Trong đó, khu vực châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ có mức sụt giảm doanh thu tin nhắn SMS hàng năm lớn nhất, từ 45,8 tỷ USD năm 2013 xuống còn 38 tỷ USD vào năm 2018. Đây là nơi khởi nguồn của một số ứng dụng tin nhắn OTT như WeChat của Tencent (Trung Quốc), Kakao Talk của Kakao (Hàn Quốc) và Line của Naver (Nhật Bản). Phần lớn sự sụt giảm doanh thu tin nhắn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là từ Trung Quốc, nơi doanh thu tin nhắn SMS hàng năm được dự báo sẽ giảm từ 25,4 tỷ USD vào năm 2013 xuống còn 19,6 tỷ USD vào năm 2018.
Các ứng dụng tin nhắn OTT cũng nắm giữ vị trí quan trọng tại các thị trường Tây Âu, khu vực có nền kinh tế suy yếu do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Theo dự báo của Informa, Tây Âu và Ý sẽ có mức sụt giảm doanh thu SMS khá mạnh từ 3,3 tỷ USD vào năm 2013 xuống còn 2,2 tỉ USD vào năm 2018 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là - 7,54%.
Tuy nhiên, các nhà khai thác di động tại những thị trường có tỷ lệ thuê bao trả sau cao có thể phần nào giảm thiểu ảnh hưởng của các ứng dụng tin nhắn OTT tới doanh thu SMS của họ bằng cách cung cấp miễn phí tin nhắn SMS hoặc đưa ra các gói tin nhắn SMS lớn hấp dẫn theo thỏa thuận với khách hàng. Kết quả là tốc độ sụt giảm doanh thu sẽ thấp hơn. Ví dụ, dự báo của Informa cho thấy, tại Hàn Quốc, nơi mà 99% thuê bao di động là trả sau, doanh thu tin nhắn SMS sẽ giảm tương đối chậm trong giai đoạn dự báo, từ 2,51 tỷ USD năm 2013 xuống 2,1 tỷ USD vào năm 2018, với CAGR là -3,5%, thấp hơn một nửa so với Ý bất chấp sự phổ biến của ứng dụng Kakao Talk tại Hàn Quốc. Còn ở Pháp, nơi mà 74% các thuê bao là trả sau, doanh thu tin nhắn SMS sẽ giảm với tốc độ CAGR là -4.1% .
Mặc dù doanh thu tin nhắn SMS đang giảm mạnh tại nhiều thị trường trên toàn cầu, Informa tin rằng doanh thu từ tin nhắn SMS của các khách hàng doanh nghiệp lại gia tăng, do nhiều lợi ích mà tin nhắn SMS mang lại như chi phí thấp, kênh thông tin liên lạc tin cậy và hiệu quả trong việc giao tiếp với khách hàng, nhân viên, đối tác và cộng đồng.
(Theo:http://www.telecoms.com)