Cần chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo từ cấp phổ thông

Gia Bách| 29/10/2020 10:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu giới thiệu các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục số, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức “Ngày hội công nghệ giáo dục”.

Ngày hội công nghệ giáo dục trong thời đại 4.0 - Ảnh 1.

Nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục số, Sở Giáo dục & Đào tạo TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức “Ngày Hội Công nghệ Giáo dục.”

"Giáo dục số" trước thời đại 4.0

Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, Việt Nam đặt mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, "giáo dục số" là một trong 8 ngành đang được ưu tiên chuyển đổi số trước, đóng vai trò ươm mầm và bồi dưỡng lực lượng lao động trình độ cao bắt kịp thời đại 4.0.

Bộ GD&ĐT đưa ra ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số nhằm giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai. Chia sẻ về vấn đề này, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các trường chuyển đổi số ngay từ cấp học đầu tiên, đặc biệt là khối phổ thông. Chuyển đổi số sẽ giúp nhà trường tối ưu công tác quản lý giáo án điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ chủ nhiệm… đồng thời trang bị nhiều kỹ năng số cần thiết cho học sinh khi chuyển sang môi trường đại học và làm việc chuyên nghiệp.

Để phát triển giáo dục số, các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Trong quản lý, Cục CNTT cho biết ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu, số hóa thông tin của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu cán bộ giáo dục.

Học tập hiện đại trong kỷ nguyên số

"Ngày hội công nghệ giáo dục" nhằm mục đích giới thiệu các giải pháp công nghệ phát triển giáo dục số, cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai công nghệ hiệu quả và sáng tạo của các trường trong quản lý và giảng dạy. Là công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, Microsoft Việt Nam đã được chọn làm đối tác đồng tổ chức sự kiện này cùng Sở Giáo dục & Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.

Microsoft Azure

Là nền tảng đám mây của Microsoft giúp các tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị giáo dục các cấp, chuyển đổi số một cách an toàn và linh hoạt. Cùng với công cụ thống kê Power BI, lãnh đạo các đơn vị trường học sẽ vận hành và quản lý nhà trường hiệu quả hơn.

Nền tảng đám mây Microsoft Azure đã được Bộ Y Tế Việt Nam lựa chọn để đặt trang web chính thức về dịch bệnh Covid 19 vừa qua. Microsoft Teams cũng được bộ Y Tế sử dụng để thực hiện các cuộc họp trực tuyến cùng các bệnh viện tuyến đầu, nhằm theo dõi, quản lý thông tin ca bệnh và đưa ra các kịch bản ứng phó dịch bệnh nhanh chóng và dễ dàng.

Ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết: "Công nghệ là yếu tố thúc đẩy chính cho tương lai của giáo dục. Tại Microsoft, tầm nhìn của chúng tôi là trao quyền cho mọi học sinh, sinh viên và thầy cô trên thế giới đạt được nhiều thành tựu hơn. Trên khắp Đông Nam Á, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các chính phủ để hỗ trợ số hóa giáo dục bằng cách cấp quyền truy cập miễn phí cho học sinh và các nhà giáo dục vào hệ sinh thái công nghệ của Microsoft. Tại Việt Nam, chúng tôi tự hào khi là đơn vị nước ngoài duy nhất được tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) do Bộ Khoa học và Công Nghệ chủ trì với sự hợp tác của Bộ GD&ĐT để hỗ trợ các tổ chức giáo dục số hóa giáo án, chuyển đổi phương thức giảng dạy và quản lý học sinh trên các nền tảng công nghệ".

Tại sự kiện, Microsoft Việt Nam cũng vinh dự công bố IIG Việt Nam và InnEdu chính thức trở thành hai đối tác đào tạo toàn cầu (Global Training Partner - GTP) đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam. GTP là chương trình thúc đẩy đào tạo kỹ năng và số lượng chuyên gia giáo dục cho các đơn vị giáo dục như sở, phòng, và nhà trường được tiếp cận với các giải pháp công nghệ từ Microsoft.

Ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Việt Nam chia sẻ: "Công nghệ nhằm trao quyền cho mọi người, chứ không phải thay thế con người. Chúng tôi coi công nghệ là công cụ, con người là yếu tố thúc đẩy chính, vì vậy kỹ năng rất quan trọng. Việc đào tạo liên tục và nâng cao kỹ năng cho các nhà giáo dục sẽ góp phần nuôi dưỡng thế hệ học sinh 4.0, cũng như đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số".

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh không chỉ triển khai thành công việc dạy và học trực tuyến mà còn xây dựng được nhiều chương trình và khóa học nâng cao kỹ năng công nghệ cho sinh viên trước kỷ nguyên giáo dục số.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Văn Hồng, Viện trưởng viện Sư phạm kỹ Thuật, trường ĐH Sư phạm kỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Với mục tiêu liên tục đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực và các sản phẩm khoa học chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. ồ Chí Minh tin tưởng hợp tác với Microsoft trong việc trang bị một nền tảng công nghệ vững chắc; sẵn sàng kết nối cổng giáo trình trực tuyến Microsoft.com/Learn với hệ thống các bài giảng trực tuyến của trường; xây dựng hệ thống đánh giá kĩ năng sinh viên dựa trên các chứng chỉ toàn cầu của Microsoft; triển khai các công cụ phát triển Azure trong công tác đào tạo, cho phép sinh viên được tiếp cận với các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, hay Trí tuệ nhân tạo…".

Bên lề sự kiện, các nhà quản lý và lãnh đạo các trường còn tham quan khu vực trưng bày giải pháp và sản phẩm công nghệ đến từ các đối tác Mozaik, FPT Elead, IIG Việt Nam, InnEdu... để tìm được lời giải toàn diện cho quá trình chuyển đổi số giáo dục.

Microsoft Teams và Office 365

Nửa đầu 2020, Microsoft Việt Nam đã tham gia vào Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) của Bộ Khoa học và Công Nghệ, với sự hợp tác của Bộ GD&ĐT và triển khai hoàn toàn miễn phí gói Office 365 phiên bản Giáo dục cho gần 4 triệu tài khoản, trị giá 27 triệu USD cho các trường học tại 61/63 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong đó, Microsoft Teams là nền tảng dạy học trực tuyến chính thức được Bộ Khoa học Công nghệ giới thiệu cho Bộ GD&ĐT. Đây được xem là một cuộc cách mạng của giáo dục trực tuyến trong công tác giảng dạy, giúp mang lại nhiều hứng khởi và khơi gợi sự sáng tạo của mỗi học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT cũng đã ghi nhận tốc độ triển khai Microsoft Teams kỷ lục, chỉ trong 27 giờ cho hơn 200 trường học và 3,3 triệu giáo viên, học sinh trên địa bàn TP. Hải Phòng trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Đây là một ví dụ triển khai điển hình trong đợt Covid-19. Điều này cho thấy, phần mềm không chỉ dễ sử dụng mà còn có lợi thế là triển khai nhanh trên diện rộng.

Với Microsoft Teams, giáo viên và học sinh có thể truy cập vào mọi nội dung lớp học, cuộc thảo luận, bài tập và ứng dụng học tập. Nghiên cứu của Manchester Street Research cho thấy, sử dụng phần mềm này, sinh viên tương tác nhiều hơn 29%. Các nhà giáo dục sử dụng công nghệ của Microsoft, đặc biệt là Microsoft Teams, cũng tăng khả năng cộng tác với đồng nghiệp cao hơn 42% so với phần mềm khác.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo từ cấp phổ thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO