"Cây" phóng sự điều tra Đỗ Doãn Hoàng: Tiết lộ thú vị về "Đời cho anh làm giáo"

Lương Hằng (Thực hiện)| 17/06/2021 11:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bảo: bước sang tuổi 47, sau 26 năm cầm bút, 23 năm làm báo chính thức và liên tục trải qua nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam, xuất bản 30 đầu sách và đi vài chục quốc gia trên thế giới với nhiều giải thưởng danh tiếng, anh nghĩ nhiều về những giấc mơ thuở thiếu thời với câu chuyện định hướng nghề nghiệp.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các sinh viên. Ảnh nv cung cấp

Hồi nhỏ, bố cầm roi bắt phải đọc thơ và đọc sách, bố sẵn sàng trừng phạt khi anh nói ngọng, nói lắp hoặc kém cỏi diễn đạt ý mình như cái tuồng "ăn không nên đọi, nói không ra lời". Ở làng, hễ ông nào biết võ là cu cậu đi theo học đủ côn quyền - dẫu là học "chơi chơi" một thuở.

Hoàng bị tật nói ngọng và nói lắp, đến lúc học cấp 2 vẫn chưa "khỏi". Nếu không có đòn roi bắt đọc thơ cổ, theo các cụ Đồ làng học chữ Nho, không có lời dằn dỗi đòi vả vào mồm khi nói lắp, chắc chắn giờ anh không thể giảng dạy khắp cả nước, diễn thuyết trước hàng nghìn người và nói trên Truyền hình không bao giờ cần biên tập hay kịch bản. Nếu không treo trước bàn học khẩu hiệu về đọc "ba vạn cuốn sách và đi hết núi sông trong thiên hạ" được, thì anh cũng khó mà có được nội lực để đi và viết không ngưng nghỉ bao năm ròng.

Và, nếu không có ước mơ thuở thò lò mũi xanh: làm nhà báo và làm thầy giáo, thì bây giờ anh cũng không thể vừa làm vừa giảng dạy "say đắm" với nhiều triết lý HOT đến như thế. Hoàng bảo: tôi hay nghĩ, như là vui cũng như là thở dài "Đời cho làm anh giáo"

Nhân Báo chí Việt Nam 21/6/2021 này, chúng tôi trò chuyện với Đỗ Doãn Hoàng không phải về nghề báo như hàng trăm cuộc trả lời phỏng vấn mà 2 thập niên qua anh đã "bị/được" thực hiện. Mà là về nghề đứng trên bục giảng "chẳng giống ai" của Hoàng

Bất ngờ với lịch giảng dạy trên nhiều tỉnh thành, nhiều ngành nghề và lĩnh vực của chính mình

Cơ duyên nào anh, một nhà báo điều tra lão luyện, 25 năm kinh nghiệm, trải qua nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam và viết tới 30 cuốn sách, lại trở nên gắn bó với bục giảng nhiều như vậy? Giảng/trò chuyện/tập huấn cho các Học viện và Trường Đại học, giảng cho các tập đoàn, các tỉnh thành, các… hãng phim, kênh truyền hình, cho các tổ chức quốc tế. Hình như anh chưa bao giờ có ý định chuyển hẳn sang giảng dạy, mà làm báo và đào tạo báo chí cứ song hành suốt bao năm? Chắc anh có quan điểm riêng gì trong vấn đề này?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thực ra thì câu chuyện giảng dạy của tôi nó kéo dài gần chục năm rồi, khá là lâu và trải qua rất nhiều giai đoạn. Có thể thấy là tôi làm báo cũng có một số cái may mắn từ lúc đầu và tôi có một số thành công nho nhỏ từ khá sớm. Thí dụ, từ lúc tôi học năm thứ 2 Đại học (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thì các thầy cô của tôi vào trong lớp giảng bài, rất hay hỏi: cái lớp Báo viết 13B này có phải là có cậu Đỗ Doãn Hoàng không? Điều đấy làm cho tôi rất tự hào, nó tự hào một cách rất trẻ con thôi. Câu chuyện đó là có thật, cả lớp tôi, giờ hầu hết thành đạt trong nhiều lĩnh vực, bộ ngành, lãnh đạo các tờ báo và nhà xuất bản đều… chứng kiến. Thậm chí trong lớp ấy có người là vợ tôi bây giờ chứng kiến và rất hay nhắc lại. Và có những chuyện rất thú vị, là khi còn chưa tốt nghiệp Đại học, tôi đã xuất bản được tập phóng sự rồi. Đấy là một cái hiện tượng tương đối lạ vào cái thời điểm bấy giờ, và tôi nghĩ bây giờ vẫn là lạ. Đang còn là sinh viên, đi thực tập, tôi đã được người ta mời cho xuất bản được một tập phóng sự tên là "Trần gian còn một thứ nghề". Và cái tập phóng sự ấy xác lập cho tôi một cái tên tuổi nho nhỏ ở trong làng báo: mỗi bài báo in ra tôi nhận về một chỉ vàng. Trên tờ báo Văn nghệ Trẻ, rồi báo Lao Động, báo An ninh Thế giới bấy giờ.

Bấy giờ, tôi viết báo nhiều đến mức có thể sống được bằng nhuận bút và nuôi sống em trai tôi ăn học bằng nhuận bút, đem về cho bố mẹ nữa. Em trai tôi bây giờ là Phó Tổng biên tập một tờ báo của Trung ương. Thậm chí tôi đã mua được một chiếc xe máy từ hồi sinh viên, xe Nhật hẳn hoi. Cứ đi phành phạch chiếc xe máy, đi vào trong kí túc xá, rồi đi viết báo, đi gửi bài tới các toàn soạn. Chiếc xe máy đó giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, tôi không bán và cũng không cho ai. Để tại nhà như một hiện vật bảo tàng.

Tôi kể như vậy để thấy: tôi cũng có một số thành công, và từ đó, các nhà giáo cũng mời tôi chia sẻ kinh nghiệm với thế hệ sau. Bây giờ ở tuổi 45, 46, tôi có kinh nghiệm và có một số vị thế nho nhỏ trong làm báo cũng như trong giảng dạy rồi, tôi lại quay lại mời các nhà báo trẻ giảng dạy cùng với tôi. Thì tôi tin rằng: lúc tôi còn trẻ, các thầy các cô ở trong trường đại học cũng muốn mời một nhà báo có sự hăng hái, có trải nghiệm thực tế đến để truyền đạt và truyền lửa. Chắc là đơn giản vậy thôi.

Hồi đầu, tôi vào một số các trường đại học để nói chuyện nghề nghiệp. Thực sự là chỉ dùng từ ngữ thế thôi, chứ tôi dạy được ai đâu, cả bây giờ cũng thế. Tôi nhớ, đầu tiên tôi vào giảng ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền (trước kia là Phân viện) - nơi mà tôi đã tốt nghiệp năm 1998. Vợ tôi cũng học ở đó, em trai tôi cũng học ở đó, em dâu tôi cũng học ở đó. "Cả nhà" tôi học ở đó, chung thầy chung cô. Cho nên tôi vào đấy rất là thân thương. Sau đó mở rộng ra, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Đại học Văn hóa - Khoa Viết văn Báo chí; các trường Cao đẳng, trung cấp Phát thanh Truyền hình (của VOV, VTV); nhiều trường cả trụ sở chính và các phân hiệu phía Nam cũng mời. Sau đó, tiến tới là 63 tỉnh thành cũng mời tôi đến nói chuyện. Nhiều cơ quan báo chí lớn ở Trung ương mời tôi đến, các trường của Bộ ngành, như trường Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông mời tôi giảng các lớp phóng viên nâng hạng, ở đó tôi được giao lưu sâu với đồng nghiệp thương mến trong cả nước - họ đang hàng ngày hàng giờ tác nghiệp như mình.

Thậm chí sau đấy là Hội Nhà báo Việt Nam đưa tôi vào làm giảng viên kiêm nghiệm/ kiêm chức ở bên đó. Hội Nhà báo còn đưa tôi ra nước ngoài để đào tạo TOT (Trainning Of Trainer) tức là đào tạo giảng viên cao cấp sau đó các giảng viên đó sẽ quay về để đào tạo nâng cao cho các giảng viên khác. Thì tôi nghĩ là mình cứ đi sâu, đi sâu vào trong cái giới đấy, tiến tới là tôi tham gia viết giáo trình báo chí. Vào giữa tháng 5 vừa qua, Tổ chức WCS (Wildlife Conservation Society - một tổ chức bảo tồn lớn trên thế giới có trụ sở ở 60 quốc gia) sau khi "nhờ" tôi viết đã chính thức xuất bản một cái giáo trình về điều tra báo chí bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Và chúng tôi vừa mới xuất bản dưới dạng "Sổ tay báo chí điều tra". Phân tích như vậy để thấy quá trình giảng dạy là một con đường mà tôi cứ tiến từng bước, từng bước một. Sâu dần. Cũng giống như tôi cứ tiến từng bước, từng bước một trên con đường làm báo vậy. Từ chỗ nói chuyện, cho đến giảng dạy chuyên nghiệp hơn, cho đến viết giáo trình, cho đến đào tạo các giảng viên trẻ. Cho đến cầm tay chỉ việc cho các nhóm nhà báo chuyên đề trong cả nước và xuyên biên giới…, trên nhiều lĩnh vực khác nhau: báo chí viết về tôn giáo, về tệ nạn xã hội nguy hiểm, về xử lý khủng hoảng truyền thông và mạng xã hội, về nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, về bảo vệ rừng và các loài hoang thú, về cách hóa trang điều tra và "nghệ thuật" thúc đẩy cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc để tạo hiệu ứng xã hội lớn cho các tác phẩm báo chí...

Tôi nghĩ rằng người làm báo giống như người cầu thủ bóng đá vậy. Lúc trẻ thì làm cầu thủ, lớn lên làm huấn luyện viên. Bởi vì niềm đam mê bóng đá nó vẫn còn trong người đó. Không lẽ lúc không làm cầu thủ nữa thì bỏ toàn bộ sự nghiệp mà mình đam mê cả đời kia đi ư - làm gì có chuyện đó!?. Thứ 2 là kinh nghiệm mình đi đá bóng bao nhiêu năm trước khi rời sân cỏ (ở tuổi 35 - theo thông lệ, đây là tuổi các cầu thủ thường "giải nghệ"), không lẽ lại vứt hết đi. Phí phạm quá. Xã hội cần những những huấn luyện viên có kinh nghiệm đá bóng cũng y như họ cần những cầu thủ xuất sắc đi tiên phong ghi bàn vậy.

Và tôi nghĩ mô hình này là hợp lý chính vì các lẽ trên. Thế nên tôi rất tâm huyết với giảng dạy. Lâu nay, Trung tâm Nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam (VJTC) luôn để cho các tỉnh tự đề xuất mời giảng viên. Thì tôi có một may mắn là được "giơ tay" triệu tập về các tỉnh rất nhiều. Rất vinh dự và cũng rất mệt mỏi, đi từ Hà Nội lên Hà Giang bằng ô tô riêng, bay từ Hà Nội vào Sài Gòn rồi lái xe đi Tây Ninh, Bạc Liêu, Cà Mau để giảng dạy. "Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng", song có một niềm vui không giấu diếm, là: làm nghề mà được đồng nghiệp quý mến, "hút" mình về để họ giao lưu, còn gì sướng bằng. Có một thời điểm mà "thân này ví xẻ làm hai được", tôi không đi xuể. Hội Nhà báo bèn cho 10 tỉnh trong từng khu vực gom các đồng nghiệp quý mến lại, mở một lớp, mời tôi về giao lưu.

Anh là nhà báo đến truyền đạt kinh nghiệm, đến giao lưu với học viên, chứ không giảng theo giáo trình từ A đến B, từ 1 đến 10 của các thầy cô. Vậy anh làm thế nào để các câu chuyện của mình không bị trùng lặp trong nhiều năm?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Ngoài việc nói chuyện nghiệp vụ ra thì có các chuyên đề rất sâu và mang tính khu vực, theo từng thời điểm, thậm chí riêng cho bối cảnh COVID-19 luôn. Ví dụ như vừa rồi, tình trạng buôn người ở trên khu vực biên giới phía Bắc rất nặng nề, nó càng rộ lên khi bên kia biên giới họ đẩy đuổi người cư trú bất hợp pháp về, bao tội phạm buộc phải lộ diện. Ai đi bán mình làm vợ hờ, ai đi bán bào thai, ai trốn truy nã…, tất tật về "tụ nghĩa" ở các chốt biên phòng chống dịch COVID-19 án ngữ mọi nẻo biên thùy. Thì tôi được mời phối hợp với Đại Sứ quán Mỹ, Hội Nhà báo Việt Nam mở một khóa đào tạo rất kỹ cho các nhà báo về kĩ năng điều tra chống lại nạn buôn người. Tôi là giảng viên chính, tôi mời anh bạn thân thiết của tôi, người mà tôi rất ngưỡng mộ: Luật sư Tạ Ngọc Vân -"Anh hùng giải cứu phụ nữ và trẻ em" do Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phong tặng; tôi kết hợp với các chuyên gia của Bộ Công An, Bộ Tư lệnh Biên phòng và Sứ quán Mỹ để cùng tập huấn cho các nhà báo của các tỉnh miền núi phía Bắc mà có biên giới với Trung Quốc. Các đồng nghiệp đến từ Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang. Tất cả nhà báo ở các tỉnh tụ hội bên bờ sông Lô, Thành phố Hà Giang - một tỉnh có đường biên giáp với Trung Quốc và là nơi có nạn buôn người diễn ra rất trầm trọng để học tập và đi thực tế.

Trước đó, chúng tôi cùng với tổ chức Lao động Quốc tế cũng mở một khóa về chống lại nạn buôn người, tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, với sự tham gia của rất nhiều nhà báo hoạt động ở phía Nam và Sài Gòn. Tại khóa học, chuyên gia của các nước lân cận (như Lào) cũng sang. Nhà báo lừng danh nhiều năm làm Giám đốc Truyền thông và Đào tạo cho BBC cũng bay từ Anh tới. Các điều tra viên lão luyện về lĩnh vực chống buôn người của Công an tỉnh Tây Ninh, Giám đốc "Ngôi nhà bình yên" – nơi nhiều năm chăm sóc, hỗ trợ chị em phụ nữ sau khi thoát khỏi các hang ổ buôn người cũng từ Hà Nội đều có mặt. Thậm chí nhiều chị em bị bán làm "vợ chung" của đám đông đàn ông Trung Quốc, bị đánh thuốc mê đưa vào ổ mại dâm tàn độc nhất (nay đã được giải cứu và đứng ra thành lập các nhóm "Tự lập" để giúp đỡ nhau rồi đi khắp nơi tuyên truyền giúp các phụ nữ trẻ tránh xa nanh vuốt của bọn buôn người) cũng có mặt, thoải mái giao lưu, cho "các nhà báo chụp ảnh quay phim rồi đăng phát không cần che mặt"…

Điều đặc biệt, sau những chuyên đề tâm huyết ấy, chúng tôi tổ chức đi điều tra thực địa nghiêm túc, hạ quyết tâm liên kết với nhau thành các nhóm tâm huyết, viết những tác phẩm công phu về lĩnh vực ấy. Sau đó đưa lên truyền thông, đưa lên mạng xã hội. Tham gia những giải thưởng lớn để cùng chung sức chống lại nạn buôn người. Nhà báo lúc ấy, đôi khi, họ đã giống như nhà hoạt động xã hội tử tế vậy. Bởi, ai cũng biết, buôn người, đem lại lợi nhuận kếch sù cho các ông bà trùm xuyên quốc gia, chỉ sau có buôn vũ khí và buôn ma túy.

Quả là, đôi khi, tôi cũng bất ngờ với lịch giảng dạy "khó hình dung" của chính mình (cười).

Làm báo để làm thầy giáo và làm thầy giáo để phục vụ viết báo

Như anh vừa nói: vấn đề là cần có được giáo trình kĩ và hấp dẫn, hữu ích, để tạo ham muốn học hỏi khám phá của học viên. Theo quan sát của tôi, anh luôn làm các phóng sự sâu, dài vài chục kỳ, rồi vận động chính sách để thay đổi hiện thực (thậm chí thay đổi Luật, thậm chí có cả Chỉ thị của Thủ tướng và công văn truyền đạt ý kiến của các Phó Thủ tướng về chủ đề đó) từ các phân tích kiến nghị trong phóng sự của anh và cộng sự. Tiếp đến, anh dùng các kinh nghiệm đó phục vụ giảng dạy theo "chuyên đề" sâu. Có phải, ý anh là: có sự tương hỗ cùng phát triển giữa giảng dạy và làm báo?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đó, quả đúng là chủ trương của tôi, dẫu tôi rất ngại nói ra, vì sợ hiểu lầm là "đại ngôn" quá. Song, nếu bạn hỏi, tôi có thể đưa ra vài chục dẫn chứng về tính lan tỏa, hiệu ứng xã hội của các phóng sự điều tra tôi đã và đang làm. Rồi, từ đó, tôi cho ra đời các chuyên đề giảng dạy ở khắp nhiều địa phương, nhiều tổ chức trong cả nước.

Tôi viết báo, điều tra bảo vệ môi trường đanh thép ở nhiều tỉnh: từ tài nguyên bị đào bới Dưới Lòng Đất như quặng các loại; đến di sản/ tài nguyên quý Trên Mặt Đất bị ăn cắp, tàn phá (như các loại rừng bảo tồn quý, các loài động vật hoang dã quý hiếm); tiếp đến là Bầu Trời bị xâm hại do khí thải trực tiếp; và cuối cùng Mặt Nước bị đầu độc do các nguồn thải sinh hoạt và các nhà máy công nghiệp chưa qua xử lý… Tôi vẫn nói vui, với 4 cụm từ gạch chân kia, chúng tôi điều tra bảo vệ môi trường đủ Thủy - Lục - Không Quân (rồi cả Underground – Dưới lòng đất). Chúng tôi cùng thành lập Diễn đàn các nhà báo Bảo vệ Môi trường. Rồi các tổ chức trong và ngoài nước nhiều lần mời tôi đi châu Phi điều tra về bảo vệ voi, tê giác và nhiều loài hoang dã khác với các nhà báo quốc tế. Sau đó, các tổ chức lại mời tôi điều tra ở Việt Nam hoặc nói lên điều đó với tư cách nhà báo hoặc người tham gia làm bảo tồn. Rồi tôi nhận các giải thưởng về lĩnh vực này, tiếp các VIP quốc tế như Hoàng tử Anh, như Tỷ phú nổi tiếng Richard Branson. Hàng chục tờ báo, kênh truyền hình quốc tế mời tôi làm người dẫn (host)/ nhân vật trải nghiệm hay người trả lời phỏng vấn hoặc… người tổ chức điều tra cho họ.

Từ các hoạt động trên, tôi viết báo, viết sách, diễn thuyết, nói chuyện trên tivi. Và cuối cùng là giảng dạy về các cách mình đã làm. Tôi đi nhiều tỉnh thành, làm việc với nhiều tổ chức, đi liên tiếp các vườn quốc gia, các khu bảo tồn để giảng dạy, để truyền cảm hứng cho những người trẻ và cả nhiều nhà báo về vấn đề điều tra báo chí và bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Tính đến bây giờ thì đã được mời mở vài chục khóa học về chủ đề này ở khắp cả nước, khắp các khu bảo tồn, và ở nhiều tổ chức/ tập đoàn/ trường đại học. Như đã kể ở trên, tôi tham gia viết giáo trình về vấn đề này

Đó là tôi đưa ra một ví dụ cho câu hỏi của bạn, một câu hỏi rất trúng điều mà tôi tâm huyết bấy lâu. Tức là, tôi - thay vì truyền cảm hứng chung chung thì bây giờ đã - tiến đến việc giảng chuyên đề sâu về các lĩnh vực thông qua quá trình dài điều tra thật kĩ, từng ngóc ngách của nó. Bạn có thể hình dung: tôi đi giảng 1 buổi cho 500 Hiệu trưởng/ Hiệu phó các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn một tỉnh. Giảng 1 buổi cho 400 Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã của một tỉnh dưới lời mời của lãnh đạo tỉnh, có phát biểu của lãnh đạo Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy khai mạc và các Giám đốc Sở ngành đến dự. Để trao đổi với họ về cách ứng xử sao cho đúng luật, chuẩn chỉ và hiệu quả với truyền thông và mạng xã hội. Bàn luận với người ta cách đối thoại báo chí làm sao cho khoa học, nhân văn. Làm sao cho kín kẽ, cũng như hỗ trợ họ loại trừ được những phát sinh tiêu cực từ việc ứng xử không đúng với báo chí hoặc bị một số người xưng danh nhà báo song ứng xử chưa đúng. Thậm chí, nhiều công chức địa phương thắc mắc rất nhiều về cách ứng xử nên có với các ảnh hưởng đôi khi quá tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống riêng tư cũng như công việc của họ. Luật An ninh mạng ở Việt Nam ra sao và họ cần sử dụng quy định ở đó để xử lý các vấn đề cá nhân và công việc hằng ngày ra sao... Có những tỉnh tôi "tư vấn" cho họ về các chủ đề trên suốt 20 lớp như vậy mà họ vẫn tiếp tục… mời: thế mới biết, từng lớp, từng cấp ngành, người ta cần các kiến thức chuyên sâu và cụ thể đó đến mức nào.

Triết lý của "thầy giáo" Đỗ Doãn Hoàng là gì?

Tôi thấy rằng giảng dạy đối với tôi là một câu chuyện thú vị và tôi nghĩ nếu mình tự thấy mình đang làm báo theo hướng: phấn đấu để ngòi bút có ích thật sự cho xã hội, thì việc giảng dạy - việc tạo các chuyên đề, việc viết giáo trình, việc truyền cảm hứng cho giới trẻ kia - cũng chính là phương cách để mình tiếp nối slogan/phương châm kể trên! Nói cách khác, việc đứng trên bục giảng của tôi cũng chính là cách tôi đang tiếp tục dùng một "Con Đường"/ một cái Kênh thêm nữa để nỗ lực bày tỏ tâm huyết với cộng đồng. Đó là "tham vọng" của tôi khi tham gia giảng dạy.

Thực tế đã cho tôi thấm thía rằng, giảng dạy và làm báo là hai phần việc tương hỗ "nâng bước" cho nhau. Giảng dạy nó đem lại cho mình một nguồn thu nhập và sự mở rộng các mối quan hệ, khắc phục những khó khăn của nghề báo, nhất là trong những ngày tháng này. Việc "làm anh giáo" đã buộc mình phải đúc kết các vấn đề kinh nghiệm, bài bản hóa tư liệu, đọc giáo trình của nước ngoài, thâu lượm đủ loại kiến thức hỗ trợ. Cũng là một lần mình ôn lại, một lần mình thống kê lại, xúc cảm thêm trên những vấn đề vốn đã tâm huyết và đào sâu mà mình và ê kíp đã làm. Cả hai việc làm báo và giảng dạy, tôi thấy mình còn có ích cho xã hội thì mình còn làm, hết cảm giác đó thì thôi. Tất nhiên, tôi đã trả lời phỏng vấn nhiều lần cái ý này, rằng tôi "tràn ngập cảm xúc hữu ích" như lâu nay, cũng có thể là tôi đang hoang tưởng về "sức mạnh con chữ" (cười).

Khi sinh viên, học viên tự đề xuất và chấm điểm giảng viên

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tiếp trầm ngâm: Ở một số trường đại học/ đơn vị mà tôi tham gia giảng dạy hiện nay, các bạn sinh viên/ học viên được quyền đề xuất hoặc tự lên kế hoạch mời giảng viên nào đến để thuyết trình. Ở các lớp do Hội Nhà báo mở cũng vậy.

Mà khi chúng tôi đi các tỉnh giảng. Thành viên học không chỉ có phóng viên. Có lãnh đạo Hội và các hội viên đa dạng: cán bộ của Đài tỉnh, Báo tỉnh, Ban Công tác chính trị của Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật... Đặc biệt, lực lượng báo chí thường trú hiện nay khá đông đảo. Thế nên, việc chúng tôi đi giảng dạy, nó còn do sự quyết định/ "sáng suốt lựa chọn" của người học. Không phải tôi tự PR rồi xin người ta để đi giảng dạy, không phải một tổ chức nào đó mời tôi đi như là một công việc làm nghề. Mà là một sự lựa chọn rất bài bản và khắt khe.

Thậm chí, học viên phải chấm điểm thầy giáo, tôi thấy điều này ở Việt Nam bây giờ rất cập nhật với quốc tế và rất hay. Lần nào tôi đi dạy ở Hội Nhà báo Việt Nam và ở các tỉnh, Ban Tổ chức cũng phát cho các tờ giấy để nhận xét về chủ đề học, nhận xét về thầy cô giáo, về phương pháp tổ chức, đề xuất chủ đề và giảng viên nào mà họ muốn học trong thời gian tới rồi… chấm điểm cho thầy - cô giáo và cả khóa học đó.

Với tôi, việc "đắt show" cũng là rất mệt mỏi, càng bận thì càng thấy mệt mỏi. Song, đứng ở góc độ tình cảm phải nói là người ta quý mình mới mời mình. Cho nên tôi rất trân trọng những lời mời/ tình cảm như thế. Năm nào tôi cũng nợ rất nhiều những lời mời, ở rất nhiều tỉnh và tôi sẽ cố gắng trả bằng cách là đi công tác, đi du lịch, đi làm các bài điều tra công phu, kết hợp giúp họ những cái buổi nói chuyện/ giao lưu.

Nói vậy, nhưng khi đã "làm anh giáo", kể cả giảng online, bao giờ tôi cũng làm video, làm power point rất cẩn thận, tôi thậm chí còn phỏng vấn nhân vật sẵn để trình chiếu trên lớp học. Thậm chí tôi chuẩn bị những bài báo rất thời sự mà chúng tôi đang làm. Khi tôi giảng dạy có những bài báo chưa đăng được đưa ra phân tích, tiết lộ về bí kíp thực hiện. Sau khóa học hoặc đang khóa học, những bài báo, những video, những bộ phim tài liệu truyền hình bắt đầu mới đăng phát ở trên các báo lớn, trên Đài Truyền hình Việt Nam chẳng hạn. Sau hiệu ứng xã hội ầm ĩ và thay đổi hiện thực hữu ích của nó. Tôi và ban quản lý lớp mới chuyển vụ việc cho các nhóm học viên mà chúng tôi đã kết bạn với nhau. Ví dụ, các bạn xem nhé, vụ việc mà hôm chúng ta đi thực tế, tôi đã đăng báo, vụ việc mà tôi đưa ra làm ví dụ "trình chiếu" trong lớp của các bạn đối tượng ấy, nay đã được xử lý bằng một bản án hình sự. Và đôi khi, nó kết thúc bằng một văn bản của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Chúng tôi share để cho học viên thấy, rằng: người thật việc thật, họ được sống trong cái dòng chảy báo chí ấy. Và cách giảng bài của tôi là mang phong cách của chính tôi.

Tôi vẫn luôn nói với học viên, "anh chị trao đổi với tôi hôm nay, nếu anh chị không thích cách làm việc về nghiệp vụ báo chí của tôi thì anh chị sẽ được một thứ, là nghe chuyện thời sự báo chí Việt Nam và chuyện bếp núc của làng báo điều tra do tôi kể". Tức là gì, tức là tôi cung cấp những câu chuyện thời sự hấp dẫn, tôi cung cấp những câu chuyện quốc tế mà tôi được chứng kiến, tôi là người tham gia.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Chính các học viên lại truyền cảm hứng cho tôi

Tôi vẫn luôn nói tôi có kinh nghiệm ở lĩnh vực phóng sự, phóng sự điều tra và báo chí truyền thông đa phương tiện nói chung. Còn các anh chị có rất nhiều kinh nghiệm ở trong các lĩnh vực khác, giác độ khác và chúng ta đến đây để cùng học hỏi nhau. Nói như thế không phải là xã giao khiêm tốn giả vờ đâu; mà thực sự là tôi học được ở họ rất nhiều. Và khi họ thâu nhận được tình cảm của tôi, tình cảm của một anh thầy - họ hay gọi tôi là anh thầy - thì họ cho tôi rất nhiều đề tài, rất nhiều câu chuyện và rất nhiều lời khuyên. Để tôi làm được thêm những vụ thực sự tâm huyết. Tôi tạm gọi là những vụ lớn, có tác động đến cộng đồng. Đó là cái lợi của việc tôi đi sâu vào giảng dạy và tâm huyết với giảng dạy. Học viên cả nước, nhiều giới ngành, lứa tuổi - đặc biệt là thế hệ sinh viên, thanh niên trẻ - họ không những chỉ cho tôi nhiều tư liệu, phím cho tôi nhiều vụ việc "hay", mà hơn thế, họ còn truyền cảm hứng và nhựa sống cho tôi nữa.

(Bài viết được đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT chào mừng Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
"Cây" phóng sự điều tra Đỗ Doãn Hoàng: Tiết lộ thú vị về "Đời cho anh làm giáo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO