CĐS năm 2023: DN sẽ đầu tư chuyển đổi có trọng điểm hơn

Anh Minh| 10/12/2022 11:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhận thức rõ về lợi ích của chuyển đổi số (CĐS) và xác định sẽ đầu tư để “làm CĐS” trong năm 2023, song doanh nghiệp (DN) cần có lộ trình tổng thể để ưu tiên, chọn lọc trong đầu tư, lưu ý tránh những “cái bẫy” trong CĐS.

DN đã nhận thức rõ về lợi ích của CĐS

Đại dịch COVID-19 đã vô tình thúc đẩy DN triển khai các nền tảng làm việc từ xa để đáp ứng yêu cầu về giãn cách, phòng chống dịch. Cũng từ đó, DN đã có những nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích của số hóa, và cũng hình dung ra CĐS thực sự sẽ đem lại hiệu quả như thế nào. 

Có thể thấy, trong năm vừa qua, các DN đã có những nhận thức rất mới mẻ về CĐS, tập trung mạnh mẽ vào ứng dụng CNTT, đổi mới quy trình vận hành và kinh doanh. 

Trong bài trả lời phỏng vấn nhân ngày CĐS quốc gia 10/10 vừa qua với Tạp chí TT&TT, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định có một tỷ trọng không nhỏ các DN đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động bán hàng, quản lý khách hàng, kênh phân phối hay các nghiệp vụ quản trị. 

Theo bà Hương, cùng với các chính sách và hướng dẫn của Chính phủ về CĐS, cũng như tinh thần Ngày CĐS, cộng đồng DN đã có sự chuyển biến tích cực, rõ ràng về lợi ích của CĐS. Các DN đã nhận thức về sự cần thiết phải CĐS, kết quả mà CĐS mang lại và bước đầu thực hiện CĐS tại DN của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung. 

“Đối với CĐS DN, có lẽ cái được đầu tiên là về nhận thức, nghĩa là các DN đã nhận thức rất tốt về sự cần thiết phải CĐS”, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nói như vậy trong chương trình diễn đàn nhìn lại một năm CĐS quốc gia 2022 mới đây của báo điện tử VOV.

Vấn đề mà DN phải đối mặt hiện nay chính là làm sao xây dựng, áp dụng các bài toán, các giải pháp cụ thể để giúp công cuộc CĐS thành công, và điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như vào chính bản thân mỗi DN.

Nhìn nhận rõ hơn về vấn đề CĐS trong DN cũng như lộ trình triển khai, dưới con mắt của một chuyên gia, ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn CĐS của FPT Digital, cho biết năm vừa qua cho thấy những nỗ lực CĐS của DN được chia thành 2 giai đoạn. 

Trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các DN chủ yếu tập trung vào các giải pháp ứng dụng ngay CNTT, nền tảng số để có thể làm việc trên môi trường trực tuyến. Các nền tảng làm việc từ xa, công nghệ điện toán đám mây đã được nhiều DN ứng dụng. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chứng minh cho các DN thấy cách công nghệ số có thể tăng năng suất đồng thời thúc đẩy đổi mới bằng cách tạo ra sự linh hoạt, nhanh nhẹn và tính di động cần thiết trong trạng thái bình thường mới.

Và giờ đây, bước sang giai đoạn thứ hai, sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, DN nhận rõ lợi ích của việc ứng dụng CNTT và bắt đầu đẩy mạnh, đi tìm các cái giải pháp số hóa tiếp theo. Nhiều DN vẫn đang nhầm lẫn đó chính là CĐS, song thực chất DN chỉ mới số hóa, tập trung vào các khối như văn phòng, tác nghiệp, quy trình và các hệ thống quản trị từ xa. Đây mới chỉ là quá trình số hóa dữ liệu của DN.

CĐS năm 2023: DN sẽ đầu tư chuyển đổi có trọng điểm hơn

FPT Digital dự báo những DN đã tập trung mạnh mẽ vào số hóa trong năm 2022 thì bước sang năm 2023, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm và xây dựng chiến lược CĐS. 

Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, xã hội trong năm mới 2023 sẽ có nhiều thay đổi so với năm 2022. Do tác động của những diễn biến kinh tế và địa chính trị nói chung như khủng hoảng tài chính trên thế giới hay sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, xung đột giữa Nga và Ukraina, trong năm 2023, FPT Digital dự báo các DN sẽ thực hiện thắt chặt đầu tư mạnh hơn. Khó khăn không có nghĩa là không đầu tư, mà DN vẫn phải CĐS bởi không thể nằm ngoài xu thế và bị tụt hậu thì lại càng bỏ lỡ cơ hội. Hướng đầu tư sẽ thiên về liên quan đến việc kiểm soát thông tin và kiểm soát rủi ro.

“Càng trong điều kiện về thắt chặt tài chính thì DN lại càng phải đầu tư chọn lọc, và để đầu tư chọn lọc, hiệu quả, DN phải có chiến lược CĐS tổng thể, từ đó xác định rõ đầu tư khâu nào trước khâu nào sau. Còn nếu không làm chiến lược CĐS thì hoặc là rơi vào cái bẫy “không làm gì”; hoặc là đầu tư sai, làm số hóa theo hình thức dàn trải. Nói cách khác, nếu không có chiến lược tổng thể, DN sẽ dễ sa đà vào chỉ giải quyết những bài toán mà họ nhìn thấy trước mắt", Giám đốc tư vấn CĐS của FPT Digital nói.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, cũng cho rằng từ việc nhận thức được lợi ích của CĐS tới việc triển khai chiến lược một cách đúng đắn sẽ là cả một chặng đường. 

“Tại sao vẫn có nhiều DN có thể đối phó tốt với khủng hoảng trong 2020 - 2022? Bởi vì những thông tin mà họ nắm giữ rất tức thời và có giá trị cao, giúp ra quyết định nhanh hơn và giúp chuẩn bị những kịch bản ứng phó, từ đó vận hành trôi chảy trong giai đoạn khủng hoảng”, ông Ngọc phân tích thêm. Chính vì thế, CĐS có nhiều mục tiêu khác nhau song một trong những lợi ích của việc CĐS là giúp nghiệp phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn và kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Trong quá trình CĐS, DN có thể gặp những tình huống lúng túng, khó khăn trong việc cân đối giữa các mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong chính sách đầu tư. Đối với những khó khăn nội tại này, các đơn vị tư vấn sẽ có thể hỗ trợ DN có những lựa chọn đầu tư đúng đắn, tránh đầu tư bị dàn trải, sai thứ tự ưu tiên. Việc đầu tư dàn trải hoặc sai mục tiêu, sai thứ tự ưu tiên sẽ không đem lại kết quả cho DN và gây tốn kém về nguồn lực và thời gian. Vì thế, các đơn vị tư vấn có thể hỗ trợ DN xây dựng chính sách đầu tư giúp mang lại lợi ích rõ ràng hơn. Đơn vị tư vấn cũng sẽ đo lường các dự báo, kết quả và đưa ra các mức độ, thứ tự ưu tiên trong quá trình đầu tư.

Ngành nào sẽ đẩy mạnh CĐS hơn?

Theo ông Vương Quân Ngọc dự đoán các ngành hoạt động cần sự ứng phó linh hoạt cao sẽ đẩy mạnh CĐS hơn. Ví dụ như các ngành về ngân hàng, tài chính, viễn thông, ngành bán lẻ, ngành sản xuất mà đặc biệt là những ngành gia công thâm dụng lao động. 

Gần đây, một số DN Việt Nam gặp tình trạng thiếu đơn hàng và phải cắt giảm nhiều nhân công. Phân tích từ góc độ CĐS, rất có thể các DN đã chưa linh hoạt trong việc khai thác, đáp ứng nhu cầu thị trường. Và nguyên nhân được dự đoán là do DN thiếu các thông tin hỗ trợ ra quyết định kịp thời. 

"Việc có đủ thông tin, kịp thời và nhanh nhạy sẽ giúp DN tính toán các khả năng lợi nhuận thay đổi cũng như các yếu tố liên quan đến thị trường, đối tác và tình hình xuất nhập khẩu, có thể chấp nhận mức lãi thấp để nhận đơn hàng mới. Nhưng nếu không kịp thời tính toán, DN khó có thể cạnh tranh, dẫn đến mất đơn hàng vào tay đối thủ", ông Ngọc phân tích.

Năm 2023 sẽ đặt ra “đề bài” mới cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số - Ảnh 1.

Ông Vương Quân Ngọc (thứ 2 bên trái) trao đổi tại hội thảo về CĐS DN sản xuất, tháng 11/2022

Quyết định cắt giảm nhân công chỉ mang tính ứng phó tình thế của DN. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, DN cần triển khai CĐS để có thể nâng cao năng suất cũng như có những phản ứng nhanh, thích ứng nhanh với những thay đổi trên thị trường. Như vậy, DN không thể tránh CĐS mà cần tập trung lựa chọn CĐS trọng tâm để tối ưu hơn, tức là cần hình dung được bức tranh chung tổng thể để có thể ra quyết định đầu tư CĐS thích hợp. 

Bức tranh tổng thể sẽ đưa ra tầm nhìn dài hạn, bên cạnh đó thì vẫn phải tập trung vào mục tiêu ngắn hạn và giải quyết các vấn đề cấp bách, tuân thủ một số nguyên tắc trong quản trị như: nguyên tắc về ứng biến linh hoạt, nguyên tắc phát triển nhanh, phát triển bền vững./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CĐS năm 2023: DN sẽ đầu tư chuyển đổi có trọng điểm hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO