Chuyển động ICT

Việt Nam - Hoa Kỳ công bố loạt thỏa thuận dấu ấn về chất bán dẫn, công nghệ

Anh Minh 11/09/2023 19:21

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hoa Kỳ và Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là không giới hạn.

Ngày 11/9, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham dự "Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và ĐMST".

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành và 14 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của hai nước. Đại diện các DN hai bên đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư; trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Công nghệ và ĐMST; đầu tư sản xuất; dịch vụ tài chính và fintech; thương mại, dịch vụ.

img3648-16944161328501810511039.jpeg
Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và ĐMST. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đều cho rằng sự hiện diện tại hội nghị của lãnh đạo các DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao và ĐMST là minh chứng rõ rệt, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Lãnh đạo các DN công nghệ hàng đầu gặp nhau, tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác

Truyền thông thế giới đã liên tục đưa tin và cập nhật về Hội nghị này. Theo Reuters, các giám đốc điều hành (CEO) của các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ và hàng không đã gặp nhau để tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác kinh doanh trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội, nơi đã chứng kiến những thỏa thuận mới về chất bán dẫn và các công nghệ mới nổi như AI.

Các CEO cấp cao của Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing đã tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và ĐMST.

Về phía Việt Nam, CEO của nhiều công ty, bao gồm nhà sản xuất ô tô điện đã niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq, VinFast, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Tập đoàn FPT, MoMo - ví điện tử lớn nhất đất nước về số lượng người dùng, cũng như VNG, công ty đã nộp đơn xin IPO tại Hoa Kỳ vào tháng 8, đã tham dự sự kiện.

Tổng thống Joe Biden nhắc lại tại cuộc gặp rằng hai nước đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện toán đám mây, chất bán dẫn và ĐMST, trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời nhấn mạnh Việt Nam rất quan trọng đối với nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng.

Công bố nhiều thỏa thuận về chất bán dẫn, AI, đa dạng hóa chuỗi cung ứng

Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố một loạt thỏa thuận về chất bán dẫn, hàng không vũ trụ và cơ sở hạ tầng với các lãnh đạo DN ở Việt Nam. Đây là một phần nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tăng cường hội nhập kinh tế với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng thống Biden đã nhắc đến “giai đoạn mới” trong mối quan hệ giữa hai nước tại cuộc gặp giữa các quan chức và CEO từ Việt Nam cũng như các công ty hàng đầu của Mỹ bao gồm Boeing, Intel và Marvell Technology tại Hà Nội.

Một loạt thỏa thuận công nghệ và hàng không với Việt Nam đã được tiết lộ, đồng thời ca ngợi mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Mỹ với Việt Nam, ca ngợi một “giai đoạn mới” trong mối quan hệ của Washington với Hà Nội và một “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” mới.

Theo đó, Tổng thống Biden kêu gọi các công ty công nghệ và hàng không hàng đầu của Việt Nam và Mỹ bao gồm Boeing, Google, Intel, nhà sản xuất ô tô điện VinFast, Vietnam Airlines và công ty ví điện tử MoMo “xây dựng quan hệ đối tác mới” tại hội nghị thượng đỉnh đổi mới.

Chúng ta cần phát triển và thúc đẩy sự hợp tác của mình”, Tổng thống Hoa Kỳ nói với CEO các DN, đồng thời kêu gọi họ “tiếp tục phát triển”.

img3644-16944161326051620451758.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tham dự "Hội nghị cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và ĐMST" (Ảnh: VGP)

Các công ty công nghệ bao gồm Microsoft và Nvidia đã công bố các chương trình mới nhằm giúp các DN Việt Nam dễ tiếp cận hơn đến các chương trình AI mới nổi. Trong đó, Microsoft lên kế hoạch tạo ra “giải pháp dựa trên AI tổng quát phù hợp với Việt Nam”. Meta Platforms công bố một nỗ lực mới nhằm giúp các DN nhỏ và vừa trong nước sử dụng các công cụ số.

Apple cũng đã mở rộng dấu ấn của mình tại Việt Nam khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Amkor Technology, có trụ sở tại Arizona, xây dựng nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam, Synopsis Inc. và Marvell Technology đều đang nỗ lực thành lập các trung tâm thiết kế chất bán dẫn tại Việt Nam; Nvidia hợp tác với FPT, Viettel, VinGroup về AI. Thỏa thuận trị giá 7,5 tỷ USD giữa Boeing và Vietnam Airlines cho 50 máy bay phản lực 737 Max cũng được công bố.

Ngoài ra, Tổng thống Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy tài trợ cho các dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. SSA Marine Inc đã tuyên bố sẽ hợp tác với Tập đoàn Gemadept của Việt Nam, đề xuất xây dựng một trung tâm cảng và hậu cần trị giá 6,7 tỷ USD ở miền Nam Việt Nam. Australis Aquaculture LLC có trụ sở tại Massachusetts đã ký một biên bản ghi nhớ chi 100 triệu USD để mở rộng hoạt động tại Vịnh Vân Phong.

Những nỗ lực thúc đẩy công nghệ của Tổng thống Biden diễn ra 1 ngày sau khi Hoa Kỳ đạt được “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.

Hoa Kỳ công nhận tiềm năng của Việt Nam trong xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt

Hãng tin CNN cũng đã có bài viết nói về một Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, và rằng các công ty từ Apple đến Intel đang ngày càng tiến sâu hơn vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sử dụng tối đa công suất của nhiều nhà máy ở Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tiếp tục bất chấp suy thoái toàn cầu.

Trong những năm gần đây, thương mại giữa hai nước đã tăng vọt nhờ mối quan hệ đối tác giữa hai bên. Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, nước này đã nhập khẩu gần 127,5 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam vào năm 2022, so với 101,9 tỷ USD năm 2021 và 79,6 tỷ USD năm 2020. Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, tăng từ vị trí thứ 10 hai năm trước đó.

Ngay sau khi Tổng thống Biden đến Việt Nam ngày 10/9, Nhà Trắng đã công bố mối quan hệ đối tác bán dẫn mới. “Hoa Kỳ công nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc đóng vai trò quan trọng xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt”, tuyên bố của Nhà Trắng nói rõ.

Ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng DN Hoa Kỳ - ASEAN, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết, Hoa Kỳ cần một đối tác đáng tin cậy để cung cấp chip và Việt Nam có thể làm được điều đó.

Intel nhìn nhận sự việc theo cách đó. Nhà sản xuất chip có trụ sở tại California đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào một khuôn viên rộng lớn nằm ngay bên ngoài TP. Hồ Chí Minh, nơi mà họ cho biết sẽ là cơ sở thử nghiệm và lắp ráp đơn lẻ lớn nhất trên thế giới.

Ông Osius kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư vào lĩnh vực này khi Washington tăng cường quan hệ với Hà Nội. Ông dự đoán: “Tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đó sẽ tăng lên”, và “Chúng ta sẽ thấy sự tăng tốc khi nói đến hợp tác trong lĩnh vực công nghệ”.

anhhaluc-1694417293062247518263.jpg
Tại hội nghị, đại diện các DN hai bên đã có các trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư (Ảnh:VGP)

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam xác định sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thủ tướng nhắc lại, một trong những trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden là "thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và ĐMST". Như Tổng thống Biden đã phát biểu, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là không có giới hạn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: "Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng ĐMST là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện".

"Trên tinh thần đó, tôi và Ngài Tổng thống đã thống nhất đưa công nghệ, ĐMST và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Tôi đồng tình với Ngài Tổng thống "ĐMST là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta"", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN; Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển chuyển đổi số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, các khu công nghệ cao, các trung tâm ĐMST và trung tâm tài chính; các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ./.

Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Hoa Kỳ công bố loạt thỏa thuận dấu ấn về chất bán dẫn, công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO