Cảm nghĩ về một Việt Nam kiên định, kiêu hãnh và chinh phục

GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM) | 18/02/2021 20:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Qua những thử thách khó khăn nhất, người Việt Nam bắt đầu tin tưởng mình có khả năng viết tiếp không chỉ một, hai, mà còn nhiều câu chuyện thần kỳ sau này.

Qua những thử thách khó khăn nhất, người Việt Nam bắt đầu tin tưởng mình có khả năng viết tiếp không chỉ một, hai, mà còn nhiều câu chuyện thần kỳ sau này.

Cảm nghĩ về một Việt Nam kiên định, kiêu hãnh và chinh phục - Ảnh 1.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ.

Kiên định

Vào những ngày này năm trước, cả thế giới chỉ mới có vài ngàn ca nhiễm virus Covid-19, so với hiện tại đã hơn 110 triệu ca nhiễm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những nhà lãnh đạo các nước - những người phải chịu không ít trách nhiệm khi để cho dịch bệnh lây lan khủng khiếp sau này - vẫn còn đang né tránh liệu có nên xem virus Covid-19 là dịch bệnh thông thường hay đại dịch. Lúc bấy giờ, có một quốc gia đang làm điều ngược lại: Việt Nam.

Đúng chiều mùng 3 Tết Canh Tý - như gợi nhớ lại chiến thắng trận Ngọc Hồi - Đống Đa của Vua Quang Trung vào ngày mùng 5 Tết hơn 200 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra “quân lệnh” chống dịch Covid-19 như chống giặc, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với mục tiêu bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Liền ngay sau đó là thông báo kết luận của Bộ Chính trị về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng hình ảnh đất nước chính thức bước vào “thời chiến”. “Cuộc tổng tấn công mùa Xuân 2020” bắt đầu trên cả nước bằng cuộc cách ly xã hội kéo dài trong 15 ngày. Trên những con đường về đêm rất vắng ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn, những tòa nhà vẫn sáng lung linh ánh đèn kết thành lá quốc kỳ đỏ rực cùng dòng chữ “Việt Nam chiến thắng”.

Nhìn lại một năm về trước, nếu không kiên định, không dễ dàng gì để đưa ra một mệnh lệnh gây nhiều tranh cãi như thế. Lúc bấy giờ, trong một bài báo gây ảnh hưởng lớn, tờ Wall Street Journal có bài phân tích với tựa đề “Kinh tế đấu với Y tế: Tỷ số 0 - 1”. Các nhà bình luận của Wall Street Journal, và cũng không ít người, cho rằng phải có sự đánh đổi giữa kinh tế và sức khoẻ. Họ cảnh báo, phải chấp nhận thiệt hại lớn về kinh tế nếu chính quyền ưu tiên cho sức khỏe người dân bằng tiến hành cách ly xã hội. Như thể, kinh tế và sức khoẻ là một lựa chọn trong một trận chung kết bóng đá, phải có kẻ thắng, người thua. Luận điểm này đã chi phối mạnh mẽ không ít lãnh đạo các nước trên thế giới.

Nhưng, có một Việt Nam ngoại lệ. Thời chiến, không chỉ chiến thắng “giặc” Covid-19, mà phải chiến thắng cả trong lĩnh vực kinh tế,  như quân lệnh của Thủ tướng vào những ngày đầu tháng 2 năm trước: “Không chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động, chống dịch đồng bộ, quyết liệt, đồng thời giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng”.

Kiên định “mục tiêu kép”, chống dịch, nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, nhìn lại lúc bấy giờ, không hẳn thuyết phục được nhiều người. Nhưng không còn lựa chọn nào khác, trước khi ra trận mà bàn lùi thì còn gì nhuệ khí binh tướng? Để thắng cuộc, không chỉ ý chí, mà cần cả kiên định lẫn kỹ năng. Trước hết, phải có một chiến thuật hiệu quả, được giới truyền thông quốc tế gọi là “mô hình chi phí thấp”, bằng cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thần tốc truy vết và tận diệt đại dịch. Cùng lúc đó, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế hợp lý ở bất kỳ địa phương nào, khu vực nào bảo đảm an toàn.

Đến giờ nhìn lại, Việt Nam đã cho cả thế giới thấy mình có thể thành công trong mục tiêu kép mà không có sự đánh đổi giữa kinh tế và sức khỏe. Với số ca nhiễm thấp nhất và một nền kinh tế tăng trưởng dương hiếm có trên thế giới, Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem là hình mẫu hàng đầu về những thành công trong cuộc chiến với đại dịch.

Kiêu hãnh

Nhiều dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế dự cảm Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 7% GDP trong năm 2021. Có lẽ, đó sẽ là câu chuyện thần kỳ mà Việt Nam sẽ viết tiếp vào năm 2021. Qua những thử thách khó khăn nhất, còn khó khăn nào hơn đại dịch, người Việt Nam bắt đầu tin tưởng mình có khả năng viết tiếp không chỉ một, hai, mà còn nhiều câu chuyện thần kỳ sau này.

Một Việt Nam đang kiêu hãnh. Nhưng ai là thế hệ tiếp nối xứng đáng tiên phong dẫn dầu đầu đoàn quân tiếp tục chinh phục đỉnh cao nhất phía trước? Hồng phúc dân tộc sẽ đến nếu đó là những thế hệ nhận trọng trách trong niềm kiêu hãnh, hơn là được phân công.

“Đây là thời điểm chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào những giá trị truyền thống, tin vào bản lĩnh, khí phách, sự gan góc của một dân tộc anh hùng. Nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà cách đây ít năm, một số đánh giá cho rằng điều này khó có thể xảy ra”,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào những ngày cuối năm 2020.

Nếu không có sự kiên định ngay từ đầu, đến giờ này ắt hẳn khó có chuyện Việt Nam trở thành quốc gia điển hình chống dịch và phát triển kinh tế thành công, hiệu quả nhất thế giới. Trong ấn phẩm “Global Productivity: Trends, Drivers, and Policies”, công bố năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam nằm trong số 16 nền kinh tế đang phát triển và các nước phát triển thành công nhất. Nhưng quan trọng nhất, theo WB, Việt Nam là quốc gia đang trong xu hướng hội tụ vào các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Một Việt Nam đang kiêu hãnh. Nhưng ai là thế hệ tiếp nối xứng đáng tiên phong dẫn đầu đoàn quân tiếp tục chinh phục đỉnh cao nhất phía trước? Hồng phúc dân tộc sẽ đến nếu đó là những thế hệ nhận trọng trách trong niềm kiêu hãnh, hơn là được phân công.

Cảm nghĩ về một Việt Nam kiên định, kiêu hãnh và chinh phục - Ảnh 3.

Việt Nam đã cho cả thế giới thấy mình có thể thành công trong mục tiêu kép mà không có sự đánh đổi giữa kinh tế và sức khỏe

Chinh phục

Có một câu danh ngôn: “Đây là nơi bạn sẽ thắng cuộc chiến, trong tâm hồn của chính mình”. Vào những giờ phút đầy lo âu giữa đại dịch, các câu chuyện nghĩa tình “ATM gạo” ở TP.HCM và sau đó trở thành câu chuyện phổ biến trên cả nước đã thực sự chinh phục trái tim của toàn thể người dân trong nước và thế giới. “ATM gạo” sau này sẽ đi vào lịch sử thuật ngữ, không phải trong lĩnh vực kinh tế, mà là về lòng nhân hậu, khi chúng được tạo ra không phải bởi các kỹ sư máy tính, mà của các hiệp sĩ Việt Nam.

Vào thời điểm bấy giờ, truy cập vào website của nhiều trang tin thời sự của thế giới như trang Bloomberg, thay vì nhìn thấy những hình ảnh đau thương của đại dịch như ở nhiều nước, cả thế giới nhìn thấy biểu tượng “ATM gạo” với dãy người sắp hàng trật tự cách nhau 2 mét. Hình ảnh này, được truyền thông thế giới đưa tin, đã chuyển tải trung thực tấm lòng nhân hậu, nghĩa tình của người dân Việt trong “thời chiến”.

Nếu con đường phát triển của Việt Nam mang bản sắc “ATM gạo”, ắt hẳn, “mọi người sẽ sớm nhận ra rằng, từ nửa sau thế kỷ 21 này, thế giới có thể sẽ không còn nhớ đến những quốc gia dẫn đầu về thu nhập, nhưng sẽ luôn nhớ đến những quốc gia, những tổ chức, những cá nhân tiên phong trong một số thành tựu đem lại cuộc sống tốt hơn cho con người”, như phác họa mới đây về con đường phát triển phía trước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Covid-19 là một cú sốc kinh tế tàn khốc hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế. Trong tương lai, một căn bệnh nguy hiểm hơn nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu thế, chỉ có nhanh chóng kiềm chế bệnh thì mới mau khỏi bệnh. Nhiều người bây giờ ca ngợi về tự do, “nhưng sự an toàn của người dân vẫn phải là luật tối cao của chính trị, bây giờ và mãi mãi”, như một luận điểm trong bài xã luận mới đây của tờ Financial Times về những bài học kinh nghiệm chống dịch. Đó cũng là những gì mà toàn hệ thống chính trị Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc trong cuộc chiến chống dịch. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và những ai hảo tâm đã góp công vào những thành quả tuyệt vời trong việc bảo vệ an toàn, sức khỏe và sinh kế của người dân trong năm 2020 chính là những người đã chinh phục trọn vẹn nhất tình cảm và con tim của toàn thể người dân Việt.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cảm nghĩ về một Việt Nam kiên định, kiêu hãnh và chinh phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO