Cao Bằng: Tăng cường bảo mật cho chính quyền điện tử và chính quyền số
Qua việc đầu tư và triển khai các hệ thống bảo mật, tỉnh Cao Bằng không chỉ đảm bảo vận hành ổn định các hệ thống thông tin mà còn góp phần xây dựng môi trường số an toàn, hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số.
Hoàn thành xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ và phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng phát triển, tỉnh Cao Bằng đã triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số. Theo báo cáo tình hình an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 của Cao Bằng, Trung tâm Công nghệ số và truyền thông (Sở TT&TT) cho biết các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của tỉnh được triển khai với 02 hình thức là thuê dịch vụ và đặt tại Trung tâm dữ liệu tỉnh.
Các hệ thống triển khai dưới hình thức thuê dịch vụ bao gồm Cổng thông tin điện tử, Thư điện tử công vụ, Quản lý văn bản và Điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống Báo cáo Kinh tế - Xã hội và Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đây đều là các hệ thống thiết yếu phục vụ việc xây dựng chính quyền số của tỉnh, bảo đảm thông tin được kết nối và chia sẻ thuận tiện giữa các cơ quan và bộ phận.
Trung tâm dữ liệu tỉnh Cao Bằng được trang bị cụm máy chủ phiến (Blade Server) và thiết bị bảo mật Firewall NSA 5600 từ năm 2015, đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho các hệ thống dữ liệu đặt tại đây. Một số hệ thống nổi bật bao gồm Kết nối Chính quyền - Người dân, Truy xuất nguồn gốc, Công chứng - Chứng thực và Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh.
Tỉnh Cao Bằng đã đưa vào sử dụng hệ thống giám sát An toàn thông tin mạng (SOC) theo hình thức thuê dịch vụ, hệ thống này đã được kết nối thành công với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống SOC giúp giám sát, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng, đồng thời đảm bảo kết nối và đồng bộ với hệ thống giám sát quốc gia.
Một số cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được cài đặt các phần mềm phòng chống mã độc đáp ứng Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại, cho phép giám sát, quản trị tập trung, hệ thống SOC được đặt tại trung tâm dữ liệu tỉnh, kết nối, đồng bộ thường xuyên tới hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Các hệ thống thông tin quan trọng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ bảo mật và ban hành phương án ứng cứu sự cố an toàn thông tin, nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Cụ thể, trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ và phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho 12 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Trong số này, có 06 hệ thống thông tin được phân loại ở cấp độ 3, 05 hệ thống ở cấp độ 2 và 01 hệ thống ở cấp độ 1.
Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình phê duyệt cấp độ cho các hệ thống thông tin mà họ quản lý. Một số hồ sơ đề xuất cấp độ từ các đơn vị khác cũng đang được Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu và xem xét để phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tất cả đều tuân theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nỗ lực này không chỉ đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và bảo mật thông tin trên địa bàn tỉnh.
Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quy định về công tác an toàn thông tin mạng
Tỉnh Cao Bằng đã chú trọng giám sát chặt chẽ an toàn thông tin mạng và đạt được những kết quả đáng khích lệ, không có sự cố an ninh mạng nghiêm trọng nào xảy ra trong thời gian qua. Các hệ thống CNTT dùng chung của tỉnh vận hành ổn định, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin tại tỉnh Cao Bằng đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sát từ các cấp lãnh đạo. Qua việc đầu tư và triển khai các hệ thống bảo mật, tỉnh Cao Bằng không chỉ đảm bảo vận hành ổn định các hệ thống thông tin mà còn góp phần xây dựng môi trường số an toàn, hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh Cao Bằng ban hành 26 văn bản chỉ đạo và quy định về công tác an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin. Các văn bản này bao gồm 02 văn bản dự thảo trình tỉnh, 04 kế hoạch, 14 văn bản cảnh báo và 06 văn bản khác, nhằm tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thông tin trên địa bàn.
Một số văn bản tiêu biểu có thể kể đến như Công văn số 573/UBND-VX ngày 14/3/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc tuân thủ các quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin theo cấp độ; Công văn số 881/UBND-VX ngày 16/4/2024 về việc đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 1945/KH-UBND ngày 31/7/2024 nhằm kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng trong năm 2024. Để tăng cường nhận thức và nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin và chuyển đổi IPv6, Kế hoạch số 1452/KH-STTTT ngày 8/8/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã được ban hành với mục tiêu tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi số và bảo mật trên không gian mạng. Vừa qua, Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh Cao Bằng đã ban hành Văn bản số 3981/TBATANM-CAT về tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng.
Theo đó, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh mạng và dữ liệu cá nhân cần được cụ thể hóa. Các cơ quan cần thường xuyên cập nhật và thực hiện các thông báo, cảnh báo về các hình thức tấn công mạng và tội phạm công nghệ cao. Chủ quản các hệ thống thông tin trọng yếu cần kết nối với hệ thống giám sát của Trung tâm An ninh mạng quốc gia để phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố.
Công an tỉnh Cao Bằng sẽ chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các cuộc tấn công mạng và bảo vệ dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.