Cần tỉnh táo khi bình luận trên mạng xã hội

Trần Quỳnh| 01/08/2017 11:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời phong kiến thực dân, người dân Việt Nam bị mất quyền dân chủ. Từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến nay, quyền dân chủ của người dân Việt Nam đã được bảo đảm và ngày càng mở rộng hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp, quyền dân chủ đang bị lạm dụng.

Cậu bé chơi violon bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Nguồn: FB

Gần đây, báo chí - truyền thông ngày càng phát triển theo kịp xu hướng toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội đã chắp thêm cánh cho báo chí - truyền thông phát triển. Chính các trang mạng xã hội đã tham gia khá tích cực, làm cho chức năng giám sát, phản biện xã hội; tạo dư luận và định hướng dư luận xã hội ngày càng được phát huy; góp phần làm cho đời sống xã hội càng thêm dân chủ và cởi mở.

Tuy nhiên, gần đây, một số vụ việc xảy ra trong xã hội, mặc dù rất nhỏ, nhưng nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều người tham gia bình luận, tranh luận đúng - sai, trong đó có không ít bình luận thiếu thiện chí, cố tình nói sai bản chất sự việc hoặc lái sự việc đi theo hướng khác, thậm chí nhiều người còn lợi dụng vụ việc để công kích chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mâu thuẫn, chia rẽ và tạo tâm lý hoài nghi trong xã hội.

Gần đây là vụ việc tối ngày 28/7, một thiếu niên 15 tuổi biểu diễn trên phố đi bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Khi phát hiện cháu có biểu hiện nhận tiền của khách du lịch, lực lượng chức năng đã nhắc nhở và yêu cầu cháu dừng hành vi nhận tiền, chứ không cấm biểu diễn cống hiến cho cộng đồng. Ngay lập tức bố của cậu thiếu niên và bản thân cậu thiếu niên đã phản ứng tiêu cực (có phần thái quá) đối với lực lượng chức năng. Sau đó, mẹ của cậu thiếu niên đã đăng status trên facebook cá nhân chê bai, công kích lực lượng chức năng. Lập tức, cộng đồng mạng đã thi nhau chia sẻ, nhảy vào bình luận, trong đó có rất nhiều “anh hùng bàn phím” chưa hiểu đầu đuôi sự việc đã công kích, chửi bới lực lượng chức năng và “nói kháy” chế độ; so sánh chế độ này với chế độ khác, nền văn hóa này với nền văn hóa khác, nền dân chủ này với nền dân chủ khác, v.v…

Trước dư luận này, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm và ngành Văn hóa - Thể thao Tp. Hà Nội đã khẳng định: Việc biểu diễn chỉ có thể được thực hiện khi có sự chấp thuận của Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố. Đặc biệt, không cho phép các hoạt động biểu diễn có thu (hoặc nhận) tiền của khách du lịch. Quy định này nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn chất lượng các hoạt động biểu diễn ở một không gian văn hóa mang tính đặc trưng là phố đi bộ. Ở nhiều nước trên thế giới, các hoạt động văn hóa như thế này cũng đều phải xin phép cơ quan quản lý, thậm chí phải qua “sát hạch” hoặc “thi tuyển” để bảo đảm chất lượng chương trình biểu diễn...

Hai ngày sau, cũng chính người mẹ của cậu thiếu niên đã lại đăng lời xin lỗi lực lượng chức năng vì đã nhận thức được vấn đề. Hành động xin lỗi của người mẹ là một cách ứng xử văn minh trong một xã hội văn minh, sự việc nên dừng lại ở đó khi bản thân những người trong cuộc đã hiểu, chia sẻ và thông cảm với nhau. Nhưng điều đáng nói là nhiều người thiếu hiểu biết hoặc nhiều đối tượng xấu cố tình núp dưới chiêu bài dân chủ vẫn tiếp tục chia sẻ bài viết cũ của người mẹ này và không dừng lại việc bình luận một cách phiến diện, thiếu thiện chí.

Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương thực hành dân chủ và mở rộng dân chủ trong xã hội. Nhưng dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, phép nước; tự do nhất là tự do trong khuôn khổ của pháp luật. Một xã hội văn minh là chấp nhận cả những sự khác biệt, trong đó có khác biệt về tranh luận và đóng góp ý kiến, nhưng phải trên tinh thần xây dựng, văn hóa, văn minh, vì mục tiêu làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Điều quan trọng là mỗi người cần phải biết kiểm soát cảm xúc và tỉnh táo khi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần tỉnh táo khi bình luận trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO