Cách ly xã hội thời Covid-19: Một số quán ăn ở ngoài treo biển chỉ bán mang về, bên trong bày sẵn "mật đạo" tiếp khách?

Mạn Ngọc - Thanh Hiền| 09/04/2020 13:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Bên ngoài một số quán ăn cửa được kéo xuống quá nửa kèm những thông báo liên chỉ bán mang về, tuy nhiên chỉ cần vài lời đề nghị, các thượng đế sẽ nhanh chóng được dắt vào phòng kín để dùng đồ tại chỗ mà vẫn đảm bảo qua mắt cơ quan chức năng.

Trong thời gian đất nước thực hiện chính sách cách ly xã hội nhằm phục vụ công tác khống chế dịch Covid-19, bên cạnh những câu chuyện đẹp về sự tuân thủ, về sự khó khăn mà các lực lượng tiền tuyến đang gặp phải: những nguy cơ bị lây nhiễm, mạo hiểm sức khỏe cũng như tính mạng cho công cuộc chiến đấu chống dịch chung, lại tồn tại một số "con sâu làm rầu nồi canh" - vài hàng quán nhỏ lẻ chưa ý thức rõ tác động của Covid-19 đang khủng khiếp thế nào. 

Họ vì kinh tế trước mắt, không ngại lách luật, không ngại tiếp tay cho sự lây nhiễm của dịch chỉ để phục vụ lợi ích bản thân. Tuy nhiên, họ không thể hiểu được, việc họ đang làm không chỉ gây hại cho công tác phòng dịch, cho xã hội, cho các khách hàng của họ mà còn là con dao hai lưỡi cho chính bản thân và gia đình họ. Covid-19 không chừa một ai, họ nào hiểu được vấn đề ấy?

"Xê dịch" quán ăn để chiều lòng khách

Nhà nước đã ban hành các quy định về việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở kinh doanh không nằm trong danh mục mặt hàng thiết yếu. Theo đó, một số hàng quán tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chuyển sang thực hiện chính sách chỉ bán qua kênh online và gói đồ để khách mang về. Điều đó đồng nghĩa với việc, mọi hoạt động ăn uống, tụ tập tại chỗ đều bị yêu cầu ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, đối phó lại với chỉ thị này, một số quán ăn quyết định lách luật bằng cách bán "chui", bán kín để phục vụ nhu cầu không đúng lúc của khách hàng là trên hết. 

QUÁN ĂN MÙA DỊCH

Ban đầu, cửa hàng vẫn từ chối yêu cầu ăn tại chỗ của khách hàng.

Tại con ngõ nhỏ trên phố Xuân Thủy (Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội), một cửa hàng bán các loại bún đã treo biển từ ngoài cửa: "Chỉ bán mang về". Bên trong, các nhân viên vận chuyển đang chờ đơn hàng của mình được hoàn thiện.

Khung cảnh tương đối vắng vẻ vì không có nhiều khách trực tiếp đến mua hàng. Thoạt nhìn, đó chỉ là khoảng sân trống, rộng rãi. Cũng tại đây, các bộ bàn ghế được sắp xếp trước đó – là khu vực của khách ngồi ăn tại chỗ - đã được dọn dẹp vào trong kho.

Sau khi chọn món ăn, chúng tôi ngỏ ý được xin ngồi ăn tại cửa hàng. Ban đầu, câu trả lời là cái lắc đầu dứt khoát vì "sợ công an làm chặt". 

Tuy nhiên, sau khi thấy khách hàng có lí do "bất đắc dĩ", cô gái bán hàng lưỡng lự, không dám tự quyết mà hỏi ý kiến ông chủ.

Ông chủ nọ vội vàng nói khéo với khách hàng: "Em thông cảm giúp anh, ngồi ghé vào góc này giúp anh, chứ không là bị nhìn thấy". Cô gái liền nói theo: "Anh cho chị ấy vào phòng trong nhà đi", rồi quay sang nhắn với khách: "Chị đi theo anh ấy đi".

Chỉ sau vài lời đề nghị, chủ quán đã nhanh chóng đưa khách hàng men theo "mật đạo" vào 1 căn phòng được sắp xếp sẵn bàn ghế .

Theo chỉ dẫn của ông chủ, khách hàng được dẫn vào một căn phòng sâu bên trong nhà, khuất hẳn không gian chế biến đồ ăn giáp mặt đường. Trong căn phòng sáng sủa, bàn ghế, dụng cụ ăn uống đã được bày biện sẵn sàng. Ngoài ra, các bàn khác cũng được bố trí gọn gàng, có thể sử dụng ngay nếu khách có nhu cầu ăn tại chỗ.

Tuy rằng bên ngoài cửa hàng có dán thông bán chỉ bán mang về.

Chỉ khoảng 5 phút sau, nhân viên mang đồ ăn vào cho khách cẩn thận. Khi giao tiếp, cô gái phục vụ còn không ngần ngại kéo khẩu trang xuống để dễ dàng giao tiếp với khách?

Sau khi ăn xong, khách tự ra ngoài thanh toán như bình thường. 

Không muốn mất lòng khách, các cửa hàng chẳng nhẽ sẵn sàng xê dịch, tăng nguy cơ lây nhiễm dù các lực lượng tiền tuyến đang phải đổ máu và nước mắt để chống dịch ngày đêm?

Chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh

Ví dụ kể trên chỉ là một bộ phận nhỏ còn thiếu ý thức phòng dịch. Điểm sáng của chúng ta là gần như tất cả đều đang rất đồng lòng. Ai cũng hiểu, chỉ cần chịu đựng một chút khó khăn lúc này thôi, khi mọi việc "vào guồng", toàn dân sẽ yên tâm sinh hoạt và kinh doanh trở lại. 

Và ở cái thời điểm khó khăn này, nhiều điều tưởng chừng hiển nhiên cũng sẽ phải được định nghĩa lại. Khách hàng không nhất thiết phải được phục vụ như thượng đế, ưu tiên hàng đầu phải là sự an toàn. An toàn cho mỗi cá nhân, an toàn cho cả xã hội. 

Tại chợ Nghĩa Tân – khu vực được gọi là "thiên đường ăn uống" thường ngày, việc tuân thủ các quy định kinh doanh được cho là cẩn tắc vô áy náy.

Trước quán ăn gần cổng chợ Nghĩa Tân, khi khách ngỏ lời muốn dùng đồ ăn tại chỗ, người bán không ngần ngại từ chối dứt khoát. Kể cả khi khách có hết lời nài nỉ, nhận lại cũng chỉ là câu trả lời sắt đá mang tính răn đe: "Nếu chị mà ăn tại đây thì lát công an gọi cả em lẫn chị lên phường luôn đó".

Việc đến mua mang về vẫn sẽ diễn ra bình thường, không vì bất cứ lí do nào mà có ngoại lệ.

Nhìn từ bên ngoài, điểm chung của các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thời điểm này đều là quy định "chỉ bán đồ mang về". Tuy nhiên, sự ứng xử của những người làm chủ lại là những câu chuyện khó đoán bên trong. Để phòng chống dịch bệnh lây lan, điều rất cần ở mỗi cá nhân là ý thức tự giác và tuân thủ quy định.

Mỗi "con sâu làm rầu nồi canh" đều có thể gây ra những hệ lụy khó lường. Những nỗ lực của một tập thể có thể sẽ bị phá hỏng bởi một vài cá nhân thiếu ý thức. Vì vậy, mỗi người có thể bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội bằng sự tự giác, không đánh đổi lợi ích tức thời, mà đôi khi phải nhận lại những hậu quả khó lường lâu dài.

Trong thời kỳ đau chung này, không chỉ các chủ cơ sở kinh doanh cần có ý thức, mà chính ở khách hàng cũng nên tăng cường nhận thức của bản thân. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cách ly xã hội thời Covid-19: Một số quán ăn ở ngoài treo biển chỉ bán mang về, bên trong bày sẵn "mật đạo" tiếp khách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO