Với chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua các hành động phối hợp cấp khu vực và toàn cầu”, các nhà lãnh đạo ASEAN và những người đứng đầu các tổ chức Liên Hợp Quốc/Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)/Ngân hàng thế giới (WB) đã trao đổi ý tưởng, định hướng và biện pháp tăng cường hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và Liên Hợp quốc, IMF, WB trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và gia tăng sự tương hỗ giữa Chương trình này với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Các lãnh đạo ASEAN tái khẳng định ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng trưởng dựa trên luật lệ; cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDG cũng như đưa các nội dung này vào các chương trình hành động quốc gia với mục đích thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau.
Sau cuộc họp, Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, cho biết rằng ASEAN hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong nỗ lực đạt được hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực và hy vọng sẽ có được một bước tiến đáng kể vào cuối năm nay. Hiệp định 16 nước sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, trong bối cảnh thách thức toàn cầu, nền kinh tế của ASEAN vẫn là một điểm sáng. ASEAN cũng đã đạt được tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, với tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống.
“Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí về tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách phát triển và chênh lệch giữa các quốc gia thành viên. Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”, Tổng thống Joko Widodo cho biết.
Các cuộc thảo luận về phát triển bền vững là một trong những nội dung trọng tâm tại cuộc họp. ASEAN sẽ đối mặt với một loạt các thách thức về phát triển bền vững, từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy đô thị hóa đến dân số già hóa. "Khi chúng ta theo đuổi hội nhập kinh tế, điều quan trọng là ASEAN cần gắn kết các mục tiêu kinh tế của mình với Chương trình nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững để tăng trưởng kinh tế sẽ mang lại lợi ích hữu hình cho 630 triệu công dân ASEAN", Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long khẳng định.
Do đó, phát triển bền vững là một ưu tiên trong năm chủ tịch ASEAN của Singapore. Singaporesẽ nâng cấp các trung tâm hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đồng thời đã thành lập Văn phòng Cơ sở hạ tầng châu Á để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng kêu gọi ASEAN tiếp tục hợp tác với các cơ quan quốc tế, như IMF và Ngân hàng Thế giới, thông qua các sáng kiến đa phương và khu vực
Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo lại nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu đối với khôi phục sau thiên tai. Ông cũng khuyến khích sử dụng công nghệ và các nguồn tài chính sáng tạo để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ về phát triển bền vững với tỷ lệ nghèo đói đã giảm xuống còn 9,8% trong năm nay, trong khi số hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch tăng 76%. Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi "khả năng lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm được chia sẻ".