Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ

P.V| 22/10/2021 15:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, nhiều tỉnh lộ ở các tỉnh ở miền Trung bị sạt lở nghiêm trọng, hoa màu bị ngập úng... Do đó, sau mưa, bão, các địa phương đã triển khai ngay nhiều biện pháp khắc phục.

Khắc phục nhiều điểm sạt lở đất làm ách tắc giao thông

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, những ngày qua trên địa bàn huyện Con Cuông (Nghệ An) có mưa lớn, dẫn đến tình trạng sạt lở núi, làm ách tắc giao thông. Theo chính quyền địa phương cho biết, vị trí sạt lở thuộc Km 110+850 đoạn đường đi qua dốc Chó trên tuyến Quốc lộ 7, thuộc địa phận xã Lạng Khê, huyện Con Cuông liên tiếp xảy ra sạt lở đất đá. Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, đơn vị quản lý giao thông đã huy động máy móc, nhân lực để khắc phục kịp thời thông đường.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đoạn dốc Chó, đơn vị quản lý giao thông ngoài việc sẵn sàng huy động máy móc, nhân lực để san gạt còn phối hợp với chính quyền địa phương đặt biển cảnh báo, túc trực 24/24h không cho các phương tiện qua lại khi có tình huống nguy hiểm.

Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tình hình mưa lũ và thiệt hại do thiên tai gây ra tại xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: PV).

Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có hơn 10 điểm sạt lở núi và khe suối, có 2 hộ dân ở bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu bị ảnh hưởng do sạt lở. Huyện Kỳ Sơn đã thành lập đoàn đi kiểm tra để kịp thời khắc phục hậu quả.

Tại QL 48D đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Vinh (TX. Hoàng Mai), mưa lớn đã làm sạt lở núi, đá tảng lăn xuống lòng đường, đe dọa an toàn cho các phương tiện.

Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng trên 20 điểm sạt lở núi lớn nhỏ trên các tuyến đường. Sở Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông, huy động nhân lực và thiết bị máy móc san sạt lở núi trên các tuyến đường, đảm bảo lưu thông bước 1. Yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông canh trực, cảnh báo người tham gia giao thông tại các điểm sạt lở núi.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8 và đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 15 - 18/10, tuyến đường trục ở thôn 3 xã Quang Thọ (Hà Tĩnh) đã bị sạt lở nghiêm trọng, khiến khối lượng lớn đất đá và một phần lề đường bị trôi xuống sông.

Điểm sạt lở nằm ngay gần chân cầu treo dân sinh Chợ Quánh dẫn tới nguy cơ cao mất an toàn cho việc đi lại của người dân. Hiện nay, xã Quang Thọ đã rào chắn, đặt biển cảnh báo tới người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, thì những sạt lở này cần sớm được sửa chữa, khắc phục.

Tại Đập Am ở thôn Đồng Minh, xã Hương Minh có dung tích 138.000 m3, phục vụ nước tưới cho 40ha diện tích nông nghiệp của xã Hương Minh. Do xây dựng đã lâu năm và ảnh hưởng tới thiên tai, cống vận hành xuống cấp, hư hỏng khiến nước bị rò rỉ ra ngoài nên công trình chỉ cung cấp nước tưới được 20 ha vụ đông xuân và khoảng 5 - 7 ha vụ hè thu.

Sau khi kiểm tra các vị trí sạt lở, hồ đập trên địa bàn của huyện Vũ Quang, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện khắc phục những sự cố do mưa lũ gây ra, bảo đảm an toàn cho nhân dân trên địa bàn

Các tỉnh đã chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

Vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức hai đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Qua kiểm tra, các đoàn công tác nhận thấy, các tỉnh đã chấp hành nghiêm Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 475/VPTT ngày 18-10-2021 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên. Các tỉnh đã chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Các tỉnh khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung như: Xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp. các địa phương đã kiểm tra, rà soát phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang và đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh; tăng cường công tác trực ban ở tất cả các cấp để theo dõi nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai, thiệt hại để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; đồng thời thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT đúng quy định.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO