Chuyển động ICT

Câu chuyện về Tổng giám đốc Bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ

Quý Minh 13:18 26/11/2023

Benjamin Franklin, người có chân dung in trên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Mỹ, chưa bao giờ là Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là ai?

Nhiều bạn đọc Việt Nam đã biết chân dung của một số vị Tổng thống Hoa Kỳ nổi tiếng được in trên các tờ tiền đô la Mỹ (USD). Tờ 1 USD in hình George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tờ 2 USD in chân dung Thomas Jefferson, người viết bản tuyên ngôn độc lập và sau này là vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ.

Vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 16, Abraham Lincoln, người đã xóa bỏ chế độ nô lệ mang lại tự do cho người Mỹ da đen, được in chân dung trên tờ 5 USD. Ulysses S. Grant, vị tướng lừng danh trong nội chiến nhưng là vị tổng thống thứ 18 gây nhiều tranh cãi của dân Mỹ, được in hình trên tờ 50 USD. Trên tờ 100 USD, tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất của người Mỹ, là chân dung của Benjamin Franklin, còn được gọi thân mật là bác Frank.

to-100-usd.png
Ảnh: AP

Tuy nhiên, thực tế là Benjamin Franklin, người có chân dung in trên tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Mỹ, chưa bao giờ là Tổng thống Hoa Kỳ. Ông là ai? Benjamin Franklin là tổng giám đốc bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ, ông cũng là nhà báo, nhà ngoại giao, nhà khoa học, chính trị gia... là một tài năng kiệt xuất.

Tuổi thơ dữ dội

Benjamin Franklin sinh ngày 17/1/1706 tại Boston. Cha của Franklin muốn ông theo học với các giáo sĩ nhưng chỉ có đủ tiền để cho ông đi học trong hai năm. Ông theo học tại trường Latin Boston nhưng không tốt nghiệp, việc học ở trường đã kết thúc khi ông 10 tuổi, vì lý do gia đình hết tiền. Ông tiếp tục việc học của mình thông qua việc đọc sách. Franklin làm việc cho cha mình một thời gian.

Năm 12 tuổi, ông trở thành người học việc của anh trai James, một thợ in, người đã dạy Benjamin nghề in ấn. Khi Benjamin 15 tuổi, James thành lập The New-England Courant, tờ báo thứ ba được xuất bản ở Boston. Sau nhiều lần gửi bài viết nhưng bị từ chối xuất bản, Franklin đã lấy bút danh là "Silence Dogood", một góa phụ trung niên.

james-franklin.png

Những bức thư của bà Dogood được xuất bản và trở thành chủ đề bàn tán khắp thị trấn. Cả James và các độc giả của báo Courant đều không biết về bí mật phía sau bút danh này. Nhưng rút cục James phát hiện ra phóng viên nổi tiếng chính là em trai mình và James không hài lòng với Benjamin.

Franklin là người ủng hộ quyền tự do ngôn luận ngay từ khi còn nhỏ. Khi anh trai ông bị bỏ tù 3 tuần vào năm 1722 vì xuất bản những tài liệu đối nghịch với thống đốc, Franklin trẻ tuổi đã tiếp quản tờ báo. Franklin dùng bút danh bà Dogood tuyên bố: "Không có tự do tư tưởng thì không thể có cái gọi là trí tuệ và không có tự do công cộng mà không có tự do ngôn luận".

Năm 17 tuổi, Franklin rời bỏ việc học nghề của mình và chuyển đến Philadelphia, tìm kiếm khởi đầu mới ở một thành phố mới. Khi mới đến, Franklin đã làm việc tại một số cửa hàng in ở Philadelphia. Sau một vài tháng, khi Franklin đang làm việc tại một nhà in, Thống đốc bang Pennsylvania, William Keith, đã thuyết phục ông tới London để mua những thiết bị cần thiết cho việc thành lập một tờ báo khác ở Philadelphia.

Tuy nhiên, khi phát hiện ra rằng những lời hứa ủng hộ một tờ báo của Keith là trống rỗng, Franklin đã làm công việc sắp chữ trong một cửa hàng máy in ở London rồi trở lại Philadelphia vào năm 1726 với sự giúp đỡ của Thomas Denham, một thương gia đã thuê ông làm thư ký, nhân viên bán hàng và nhân viên kế toán trong công việc kinh doanh của mình.

Franklin trở thành biên tập viên và nhà in báo thành công ở Philadelphia, thành phố hàng đầu ở các thuộc địa, xuất bản tờ Pennsylvania Gazette ở tuổi 23. Ông trở nên giàu có khi xuất bản cuốn sách này và cuốn Almanack của Poor Richard, được ông viết dưới bút danh "Richard Saunders".

Tổng Giám đốc bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ

Nổi tiếng là một nhà in và nhà xuất bản, Franklin được chính quyền thuộc địa bổ nhiệm làm giám đốc bưu điện của Philadelphia vào năm 1737, giữ chức vụ này cho đến năm 1753, khi ông và William Hunter cùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc bưu điện khu vực Bắc Mỹ thuộc Anh, những người đầu tiên giữ chức vụ này.

Trong thời gian làm Phó Tổng giám đốc bưu điện cho các thuộc địa của Anh và trước đó là Giám đốc bưu điện Philadelphia trong nhiều năm, Franklin đã thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia từ phía bắc và phía đông Pennsylvania, cho đến tận đảo Newfoundland.

Ông cũng tổ chức lại hệ thống kế toán của dịch vụ và cải thiện tốc độ giao hàng giữa Philadelphia, New York và Boston. Đến năm 1761, tính hiệu quả đã mang lại lợi nhuận đầu tiên cho bưu điện thuộc địa của Anh tại các vùng đất này là Hoa Kỳ.

Khi vùng đất New France được nhượng lại cho người Anh theo Hiệp ước Paris năm 1763, tỉnh Quebec của Anh được thành lập trong số đó, và Franklin đã xúc tiến dịch vụ thư tín mở rộng giữa Montreal, Trois-Rivières, thành phố Quebec và New York. Tuy nhiên, sự đồng tình của ông với cuộc nổi dậy trong Cách mạng Mỹ đã khiến ông bị chính quyền Anh quốc sa thải vào ngày 31/1/1774.

Vào ngày 26/7/1775, Quốc hội Lục địa, cơ quan lập pháp của những người dân Hoa Kỳ yêu tự do đấu tranh cho độc lập, chống lại chế độ thuộc địa Anh quốc, đã thành lập Bưu điện Hoa Kỳ và bổ nhiệm Franklin làm Tổng Giám đốc Bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ.

Ông đã làm giám đốc bưu điện trong nhiều thập kỷ khi miền đất Hoa Kỳ là thuộc địa của Anh. Với kinh nghiệm nghề nghiệp sẵn có và tư tưởng tiến bộ ủng hộ cách mạng, ông đương nhiên là sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí này khi Hoa kỳ bắt đầu thời kỳ lập quốc. Hệ thống Bưu điện Hoa Kỳ đã được thành lập từ đó và tiếp tục hoạt động, phát triển cho đến ngày nay.

Tích cực trong các vấn đề cộng đồng

Benjamin Franklin cũng là người đi tiên phong và là hiệu trưởng đầu tiên của Học viện và Cao đẳng Philadelphia, mở cửa vào năm 1751 và sau này trở thành Đại học Pennsylvania. Ông hoạt động tích cực trong các vấn đề cộng đồng và chính trị thuộc địa và nhà nước, cũng như các vấn đề quốc gia và quốc tế.

Cuối những năm 1750, ông bắt đầu tranh luận chống lại chế độ nô lệ, trở thành một người tích cực theo chủ nghĩa bãi nô, đồng thời thúc đẩy giáo dục và sự hội nhập của người Mỹ gốc Phi vào các nền văn hóa xã hội Mỹ. Sau năm 1767, ông cộng tác với tờ Pennsylvania Chronicle, một tờ báo nổi tiếng với quan điểm cách mạng và phê phán các chính sách của Quốc hội và Vương thất Anh.

Ông tổ chức và là thư ký đầu tiên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ và được bầu làm chủ tịch năm 1769. Franklin trở thành anh hùng dân tộc ở Hoa Kỳ với tư cách là đại diện cho một số thuộc địa khi ông dẫn đầu một nỗ lực ở London để yêu cầu Quốc hội Anh bãi bỏ tem thuế.

Là một nhà ngoại giao tài ba, ông được nhiều người ngưỡng mộ với tư cách là đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Pháp và là nhân vật chính trong việc phát triển mối quan hệ Pháp - Mỹ tích cực. Những nỗ lực của ông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo viện trợ của Pháp đối với Cách mạng Mỹ. Từ 1785 - 1788, ông giữ chức Thống đốc bang Pennsylvania.

franklin-2.png

Là một nhà khoa học, ông là một nhân vật quan trọng trong thời kỳ Khai sáng của Mỹ và lịch sử vật lý nhờ các nghiên cứu về điện cũng như lập biểu đồ và đặt tên cho dòng hải lưu Gulf Stream. Là một nhà phát minh, ông được biết đến với cột thu lôi, kính hai tròng, bếp lò Franklin và nhiều thứ khác. Ông thành lập nhiều tổ chức dân sự, bao gồm Công ty Thư viện, sở cứu hỏa đầu tiên của Philadelphia, và Đại học Pennsylvania.

Benjamin Franklin được vinh danh hơn hai thế kỷ sau khi ông qua đời trên tờ 100 USD, các tàu chiến và tên của nhiều thị trấn, quận, trường học, các tổ chức và tập đoàn...

Franklin đã nhiều lần được vinh danh trên tem bưu chính Hoa Kỳ. Ông xuất hiện trên con tem bưu chính đầu tiên của Hoa Kỳ phát hành vào năm 1847. Từ năm 1908 - 1923, Bưu điện Hoa Kỳ đã phát hành một loạt tem bưu chính được gọi là các chủ đề về Washington - Franklin, trong đó Washington và Franklin được miêu tả nhiều lần trong suốt 14 năm.

postmaster-general.jpeg
Benjamin Franklin, Tổng giám đốc bưu điện Hoa Kỳ đầu tiên trên tem bưu chính

Benjamin Franklin, vị Tổng giám đốc Bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ, và George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, là hai nhân vật xuất hiện trên các tem bưu chính Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ người Mỹ đáng chú ý nào khác. Việc chân dung của Benjamin Franklin, một tài năng lỗi lạc, được in trên tờ 100 USD, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất của Hoa kỳ, chứ không phải chân dung của một vị Tổng thống, cũng nói lên một điều thú vị và rất ý nghĩa. Đó là: tài năng có giá trị cao hơn quyền lực.

Không chỉ là Tổng Giám đốc bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ, suốt cả cuộc đời mình, Benjamin Franklin đã hoạt động tích cực với tư cách là một nhà báo, nhà văn, nhà khoa học, nhà phát minh, chính khách, nhà ngoại giao, nhà in, nhà xuất bản, triết gia chính trị, một tài năng trí thức hàng đầu và là một trong những Nhà lập quốc của Hoa Kỳ.

Đặt nền tảng trong việc xác định đặc tính của người Mỹ, Franklin được gọi là "người Mỹ thành đạt nhất trong thời đại của ông và là người có ảnh hưởng nhất trong việc phát minh ra kiểu xã hội mà nước Mỹ sẽ trở thành". Cuộc đời và di sản của ông về thành tựu khoa học và chính trị, cũng như địa vị của ông là một trong những người sáng lập có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ.

Những giá trị tốt đẹp được hình thành từ thời Hoa Kỳ lập quốc, ngày nay vẫn đang được người dân gìn giữ và đấu tranh bảo vệ./.

Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa
    Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng: "Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả".
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • Thủ tướng: "Thần tốc táo bạo" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo
    Thủ tướng đánh giá thời gian qua, đất nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực về sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có vai trò của hoạt động khởi nghiệp.
  • Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng
    Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
  • Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để sớm trở thành công nghiệp xuất bản
    Ngành xuất bản Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết giúp ngành xuất bản phát triển bền vững và tiệm cận với mô hình công nghiệp xuất bản hiện đại.
  • Chuyển đổi số - liều vắc-xin hiệu quả
    Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được kỳ vọng là chiếc "đũa thần" giải quyết bài toán tăng trưởng chậm và năng suất thấp. Ở nhiều quốc gia, đó cũng là công cụ quan trọng để xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực - căn bệnh kinh niên của khu vực công.
Câu chuyện về Tổng giám đốc Bưu điện đầu tiên của Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO