THỊ TRƯỜNG THTT: CẠNH TRANH GAY GẮT, NGƯỜI SỬ DỤNG DỊCH VỤ THỰC SỰ ĐÃ HƯỞNG LỢI?
Khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) - Bộ Công thương cho thấy, truyền hình trả tiền (THTT) là một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu khá cao. Năm 2011, tổng doanh thu thị trường thu khá cao. Năm 2011, tổng doanh thu thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đạt 2 tỷ USD, sau đó tăng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2012. Đây cũng là thị trường có tốc độ phát triển nhanh đạt mức bình quân 7,3%/năm trong vòng 15 năm, riêng trong thời gian từ 2011 - 2013 tốc độ phát triển đạt 20 - 25%/năm. Với kết quả này, Cục Quản lý cạnh tranh đánh giá, thị trường truyền hình trả tiền có quy mô phát triển lớn, tốc độ phát triển nhanh và tiềm ẩn nhiều quy mô cạnh tranh không lành mạnh.
Riêng trong nhóm cung cấp thuê bao tới người xem, nếu tính thị phần theo doanh thu thì SCTV đang dẫn đầu thị trường với thị phần tăng từ 22% năm 2010 lên 32% năm 2011 và năm 2012 đã đạt 40%. Đứng vị trí thứ hai là VTVcab với thị phần tăng mạnh từ 19% năm 2011 lên 30% vào năm 2013, đứng thứ ba là Trung tâm Truyền hình cáp của Đài Truyền hình TP. HCM với thị phần đạt 15% vào năm 2012 (Hình 1).
Từ kết quả này, cho thấy SCTV đang là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Việc VTV giữ tới hơn 70% thị phần tại các doanh nghiệp do VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn là VTVcab, SCTV và K , đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò khống chế thị trường của VTV. Sự tồn tại các doanh nghiệp có thị phần thống lĩnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh trong các thỏa thuận, hợp đồng cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng, có các hành vi cản trở sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp khác. Số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) công bố trong Sách Trắng về Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam năm 2013, ghi nhận sự sụt giảm của gần một nửa nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chỉ sau một năm. Năm 2011, cả nước có 47 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trên, đến năm 2012 con số này chỉ còn 27.
Đánh giá của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho thấy, hệ thống THTT ở Việt Nam thực sự phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ (cả về nội dung chương trình, công nghệ truyền dẫn) nhưng chưa toàn diện nhất là chất lượng hệ thống mạng kỹ thuật và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ THTT ở Việt Nam hiện nay chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực chăm sóc khách hàng trong đó việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng mạng và công nghệ truyền dẫn chất lượng tín hiệu đến khách hàng giữ vai trò quan trọng nhất.
Năm 2013, sau hàng loạt công tác chuẩn bị và khảo sát thị trường, vượt qua các thủ tục pháp lý phức tạp, với lợi thế của mình, vào tháng 4/2013 Viettel chính thức được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (THC). Theo cam kết, trong vòng 12 tháng từ khi được cấp phép nếu Viettel chưa thể chính thức cung cấp dịch vụ thì sẽ bị phạt 30 tỉ đồng.
Từ 1/4/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp theo cam kết với Bộ TTTT. Chi tiết cước thuê bao vẫn chưa được tiết lộ nhưng các chuyên gia trong giới đều cho rằng giá sẽ rẻ, theo đúng chiến lược phổ cập hàng hóa, nhắm đến nhóm khách hàng bình dân mà tập đoàn vẫn theo đuổi. Các chuyên gia dự đoán mức giá có thể nằm trong khoảng 30.000¬40.000 đồng/tháng. Nếu điều này thành hiện thực, Viettel sẽ thuộc nhóm doanh nghiệp cung cấp truyền hình trả tiền rẻ nhất. Hiện tại, cước thuê bao tháng của AVG là 33.000 đồng/tháng, rẻ nhất thị trường. VTC cho biết có thể thiết kế gói khoảng 30.000 đồng. Điều này có khả năng tạo ra sức ép cạnh tranh từ truyền hình giá rẻ lên các nhà đài hiện tại.
Tương tự như vậy, FPT Telecom được cấp phép dịch vụ THC vào tháng 8/2013. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, nguồn lực của FPT chắc chắn không thể bằng Viettel. Nhưng cái đáng lo nhất là triết lý kinh doanh của nhóm FPT Telecom và FPT Online là hầu như ít chịu đầu tư để gặt hái lâu dài.
Với VNPT, năm 2014 có thể VNPT sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ THTT. Hiện nay, MyTV của VNPT đã phát triển được hơn 500.000 thuê bao nhưng chỉ được xem là dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet, hay còn gọi là IPTV.
Xét về lợi thế cạnh tranh, khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ THC thì mức cước rẻ sẽ là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này nếu muốn thâm nhập nhanh vào thị trường còn bỏ ngỏ- thị trường nông thôn. AVG cũng đã cung cấp gói Cơ bản 33.000 đồng/tháng nhưng rõ ràng doanh nghiệp này đã không thể làm nên chuyện vì tiềm lực cũng như phương thức kinh doanh, truyền thông không đủ mạnh để tạo sóng trên thị trường. Với việc thâu tóm đến 70% thị phần THTT hiện nay, các doanh nghiệp THTT thuộc "họ" VTV sẽ phải đối mặt với làn sóng giá thấp của Viettel. Một lợi thế của Viettel hay VNPT so với các hãng THTT khác là họ có mạng lưới bán hàng rộng khắp và thuần thục, đã nhiều năm biết "chiều" khách, nhiều kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường viễn thông và Interrnet.
Chưa biết các doanh nghiệp viễn thông (DNVT) tham gia vào thị trường THTT sẽ thành công như thế nào nhưng điều trước tiên là người sử dụng dịch vụ (khách hàng) được hưởng lợi. Bản thân VTVCab cũng đã phải triển khai thực hiện chiêu thức kinh doanh mà trước đây họ chưa từng làm ngoài việc tăng giá gói cước như: miễn phí thuê bao suốt đời cho TV thứ 2-4, tặng phí hòa mạng, tặng đầu thu HD, phối hợp với tặng quà cho khách hàng đăng ký hoặc lắp đặt mới, lắp đặt thêm tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành...
VSTV đã công bố chiến lược kinh doanh mới, hạ giá thuê bao cùng đầu thu, đồng thời tối giản các gói thuê bao về còn 2 gói cơ bản. Cụ thể, từ 9 mức cước áp dụng cho 3 gói kênh khác nhau (Access , Premium và HD ), VSTV đã gộp lại còn Access và PremiumHD với 2 mức cước lần lượt 85.000 đồng và 220.000 đồng. Ngoài ra, đại diện nhà đài cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh các mùa sau (VSTV đang có bản quyền phát sóng mùa 2013-2016. VSTV (đơn vị sở hữu thương hiệu truyền hình số vệ tinh K ) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nhà đài cần ưu tiên việc cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như nội dung bên cạnh việc chạy đua giá mới có thể cạnh tranh trên thị trường.
Gần đây, một số nhà đài đã cùng nhau kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông để đặt mức giá sàn đối với dịch vụ truyền hình trả tiền. Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản để làm việc với Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này để nhằm chống cạnh tranh không bình đẳng. Tuy nhiên, quan điểm này gặp phải phản ứng mạnh của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khi Vinatas cho rằng áp giá sàn sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng; ngăn cơ hội để khách hàng tiếp cận với các dịch vụ giá rẻ, có chất lượng đảm bảo.
Theo Cục QLCT, khảo sát từ phía người tiêu dùng cho thấy, thị trường THTT đã xuất hiện các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp thông qua các kênh chương trình tự sản xuất và báo chí để nói xấu đối thủ. Hoặc một số doanh nghiệp dựa vào sức mạnh thống lĩnh thị trường đã "ép“ các nhà cung cấp kênh nội dung phải ký hợp đồng độc quyền. Những hành vi này có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì cần khảo sát và đánh giá kỹ hơn, tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một hiện tượng gây bức xúc cho người dân là nhiều doanh nghiệp truyền hình đã móc nối với chủ đầu tư các khu đô thị và căn hộ để độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Hành vi này khiến các doanh nghiệp khác không có cơ hội để tiếp cận khách hàng, còn người dùng không có quyền lựa chọn dịch vụ. Thế nhưng, những hành vi này lại chưa được quy định trong Luật Cạnh tranh. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung vào Luật để bảo đảm quyền lợi người dùng.
Theo Cục QLCT, việc xuất hiện một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường gây quan ngại cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Vì thế, cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý, giám sát hơn nữa để thị trường đang phát triển rất mạnh mẽ này đi vào cạnh tranh lành mạnh. Điều 11, Luật Cạnh tranh quy định: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.
Khảo sát của Cục QLCT cho thấy, năm 2013, trên toàn quốc có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ THTT. Nhưng cơ quan quản lý mới tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu của 8 doanh nghiệp và mới chỉ chấp thuận cho 6 doanh nghiệp. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, trách nhiệm của doanh nghiệp THTT phải cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quyết định 02/2012/QĐ-TTg, các doanh nghiệp có thể đăng ký hợp đồng theo mẫu với Cục Quản lý Cạnh tranh hoặc Sở Công Thương các tỉnh. Theo quy định, những doanh nghiệp truyền hình trả tiền không đăng ký hợp đồng theo mẫu có thể bị xử phạt mức phạt khoảng 50 - 70 triệu đồng, bên cạnh đó có thể áp dụng những hình phạt bổ sung như phạt 10% tổng doanh thu...
Theo Vinastas nhìn nhận, hiện nay chất lượng cung cấp THTT được đáp ứng không tương xứng với mức tăng giá dịch vụ và người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi. Lẽ ra doanh nghiệp truyền hình phải có trách nhiệm đưa ra các thông tin trung thực, đầy đủ, chính xác, an toàn về hàng hóa - thông tin mà họ cung cấp đến người tiêu dùng nhưng trên thực tế, đã xuất hiện những thông tin cung cấp không chính xác ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Trong không ít trường hợp, chính những lợi thế về mặt công nghệ, về phương thức bán hàng... do không được kiểm soát chặt chẽ đã trở thành kẽ hở để kẻ lừa đảo lợi dụng, tiến hành các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Các hành vi này, do đặc tính phát sóng rộng rãi của truyền hình, được phát tán và gây thiệt hại cho rất nhiều người tiêu dùng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định luật pháp, biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa dịch vụ THTT và hoạt động thương mại trên truyền hình nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo Cục QLCT, hoạt động cạnh tranh diễn ra quyết liệt nhất trong việc đàm phán mua bản quyền truyền hình. Cuộc đua ký kết các hợp đồng bản quyền truyền hình, nhất là bản quyền các giải bóng đá quốc tế đang diễn ra ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp cạnh tranh nhau để ký các hợp đồng bản quyền truyền hình, đặc biệt là bản quyền truyền hình phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Đặc biệt, do chi phí mua bản quyền quá lớn khiến giá thuê bao truyền hình trả tiền đã liên tục tăng. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh của các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường. Chắc chắn với sự gia nhập thị trường của VNPT, Viettel và FPT, thị trường truyền hình trả tiền sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Cũng theo Cục QLCT, việc nhận diện các hành vi nguy cơ tiềm ẩn phản cạnh tranh gây nguy hại đến thị trường và lợi ích người tiêu dùng, từ đó không chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực THTT mà còn mở ra cho các doanh nghiệp những phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa dịch vụ của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng.
ThS. Phan Tú Anh
(còn tiếp)