Cải thiện khả năng phát hiện các bệnh về mắt nhờ hệ thống AI

TH| 11/10/2021 10:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ thống CARE sử dụng kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt kết hợp với hệ thống học sâu được đào tạo để phát hiện các bệnh võng mạc trên quy mô lớn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Úc, Trung Quốc và Mỹ đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện và theo dõi các bệnh về võng mạc trên quy mô lớn hơn. Theo đó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash, Đại học Tôn Trung Sơn, công ty Eagle Vision Technolog ở Bắc Kinh, Trung tâm nhãn khoa Tongren Eye Bắc Kinh, Đại học Y khoa Thủ đô và trường Y khoa Miller thuộc Đại học Miami đã phát triển hệ thống chuyên gia võng mạc AI toàn diện (CARE).

CARE sử dụng kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt kết hợp với hệ thống học sâu được đào tạo bằng cách sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu điển hình về bệnh võng mạc. Sau đó, hệ thống được thử nghiệm bằng cách sử dụng các bức ảnh thu thập được từ nhiều cơ sở lâm sàng, giúp huấn luyện và hoàn thiện mô hình.

Chụp ảnh đáy mắt là một quy trình chụp ảnh bên trong mắt thông qua đồng tử để tầm soát các bệnh về võng mạc. "Hệ thống CARE đã được đào tạo để xác định 14 bất thường võng mạc phổ biến nhất bằng cách sử dụng 207.228 bức ảnh màu đáy mắt lấy từ 16 cơ sở lâm sàng trên khắp châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và châu Âu, với các phân bố bệnh khác nhau", PGS. Zongyuan Ge của Đại học Monash cho biết.

"CARE đã được huấn luyện nội bộ bằng cách sử dụng 21.867 bức ảnh và được thử nghiệm bên ngoài bằng cách sử dụng 18.136 bức ảnh được thu thập từ 35 cơ sở y tế trên khắp Trung Quốc, bao gồm 8 bệnh viện cấp ba, 6 bệnh viện cộng đồng và 21 trung tâm khám sức khỏe".

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu suất của CARE với hiệu suất làm việc của 16 bác sĩ nhãn khoa và thử nghiệm sử dụng bộ dữ liệu của các nhóm không phải là người Trung Quốc cũng như các loại máy ảnh chưa được sử dụng trước đây. Từ các thử nghiệm này, ông Zongyuan Ge cho biết hiệu suất của hệ thống CARE tương tự như hiệu suất của hệ thống nhãn khoa chuyên nghiệp và hệ thống vẫn hoạt động hiệu quả khi sử dụng bộ dữ liệu không phải của Trung Quốc.

Ông nói: "Những phát hiện này cho thấy hệ thống đưa ra kết quả chính xác khi so sánh với kết quả của một bác sỹ nhãn khoa".

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sớm cung cấp CARE thương mại ở Trung Quốc và sau đó là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về các hình ảnh sàng lọc từ môi trường thực tế có thể được triển khai trong các môi trường lâm sàng nhằm giúp chẩn đoán tốt hơn các bệnh về võng mạc.

Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh Đại học Wisconsin-Madison, Amitha Domalpally bày tỏ: "Hy vọng thông qua công việc này, chúng ta có thể tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cải thiện khả năng phát hiện các bệnh về mắt nhờ hệ thống AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO