Cần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi mạnh mẽ hình ảnh của đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải cách chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Qua các kỳ Đại hội, các Nghị quyết của Đảng đều tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng với các chính sách chung và chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong hàng chục năm qua, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên lực lượng này chưa thực sự dẫn dắt được nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn… còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.
Tuy đã phát triển rất nhanh và phát triển ở nhiều ngành nghề nhưng do xuất phát điểm thấp, do điều kiện hoàn cảnh chung của cả nền kinh tế, loại hình kinh tế tư nhân nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế. Việc phát triển doanh nghiệp trong loại hình kinh tế tư nhân những năm qua, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn còn mang nặng tính hình thức, phát triển bề rộng, chưa chú trọng đến chất lượng và bề sâu. Có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ được hình thành mỗi năm thực chất là từ các hộ gia đình dẫn đến kết quả số lượng đơn vị thành lập thì nhiều, nhưng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu ổn định, tính bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao.
Do tiếp cận nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn nên việc mở rộng sản xuất kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế dẫn đến năng suất lao động và năng lực sản xuất còn thấp. Mặt khác, thành phần chủ yếu của khu vực tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể nên vẫn yếu thế trong cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả xuất khẩu sang thị trường nước ngoài và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém, người lao động phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc chỉ được đào tạo chứng chỉ ngắn hạn nên tiếp cận tiến bộ khoa học không dễ dàng. Trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn thấp. Đa số các chủ doanh nghiệp trưởng thành từ thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm qua bạn hàng. Chính vì quản lý và điều hành dựa vào kinh nghiệm được tích lũy, chưa qua đào tạo và không có bằng cấp chuyên môn nên thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa có được chiến lược kinh doanh đúng nghĩa.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong phát triển kinh tế tư nhân, trong thới gian tới nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của các chủ thể kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các hợp đồng mua sắm công theo quy định của pháp luật đấu thầu về ưu đãi cho các gói thầu quy mô nhỏ.
Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cần đổi mới tư duy trước bối cảnh mới. Việc ký kết các hiệp định thương mại buộc các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ chấp nhận tuân thủ luật chơi mà phải tích lũy đủ cả tiềm lực và năng lực. Tư duy toàn cầu và tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt lên một tầm cao mới. Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần phải xây dựng mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường.