, xu hướng hiện nay là sẽ phải phục vụ nhu cầu riêng từng khách hàng, do vậy dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định và đáp ứng các nhu cầu riêng này.
Bên cạnh đó, do sự phát triển của Internet, của CMCN 4.0 mà giờ đây các DN ở Việt Nam có thể bán hàng trên toàn cầu mà không cần phải ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, hạ tầng TT&TT phải làm gì để đáp ứng các nhu cầu trên của DN?Theo Phó Viện trưởng phụ trách điều hành Viện Chiến lược TT&TT, đầu tiên cần phải mở rộng dung lượng kết nối quốc tế, để đáp ứng nhu cầu sử dụng khi có sự đột biến dung lượng như trong giai đoạn học trực tuyến hiện nay khi học sinh truy cập Zoom, Microsoft Teams.
Thứ hai cần xây dựng hạ tầng IoT hướng tới người dùng, đó là các hệ thống camera giao thông, hệ thống cảm biến, hệ thống đô thị thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,... nhằm đưa tới càng gần người dùng càng tốt.
Thứ ba là xây dựng điện toán biên, TTDL vùng và TTDL quốc gia. Ông Tuấn cho biết hạ tầng số trong dự thảo Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thiết kế các TTDL cấp quốc gia phục vụ chính phủ số, chính quyền số; các TTDL vùng phục vụ kinh tế số, xã hội số và TTDL biên theo hướng bám sát quy hoạch năng lượng, mức độ phát triển kinh tế - xã hội.
Cuối cùng là xây dựng công nghiệp dữ liệu lớn. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài sản vô giá. Những công ty thuộc "câu lạc bộ" vốn hóa trên một nghìn tỷ USD - Google, Amazon, Microsoft, Apple - hay mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook, đều làm giàu một phần dựa trên việc phân tích và khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu số. Dữ liệu đóng góp rất lớn trong sự chuyển đổi và năng cao mức cạnh tranh của DN, do đó cần xây dựng các sàn giao dịch dữ liệu, các công nghệ như dán nhãn dữ liệu, làm sạch dữ liệu,... nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của DN hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Tuấn, từ khi Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được ban hành, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Theo đánh giá của báo cáo "Sự trỗi dậy số" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương về sự sẵn sàng cho cạnh tranh kỹ thuật số. Mặc dù vẫn cần nhiều điểm phải khắc phục trong thời gian tới nhưng điều đó đã chứng tỏ sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ, sự đồng hành của các DN và người dân đã góp phần tạo nên kết quả này./.