Cần khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực CNTT

Lan Phương| 14/08/2017 16:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực công nghệ số là rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu thứ 5 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc là “Đạt sự bình đẳng về giới và trao quyền cho mọi trẻ em gái và phụ nữ”.

Hành trình để đạt mục tiêu này còn rất dài. Theo dữ liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), khoảng cách giới trong sử dụng Internet toàn cầu là 12% trong năm 2016. Phụ nữ hiện nay chỉ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động trong lĩnh vực CNTT và truyền thông (ICT) của Liên minh châu Âu, và phụ nữ cũng chưa được coi trọng đúng mức trong các việc làm công nghệ ở thung lũng Silicon. Do vậy, thu hẹp khoảng cách về giới trong lĩnh vực số là một ưu tiên lớn cho tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Khoảng cách giới trong sử dụng Internet toàn cầu là 12% trong năm 2016 (Nguồn: ITU)

Jocelyn Teo, Thành viên Hội đồng tư vấn cho trẻ em gái về công nghệ của Singapore (Advisory Board Member for Girls in Tech–Singapore) cho ITU News biết: “Cần nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Với sự tham gia của nữ giới, các công ty công nghệ sẽ đa dạng hơn từ các vị trí việc làm và hiệu quả hơn trong hoạt động”.

Ở Mỹ, trung bình, các công ty công nghệ mạo hiểm do phụ nữ lãnh đạo có doanh thu hàng năm cao hơn 12% và sử dụng vốn ít hơn 1/3 so với các doanh nghiệp khởi nghiệp do nam giới lãnh đạo, doanh nhân và nhà đầu tư Cindy Padnos đã cho biết trong bài báo “High performance entrepreneurs: Women in hi-tech” vào năm 2013.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ tham gia vào thị trường việc làm số có thể tạo ra một sự tăng trưởng 9 tỷ euro hàng năm, đóng góp vào GDP của Liên minh châu Âu, theo một nghiên cứu công bố tháng 10/2013 của EU.

Ấn Độ, Malaysia và Singapore đã tự thành lập các trung tâm công nghệ (hub) ở Nam và Đông Nam Á, và ngay từ đầu là thời điểm tuyệt vời để đưa phụ nữ tham gia vào các công việc công nghệ, tạo sự bình đẳng ngay từ đầu. Vậy, tại sao chúng chúng ta cần nhiều phụ nữ hơn tham gia vào lĩnh vực công nghệ và cách thức để đạt được sự cân bằng giới trong lĩnh vực công nghệ?

Con số rất đáng chú ý: khoảng 30% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ là nữ giới, so với chỉ khoảng 21% ở Mỹ. Trong khi đó, Singapore đã có 30% phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ theo một điều tra năm 2014 được Cơ quan phát triển thông tin truyền thông Singapore (IDA) thực hiện.

Các kết quả này có được là nhờ sự thay đổi tư duy. Phụ nữ cũng có thể làm công nghệ rất giỏi, và họ không ngại làm nghề công nghệ”, Wan Ting Poh, Giám đốc điều hành Girls in Tech - Singapore cho biết.

Tuy nhiên, điều này không phải luôn luôn dễ dàng, thậm chí đối với những phụ nữ có bằng cấp vẫn phải đối mặt với sự phân biệt, môi trường làm việc ICT được thống trị bởi nam giới. Có rất nhiều nhà khoa học ICT nữ xung quanh chúng ta. Tôi lãnh đạo một nhóm 6 người và tôi là phụ nữ duy nhất”, bà Poh cho hay.

Làm cách nào để nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực ICT? Điều gì là quan trọng nhất? Theo bà  Poh, các em gái hay những phụ nữ trẻ cần theo đuổi sự đam mê và phải xây dựng sự tự tin. Có rất nhiều thời gian để họ cống hiến cho sự đam mê này, họ chứng tỏ sự quan tâm tới công việc công nghệ nhưng đôi khi, theo thời gian, mọi thứ bị phai nhạt, hoặc là do sự lặp lại của công việc, hay do sự nhận thức mang tính văn hóa. Nhưng bạn nên theo đuổi sự đam mê nếu bạn muốn làm khoa học, hoặc nếu bạn thích toán học, lập trình.

Ảnh minh họa (Nguồn: moppenheim.tv)

Vượt qua những rào cản này còn cần một môi trường khả thi để hỗ trợ phụ nữ tham gia vào ngành công nghệ. "Cần phải có một nơi để các phụ nữ có thể liên kết và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ nữa. Theo đó, phụ nữ cần phải vượt lo lắng khi tham gia vào ngành do nam giới thống trị, và họ cần có hệ thống hỗ trợ để cho họ biết rằng, họ có thể làm rất tốt”, theo bà Poh.

Sự hỗ trợ sẽ có tác động. Chính phủ Singapore đang nỗ lực khuyến khích trẻ em tham gia vào công nghệ thông qua các hoạt động thú vị như chương trình Lab on Wheels (phòng Lab di động). Kết quả là các trẻ em gái có thể được chứng kiến và phát triển các khả năng và thay đổi tư duy.

Khi tôi nhìn thấy anh trai tôi đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ tôi đã nghĩ thực sự công việc rất phức tạp và đôi khi anh ấy không thể xử lý được. Trước đó tôi đã lập trình một con robot và tôi hiện đang suy nghĩ việc tham gia vào lĩnh vực robot như là hoạt động học tập của mình”, Jessica, một sinh viên tại trường Sosyth cho ITU News biết.

Nữ giới phát huy khả năng chinh phục CNTT

Theo Giám đốc "Girls in Tech - Singapore" Wan Ting Poh cần thúc đẩy phụ nữ đang quan tâm một công việc trong môi trường hấp dẫn và thay đổi nhanh chóng: “Đừng ngại ngùng tiến bước và nói rằng với các em  rằng “Có thể làm được việc đó!”.

Mặc dù có những khó khăn, nhưng cần khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tham gia vào lĩnh vực công nghệ bởi sẽ có một tác động tích cực, đóng góp vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc gia (GDP).

Lợi ích của cá nhân khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ cũng rất to lớn. “Đó là một hành trình thú vị. Hành trình này đã dạy tôi cách tự xem xét mọi việc và không phụ thuộc vào người khác. Internet đã mở ra cánh cửa đến với thế giới. Nó đã mở ra rất nhiều cơ hội. Nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ có nghĩa là sẽ có nhiều ý tưởng và nhiều sự thay đổi đáng ngac nhiên”, Jigyasa Grover, Giám đốc chương trình “Women Who Code Delhi” cho ITU News hay.

Tại sự kiện TechFemme 2016 với chủ đề “She can do IT” - Nữ giới chinh phục công nghệ, sự kiện thường niên do Microsoft tổ chức tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, đã thu hút đông đảo các nữ sinh viên đang học tập ngành CNTT và ngành khác trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp nhà nước, Microsoft Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến có nhiều phụ nữ làm việc tốt và thậm chí hơn nam giới”.

Trong xu hướng chuyển đổi sang kỹ thuật số, công nghệ cùng những bước tiến vượt bậc đang nắm vai trò chủ chốt giúp các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phát triển, từ đó giúp chuyển đổi tích cực mọi mặt xã hội trên khắp toàn cầu. Sự mềm dẻo, nhạy cảm, đa năng và bền bỉ của nữ giới chính là những tính cách đầy “lợi thế” giúp các bạn nữ thành công khi lựa chọn nghề nghiệp trong các ngành công nghệ. Những thành tựu đạt được của rất nhiều phụ nữ trong mảng CNTT gần đây đã chứng minh điều này”, ông Nguyễn Bá Quỳnh nhấn mạnh.

Các bạn nữ không học về kỹ thuật vẫn có thể tham gia vào các công tác thuộc lĩnh vực công nghệ, như có thể trở thành các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia phân tích trong lĩnh vực CNTT. Đã có rất nhiều nữ kiến trúc sư công nghệ làm cho các tập đoàn lớn. Các bạn nữ sinh hãy vượt qua rào cản tâm lý để có thể làm chủ công nghệ và thành công, ông Quỳnh chia sẻ thêm.

Với mục đích giúp các bạn nữ sinh tại Việt Nam nắm bắt tốt hơn về ngành CNTT, từ đó có thêm lựa chọn phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ, TechFemme bám sát các tiêu chí: Nâng cao nhận thức về phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ đó cổ vũ và thu hút các sinh viên nữ hướng tới lựa chọn công việc thuộc ngành nghề này; Khuyến khích phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực CNTT. Đảm bảo bình đẳng giới với trung bình 30% phụ nữ làm lãnh đạo trên toàn cầu và Xây dựng một chương trình phát triển nghề nghiệp đa dạng cho các nhân tài trẻ tại Microsoft. Bao gồm thực tập sinh và chương trình MACH (Microsoft Academy for College Hires); các nhà lãnh đạo tương lai của Microsoft.

Theo cnet.com, nữ giới làm việc trong lĩnh vực CNTT chỉ chiếm 30% và đặc biệt thiếu vắng vai trò lãnh đạo. Trong khi cuộc cách mạng 4.0 - thời kì của sự đột phá trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ thì phụ nữ sẽ là nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực và không tương xứng với tiềm năng của họ. Chính vì những lí do đó, Microsoft đã triển khai nhiều chiến dịch để thúc đẩy nhận thức của công chúng về sự bình đẳng giới trong nghề nghiệp và khuyến khích phụ nữ tham gia vào các ngành nghề mang định kiến là chỉ dành cho đàn ông như CNTT, giúp họ đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ trên toàn cầu.

Được biết tại Việt Nam, Microsoft cùng với Trung  tâm Giáo dục Phát triển (CED) triển khai chương trình học bổng Microsoft YouthSpark, thường niên trao học bổng cho 80 nữ sinh đam mê và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mơ ước của mình trong lĩnh vực CNTT và khoa học máy tính. Sinh viên được lựa chọn sẽ được nhận học bổng trị giá 600 USD.

Trong năm học 2016-2017, CED cộng tác với 8 trường Đại học (ĐH) để trao học bổng này, gồm: ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ, ĐH Khoa học – ĐH Huế, ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH CNTT - ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Lễ trao học bổng Microsoft YouthSpark cho 14 nữ sinh viên của ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP. HCM tháng 1/2017 (Ảnh: uit.edu.vn)

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, các em nữ sinh còn được cung cấp các cơ hội định hướng nghề nghiệp, cải thiện ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cùng các chuyên gia là các CEO, chuyên gia công nghệ từ Microsoft và các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, giúp các em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trong ngành Khoa học Máy tính và CNTT.

Microsoft cũng thực hiện một cổng điện tử trực tuyến tại www.makewhatsnext.com để chia sẻ các tài liệu về khoa học máy tính cho các bạn nữ, bao gồm cả giáo trình mới cho giảng viên, phụ huynh, các bạn trẻ hoặc bất kỳ ai muốn tổ chức sự kiện DigiGirlz và các câu chuyện thành công tạo cảm hứng, nhờ  sử dụng công nghệ từ các phụ nữ trẻ trên khắp thế giới.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh nhấn mạnh: “Microsoft tin rằng phụ nữ cũng có thể làm được và thậm chí là làm tốt vai trò của mình trong mảng CNTT không hề thua kém nam giới. Tại khu vực Châu Á hay chính tại Việt Nam, tiềm năng và nhu cầu trong mảng Công nghệ dành cho nữ giới đã và vẫn đang tiếp tục phát triển, tạo nên tác động tích cực cho xã hội”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Cần khuyến khích phụ nữ tham gia lĩnh vực CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO