Các phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh

PV| 06/10/2021 15:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai và phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp xây dựng, điều chỉnh bổ sung các phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh hướng dẫn các địa phương.

Theo đó, trước mỗi mùa thiên tai hàng năm, từng địa phương cần xây dựng và điều chỉnh, bổ sung phương án tùy thuộc vào mức độ nguy cơ dịch bệnh hoặc tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại mỗi địa phương.

Để xây dựng được phương án ứng phó với các loại hình thiên tai tương ứng theo các cấp độ rủi ro thiên tai, trước hết các địa phương cần xác định đối tượng, phạm vi tác động của các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn. Đối tượng nào dễ bị tổn thương, các lĩnh vực thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh ví dụ: về sản xuất, kinh doanh giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… có khả năng làm ảnh hưởng đến mục tiêu kép của địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ; về xã hội có trường học, y tế, công thương… Ngoài phạm vi xác định theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các địa phương cần xác định khu vực trọng điểm (tại xã, huyện) ảnh hưởng tổ hợp của thiên tai và dịch bệnh.

Các phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Thời điểm triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai cần căn cứ vào điều kiện tình hình diễn biến thiên tai theo thông tin dự báo, cảnh báo, căn cứ vào tình hình dịch bệnh hoặc các đánh giá, cảnh báo mức độ nguy cơ dịch bệnh tại địa phương. Đối với vùng, khu vực cảnh báo mức độ nguy cơ dịch bệnh hoặc đang bị dịch bệnh, thời điểm ứng phó cần xác định sớm hơn nhằm đủ thời gian để chuẩn bị tốt, triển khai nhanh đảm bảo yêu cầu điều kiện phòng chống dịch bệnh (đặc biệt hoạt động sơ tán người dân đến điểm tránh trú an toàn).

Đồng thời phải xác định các kịch bản ứng phó thiên tai. Đối với những kịch bản đã xây dựng cần điều chỉnh, bổ sung nội dung hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, địa phương. Trong đó chú ý đến hoạt động sơ tán dân và tại khu tránh trú an toàn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra cần các kịch bản bổ sung cho các hoạt động, phối hợp khi xuất hiện ca nghi nhiễm, ca F0 tại điểm tránh trú an toàn khi thiên tai đang xảy ra. Các hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại khu tránh trú an toàn khi xuất hiện ca nghi nhiễm, ca F0 tại điểm tránh trú an toàn khi thiên tai đang xảy ra. Điều phối lực lượng PCTT khi thiên tai, dịch bệnh cùng xảy ra.

Các biện pháp ứng phó thiên tai đảm bảo yêu cầu, điều kiện an toàn phòng chống dịch theo từng thời điểm. Đặc biệt bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm. Đảm bảo lực lượng PCTT được trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh, đồ bảo hộ y tế hoặc tiêm vắc xin, xét nghiệm trước khi triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho hoạt động sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất.

Cũng cần phương án bổ sung cho các hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự, giao thông, thông tin liên lạc…tại các khu trọng điểm khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Phương án cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nguồn nhân lực ứng phó thiên tai; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.

Tùy theo điều kiện của địa phương, việc phân công trách nhiệm phải đảm bảo cụ thể nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, rõ ràng trong từng khâu, từng hoạt động, từng khu vực và giữa các lực lượng; cơ chế cung cấp, chia sẻ đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin thiên tai, dịch bệnh….

Phương châm phòng chống thiên tai (PCTT) trong bối cảnh dịch bệnh được Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, dịch bệnh, sẵn sàng tăng khả năng hiệp đồng triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai đồng thời đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ là: PHƯƠNG CHÂM 4 TẠI CHỖ + 5K + VẮC XIN.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO