Cẩm nang cho nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên trên con đường nghiên cứu khoa học
Ngày 15/5/2025, tại Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông và Tạp chí Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam - Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực, kỹ năng viết và công bố bài báo khoa học cho các nhà khoa học và cộng tác viên”.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra giải pháp giúp nâng cao chất lượng công bố khoa học.
Nâng cao năng lực, kỹ năng viết và công bố bài báo khoa học là vô cùng quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) nhấn mạnh việc nâng cao năng lực, kỹ năng viết và công bố bài báo khoa học là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với mỗi một nhà khoa học. "Một bài báo khoa học không chỉ phản ánh kết quả nghiên cứu mà còn là phương tiện truyền tải tri thức, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học".

Tuy nhiên, để có một bài báo chất lượng, được công bố trên các tạp chí uy tín, PGS. TS. Trần Quang Anh cho biết việc này đòi hỏi người viết phải nắm vững nhiều kỹ năng, từ cách lựa chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu, cách trình bày kết quả, đến kỹ năng diễn đạt sao cho rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục.
Trong thời gian qua, PTIT cũng đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và kỹ năng viết bài báo khoa học cho các cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, Phó Giám đốc PTIT cho biết thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, gặp phải trong quá trình viết và công bố bài báo.
Nghiên cứu và công bố như là phương tiện và nhu cầu giao tiếp của nhà nghiên cứu
Là 1 trong 10 nhà khoa học mang quốc tịch Việt Nam có mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học có số trích dân nhiều nhất thế giới dựa theo kết quả của một công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí “PLOS Biology” (Mỹ), PGS. TS. Trần Đình Phong, Trường Đại học KH&CN Hà Nội đã trao đổi nội dung “Nghiên cứu và công bố”.
Theo ông, việc nghiên cứu và công bố như là phương tiện và nhu cầu giao tiếp của nhà nghiên cứu.

Chia sẻ một số trải nghiệm cá nhân trong quá trình nghiên cứu và công bố, PGS. TS. Trần Đình Phong cho biết khoa học không thể phong trào. Làm nghiên cứu là một nghề chuyên nghiệp, theo đó, cần sự đam mê, năng lực, phương pháp làm việc, cần cù…. Nhà nghiên cứu phải chứng minh kết quả làm việc của mình.
PGS. TS. Trần Đình Phong cũng cho rằng việc công bố kết quả nghiên cứu là phẩn nổi của tảng băng trôi, trong khi đó, những gì trước công bố là phần chìm của tảng băng. Khi làm phần chìm thì người làm khoa học phải có trách nhiệm viết ra phần nổi, mô tả được những gì đang làm. Nhưng chỉ có làm phần nổi thì không thể tồn tại.
PGS. TS. Trần Đình Phong lưu ý việc viết bài báo mà làm ngay những cái khó, trong khi quên cái cơ bản hay có thể gọi là “nội công” là không được. Việc này cần rèn luyện. “Hoạt động nghiên cứu đang ngày càng đắt đỏ. Nhà nghiên cứu nhận kinh phí nghiên cứu, phải có trách nhiệm giải trình thông qua kết quả nghiên cứu của mình”.
Nhấn mạnh thêm về kết quả giải trình thông qua kết quả nghiên cứu, PGS. TS. Trần Đình Phong lưu ý các nhà nghiên cứu cần chú ý một nội dung quan trọng được trích từ cuốn “Nghiệp vụ học thuật” Donald Kennedy là: “Mọi suy tư, mọi phân tích văn bản, mọi thí nghiệm và dữ liệu thu thập đều chẳng là gì cả cho tới khi ta viết chúng ra. Trong thế giới nghiên cứu học thuật, chúng ta là những gì chúng ta viết. Xuất bản là phương tiện trao đổi cơ bản, ngoại trừ các môn nghệ thuật sáng tạo và một vài lĩnh vực trong các ngành khoa học ứng dụng, còn lại chất lượng nghiên cứu được đánh giá qua những gì được in ra” (Người dịch: Hoàng Kháng, Tô Diệu Lan, Cao Lê Thanh Hải), trang 321.
PGS. TS. Trần Đình Phong cũng lưu ý các nhà nghiên cứu khoa học phải đọc, viết bằng tiếng Anh. “Tôi khuyên các nhà khoa học, nghiên cứu sinh phải thường xuyên đi nghe hội thảo (seminar) và phải chọn nội dung khác những gì chúng ta đã hiểu để nghe. Chọn cái chúng ta đã hiểu thì chẳng có gì để nghe”.
"Cùng với đó, phải nói cho người khác nghe được. Các nghiên cứu sinh Việt Nam giỏi và không hề kém hơn đồng nghiệp quốc tế. Tôi mong lãnh đạo các cơ sở đào tạo tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh đi nghe", PGS. TS. Trần Đình Phong cho hay.
Thành tố đầu tiên được đọc và đánh giá bài báo
PGS. TS. Đặng Thị Việt Đức, Trưởng khoa Tài chính - Kế toán, PTIT đã chia sẻ cách viết tiêu đề, tóm tắt bài báo khoa học.

Theo PGS. TS. Đặng Thị Việt Đức, mặc dù tiêu đề, tóm tắt là các thành tố cuối cùng khi viết một bài báo nhưng đây lại là thành tố đầu tiên được đọc và đánh giá bài báo.
Ban biên tập đọc tóm tắt đầu tiên để quyết định xem bài báo có được vào vòng phản biện hay không. Người phản biện đọc tiêu đề và tóm tắt của bài báo trước khi quyết định xem có phản biện bài báo không. 'Tiêu đề và tóm tắt của bài báo là thành tố được tiếp cận dự do đối với tất cả độc giả. Người đọc sẽ quyết định liệu có tiếp tục đọc toàn bộ bài báo không khi họ đọc tiêu đề và tóm tắt". PGS. TS. Đặng Thị Việt Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các tác giả cũng cần lưu ý các điểm nổi bật (highlights) của bài báo, là các điểm chính thể hiện kết quả mới, phương pháp mới của nghiên cứu. Highlights sẽ giúp tăng khả năng khám phá bài báo thông qua các công cụ tìm kiếm. Highlights thường gồm 3 - 5 điểm, thường dài dưới 100 ký tự (bao gồm cả các khoảng trống).
Trong khi đó TS. Vũ Hoài Nam, Khoa AI, PTIT đã chia sẻ cấu trúc điển hình của bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế (case study trong lĩnh vực công nghệ thông tin). Theo đó, bài bao gồm các phần tóm tắt (abstracts) từ 150 - 250 từ, phần trọng tâm, các phương pháp nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu chính (bao gồm các số liệu), kết luận.

TS. Vũ Hoài Nam nhấn mạnh: Nghiên cứu khoa học là quá trình điều tra có hệ thống về thế giới tự nhiên, dựa trên quan sát, thử nghiệm và kiểm tra các giả thuyết. Bài báo khoa học là các tài liệu viết truyền đạt kết quả nghiên cứu khoa học đến cộng đồng khoa học rộng lớn hơn. Đặc điểm bài báo là mới lạ (novel), mạnh mẽ (robust), tin cậy (reliable) và đặc biệt có thể lặp lại (replicable).
Cũng tại hội thảo, PGS. TS. Đỗ Xuân Chợ, Khoa An toàn thông tin - PTIT đã chia sẻ kinh nghiệm viết và công bố bài báo; PGS. TS Trần Trung Duy, Trưởng phòng Đào tạo và Khoa học công nghệ - PTIT đã chia sẽ giải pháp tang cường công bố ISI/Scopus.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, TS. Trần Tiến Công đề cập đến việc chỉnh sửa bài báo theo yêu cầu phản biện và giải trình hiệu quả.
Theo TS. Trần Tiến Công, cần hiểu rõ vai trò của phản biện giúp nâng cao chất lượng bài báo. Công bố nhanh và hiệu quả là mục tiêu chính. Phải đón nhận góp ý với thái độ cầu thị và phản hồi khoa học. Chỉnh sửa bài báo phải chi tiết, minh bạch và có giải trình rõ ràng. Người viết phải kiên trì công bố, chọn Tạp chí phù hợp nếu lần đầu chưa thành công.
Một số điểm mạnh của Tạp chí KH&CN Việt Nam
Tại hội thảo, TS. BS. Nguyễn Thị Hương Giang, Tổng Biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam đã giới thiệu các ấn phẩm chính của Tạp chí, gồm 4 bản: A (a.vjst.vn), B (b.vjst.vn), C (b.vjst.vn), C (vietnamscience.vn) D (vmostscience.vn).

Tổng Biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam cũng giới thiệu một số điểm mạnh của Tạp chí như: Thực hiện quy trình xuất bản bằng phần mềm ScholarOne Manuscripts của Clarivate từ khâu gửi bài đến khi có quyết định đăng tải/từ chối; Thời gian xử lý từ khi nhận bài báo đến khi có quyết định cuối cùng khoảng 90 ngày; Các bài báo sau khi được chấp nhận đăng tải sẽ được đăng trong danh mục danh sách bài chấp nhận (tên bài, tá giả, tóm tắt, từ khoá, chỉ số phân loại) và được gắn số DOI, công bố toàn văn (full-text) dưới dạng bản PDF trên mục ONLINE FIRST (chưa phải bản cuối cùng) để có trích dẫn sớm.
Các bài báo được kiểm tra trùng lặp bằng phần mềm iThenticate ít nhất 2 lần; được đánh giá bởi ít nhất hai phản biện kín trong cơ sở dữ liệu của Web of Science, hiệu đính ngôn ngữ bản xứ, gắn DOI…
Tổng kết hội thảo, TS. BS. Nguyễn Thị Hương Giang cho biết các bài trình bày tại hội thảo là cẩm nang và hành trang không thể thiếu đối với các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh, giảng viên, sinh viên trên con đường nghiên cứu khoa học của mình./.