Chuyển động ICT

Cách giảm thiểu mức phơi nhiễm bức xạ của điện thoại di động đến cơ thể người

QA 14/04/2025 16:22

Để giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến điện phát ra từ điện thoại di động, người sử dụng có thể áp dụng một số giải pháp thay đổi thói quen sử dụng thiết bị.

Trong những năm gần đây, điện thoại di động (ĐTDĐ) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đóng vai trò là công cụ kết nối thông tin quan trọng cho mọi lứa tuổi - từ giới trẻ năng động đến những người cao tuổi. Những thiết bị thông minh này gần như luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi hoạt động hằng ngày.

Tuy nhiên, ít ai để ý rằng, ẩn sau sự tiện lợi ấy là việc điện thoại liên tục phát ra năng lượng tần số vô tuyến - hay còn gọi là Radio Frequency (RF) Energy - một dạng bức xạ điện từ có thể được hấp thụ một phần vào cơ thể người.

Năng lượng RF là gì?

ĐTDĐ hoạt động bằng cách gửi và nhận tín hiệu từ các trạm thu phát sóng. Các tín hiệu này chính là năng lượng RF, một dạng của bức xạ điện từ. Ngoài điện thoại, cũng có các nguồn năng lượng RF khác bao gồm trạm phát sóng di động, thiết bị phát thanh và truyền hình...

Khi điện thoại gửi tín hiệu đến trạm phát sóng, năng lượng RF từ anten của điện thoại sẽ phát ra theo mọi hướng, bao gồm cả vào đầu và cơ thể người đang sử dụng. Ngay cả khi sử dụng Wi-Fi hoặc Bluetooth, điện thoại vẫn phát ra năng lượng RF ở mức thấp hơn.

Từ năm 1975, mức hấp thụ riêng (SAR - Specific Absorption Rate) đã trở thành chỉ số chính trong đánh giá phơi nhiễm phát xạ tần số vô tuyến điện. Mức hấp thụ riêng là chỉ số dùng để đo mức độ hấp thụ năng lượng sóng vô tuyến điện vào cơ thể con người, có đơn vị là W/kg [1].

Tổ chức Y tế thế giới (-WHO) cũng chỉ ra rằng: Khi sử dụng ĐTDĐ, các mô trên cơ thể sẽ chịu hiệu ứng tăng nhiệt do ảnh hưởng từ năng lượng RF của ĐTDĐ [2]. Các giới hạn an toàn hiện nay do Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (IEEE), Ủy ban quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection - ICNIRP), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nghiên cứu đề xuất và được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Một số kết quả mô phỏng máy tính ở tần số hoạt động 900 MHz (mức công suất cấp cho anten là 250 mW) cho thấy khi đầu và tay đồng thời bao quanh điện thoại: ở kịch bản khoảng cách giữa điện thoại và đầu là 0 cm (chạm trực tiếp), thì 66% năng lượng được hấp thụ bởi bàn tay, 28% bởi đầu, tổng cộng 94% được hấp thụ bởi cơ thể, và chỉ 6% năng lượng được phát xạ để phục vụ cho liên lạc.

Ở khoảng cách 2 cm, mức năng lượng hấp thụ bởi bàn tay và đầu tương ứng là 74% và 14%; còn lại 12% năng lượng được phát xạ để phục vụ cho liên lạc. Ở khoảng cách 6 cm, mức năng lượng hấp thụ bởi bàn tay và đầu tương ứng là 75% và 6%; còn lại 19% năng lượng được phát xạ để phục vụ cho liên lạc [4].

mo-phong-rf.png
Kết quả mô phỏng máy tính mức năng lượng RF hấp thụ vào cơ thể ở các khoảng cách so với ĐTDĐ 0 cm, 2 cm và 6 cm.

Mặc dù năng lượng RF không mạnh hoặc nguy hiểm như các loại bức xạ ion hóa khác như tia X hay tia cực tím (UV) từ mặt trời, một số nghiên cứu khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về những rủi ro đối với sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài với RF. Nhiều người chọn cách giảm thiểu tiếp xúc với năng lượng RF như một biện pháp chủ động để hạn chế phơi nhiễm từ điện thoại di động.

Một số giải pháp giúp giảm tiếp xúc với năng lượng RF từ ĐTDĐ

Để giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ tần số VTĐ phát ra từ ĐTDĐ, người sử dụng có thể áp dụng một số giải pháp thay đổi thói quen sử dụng thiết bị [3].

Một là giữ điện thoại cách xa cơ thể: Chỉ cần để điện thoại cách cơ thể vài chục cm khi không dùng đã có thể giảm đáng kể mức năng lượng RF hấp thụ vào cơ thể.

Hai là nên giữ điện thoại cách tai một chút khi gọi. Sử dụng loa ngoài hoặc tai nghe Bluetooth/tai nghe có dây khi có thể, các thiết bị này phát ra ít năng lượng RF hơn so với điện thoại.

Ba là chỉ cần để điện thoại khi không dùng trong túi xách, cặp hoặc ba lô đã có thể giảm đáng kể mức năng lượng hấp thụ vào cơ thể.

Bốn là hạn chế sử dụng điện thoại trong các tình huống sau:

- Khi tín hiệu yếu (chỉ có 1–2 vạch sóng): Điện thoại phải phát ra năng lượng RF mạnh hơn để tìm kết nối.

- Khi đang di chuyển nhanh (thiết bị phải chuyển liên tục giữa các trạm phát sóng).Khi tải hoặc xem video dung lượng lớn: Khi xem video hoặc nghe nhạc trực tuyến, nên tải về trước.

- Khi tải hoặc xem video dung lượng lớn: Khi xem video hoặc nghe nhạc trực tuyến, nên tải về trước.

Năm là không nên sử dụng các sản phẩm “chống bức xạ” không rõ nguồn gốc.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC), nhiều thiết bị được quảng cáo là chắn bức xạ có thể khiến điện thoại hoạt động mạnh hơn, từ đó phát ra nhiều năng lượng RF hơn để duy trì kết nối - làm tăng nguy cơ tiếp xúc thay vì giảm bức xạ.

cach-chong-dien-tu-rf.jpg

Bên cạnh giải pháp thay đổi thói quen sử dụng điện thoại, một số giải pháp kỹ thuật về phần cứng/phần mềm cũng được đề xuất áp dụng để kiểm soát phơi nhiễm ngay từ thiết bị (nguồn phát), ví dụ như: Sử dụng cảm biến tích hợp trong ĐTDĐ để tạm thời ngắt sóng khi thiết bị được đặt sát cơ thể hoặc định hướng, điều chỉnh thiết kế hướng phát xạ tránh hướng trực tiếp vào đầu và thân người; Ứng dụng vật liệu và thiết kế ăng-ten tiên tiến; Cải tiến phần mềm điều khiển và điều chỉnh phương thức kết nối để giảm số lần điện thoại kết nối tới trạm gốc [4].

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ KH&CN, mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn ảnh hưởng nguy hại của năng lượng RF đến sức khỏe con người, việc áp dụng những biện pháp thay đổi nhỏ trong thói quen sử dụng điện thoại có thể giúp giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn. Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng các thiết bị số một cách thông minh cũng góp phần quan trọng giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh và chủ động./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách giảm thiểu mức phơi nhiễm bức xạ của điện thoại di động đến cơ thể người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO