Truyền thông

Cập nhật Luật Viễn thông để tạo đà cho kinh tế số

Hoàng Anh 15/08/2023 16:02

Sau 13 năm, Luật Viễn thông hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế nhất định chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của đất nước trong đó chưa có các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây.

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành Viễn thông nói riêng. Sau 13 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, đa dạng dịch vụ đã đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Qua quá trình tổng kết, rà soát đã xác định các vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý viễn thông và đã hoàn thiện trong dự thảo Luật.

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; Huy động các thành phần kinh tế có đủ năng lực tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ chuyển đổi số quốc gia; Khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; Bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số...

Dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng; Quy định quản lý việc cung cấp dịch vụ viễn thông (Trong đó có dịch vụ vệ tinh) xuyên biên giới vào Việt Nam theo nguyên tắc nội luật hóa cam kết quốc tế, việc cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới đến người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam…

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) khắc phục bất cập về hình thức cấp giấy phép, điều kiện cấp phép theo hướng phân loại giấy phép, hình thức cấp phép và các điều kiện phù hợp với yêu cầu quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Khuyến khích việc gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, đảm bảo quy định cấp phép chặt đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh; Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thực hiện thanh toán cho các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp trên cơ sở nâng cấp các quy định hiện hành lên Luật và giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết; Tạo thuận lợi cho việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông trên đất công, trụ sở công, công trình công; Bổ sung quy định trách nhiệm của UBND các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông; Bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông bao gồm thêm các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bên cạnh đối tượng đã có là các doanh nghiệp viễn thông; Hoàn thiện quy định tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Đến thời điểm này, việc mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu là cần thiết. Cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như dịch vụ trên nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, dịch vụ vệ tinh… Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cách thức quản lý đối với một số dịch vụ mới và quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, khách hàng.

Thực tế đã cho thấy, dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu đã giúp cho người dân rất nhiều trong việc trao đổi thông tin mà không phải trả phí. Chính vì vậy cơ quan soạn thảo dự án Luật nên xem xét không nên đưa dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông vào trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và đưa ra các biện pháp quản lý quá chặt chẽ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
    Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật Luật Viễn thông để tạo đà cho kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO