Chuyển đổi số

Câu chuyện người dân Thái Nguyên đi chợ thời 4.0

Hoàng Linh 25/12/2022 08:39

Chợ 4.0 mang lại nhiều tiện ích cho người dân tỉnh Thái Nguyên như giao dịch an toàn hơn, nhanh hơn, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại…

Thái Nguyên hiện có 139 chợ truyền thống trên địa bàn. Theo khảo sát của các ngành chức năng, không chỉ người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao mà cả người dân các đô thị vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt khi đi chợ. Ngoài việc không thuận tiện, thói quen dùng tiền mặt còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất mát lớn, làm hạn chế phát triển thanh toán số trên địa bàn.

Từ thực tế đó, cùng với thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

Thực hiện Kế hoạch trên, tháng 4/2022, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên Nguyễn Xuân Hòa cho biết Sở TT&TT đã phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị thí điểm mô hình Chợ 4.0 tại chợ trung tâm huyện Đại Từ. Đây là khu chợ đầu tiên trên địa bàn Thái Nguyên thí điểm trở thành “khu chợ số” với nền tảng là mobile money - dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng, nhanh chóng.

cho-4.0.jpeg
Người dân thanh toán bằng quét mã QR (Ảnh: TTXVN)

Một số tiện ích chợ 4.0 mang lại gồm: Người dân sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt thông qua ứng dụng hoặc thẻ của ngân hàng, giúp cho quá trình giao dịch an toàn hơn, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt; đồng thời hạn chế việc bị trộm cướp tài sản, tiền giả.

Không những thế, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR, ví điện tử, thẻ tín dụng,... đều an toàn bởi hầu hết chúng được bảo vệ qua hệ thống ngân hàng thông qua vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mã OTP...

Từ mô hình Chợ 4.0 tại chợ trung tâm huyện Đại Từ, Giám đốc Nguyễn Xuân Hoà cho biết Thái Nguyên đã triển khai mở rộng mô hình chợ 4.0 tại 11 chợ truyền thống khác trên địa bàn TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Đại Từ và huyện Phú Lương. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, đơn vị chức năng, chợ 4.0 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên. Theo thống kê, tại 11 chợ đã triển khai, đã có 70% tiểu thương tạo mã QR code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt và 1 nửa trong số đó đã có phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Riêng chợ trung tâm huyện Đại Từ - điểm chợ 4.0 được làm thí điểm đầu tiên, đã có hơn 300 tiểu thương tạo QR code phục vụ thanh toán không tiền mặt, chiếm tỷ lệ 80% tiểu thương trong chợ. Trong đó, có 200 tiểu thương tham gia tích cực, phát sinh 2.900 giao dịch/tháng với dòng tiền khoảng 3,3 tỷ đồng.

Những kết quả đó, Giám đốc Nguyễn Xuân Hoà cho biết đã củng cố niềm tin và khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Sở TT&TT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 20/10/2022 về việc triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

“Đây là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng, hiện thực cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên nhấn mạn.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình chợ 4.0 như: tăng cường tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng các hình thức thanh toán điện tử thuận tiện cho các dịch vụ công ích, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, hộ tịch,... để tạo thói quen cho người dân, đồng thời các đơn vị cung cấp dịch vụ cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích người dân sử dụng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

Giám đốc Nguyễn Xuân Hoà khẳng định: Thái Nguyên kỳ vọng triển khai mô hình chợ 4.0 sẽ từng bước mở ra một kỷ nguyên mới với làn sóng chuyển đổi số cùng các mô hình 4.0 hiện đại như mô hình khu ẩm thực 4.0 hay bãi gửi xe 4.0,... đưa công nghệ số len lỏi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân một cách gần gũi, thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phi tiền mặt, phát triển kinh tế số và xã hội số./.

Bài liên quan
  • Sàn TMĐT tạo bước ngoặt cho hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm OCOP
    Trong thời gian qua, bưu điện các tỉnh, thành phố đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, kết hợp với các sở ban ngành địa phương triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm nâng tầm giá trị chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của các tỉnh/thành phố.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện người dân Thái Nguyên đi chợ thời 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO