CĐS toàn diện, thông suốt
Đầu tiên, theo Bộ trưởng, CĐS thì phải hô. Uỷ ban CĐS các cấp từ Trung ương đến địa phương là người hô, sau cùng là phải đến cấp thấp nhất, tức là cấp gần người dân nhất. Đó là các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), được thành lập ở từng tổ, thôn bản, với nòng cốt là thanh niên, có thể đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Hiện nay đã có 40.000 tổ CNSCĐ được thành lập, đã có 200.000 thành viên. Các tổ công nghệ này đang được đào tạo kỹ năng số. Đây là hướng tiếp cận toàn dân về CĐS để cùng làm.
Tổ CNSCĐ được lấy cảm hứng từ tổ COVID cộng đồng. Bộ TT&TT đã có hướng dẫn hoạt động của các tổ CNSCĐ, đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo và coi đây là nhân tố quyết định thành công, bởi vì chính các tổ CNSCĐ này sẽ tạo ra các công dân số. Công dân số thì tạo ra xã hội số. Xã hội số thì tạo ra nhu cầu số. Nhu cầu số thì tạo ra thị trường số và thị trường số thì tạo ra DN số và từ đó hình thành nền kinh tế số.
Thứ hai, CĐS thì phải dọc, ngang thông suốt. Dọc thông suốt là CĐS của ngành. Các bộ ngành phải CĐS ngành mình thì mới tạo ra CĐS quốc gia. CĐS ngành mà cụ thể là phát triển các nền tảng số ngành được coi là một giải pháp có tính đột phá trong chiến lược CĐS quốc gia Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Công an, ngành Tài chính, ngành Ngân hàng CĐS mạnh mẽ đã tạo ra cú "huých" cho CĐS quốc gia. Rất cần các bộ ngành khác mạnh mẽ hơn nữa để mọi bộ ngành phải cùng vào cuộc thật mạnh mẽ, quyết liệt thì mới có CĐS quốc gia.
Ngang thông suốt là kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT là cơ quan điều phối nhiệm vụ này. Các bộ, ngành, địa phương có vấn đề về liên thông dữ liệu thì liên hệ ngay với Bộ TT&TT. Dữ liệu mà các bộ, ngành, địa phương đang lưu trữ là do phân công của Chính phủ, chỉ có dữ liệu của chính phủ, chứ không có dữ liệu của bộ này hay địa phương kia. Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu là quyền chính phủ, không có cát cứ dữ liệu.
Thứ ba, CĐS thì phải toàn diện. CĐS là chuyển từ cách làm từng phần sang cách làm toàn diện. Ứng dụng CNTT thì có thể chỗ làm chỗ không, cái làm, cái không. Phòng kế toán có thể làm nhưng phòng tổ chức thì chưa làm. Phòng kế toán làm nhưng mới làm kế toán chi phí, mà chưa làm phần khai thuế. Như vậy là trong một tổ chức tồn tại cái trên máy tính, cái trên giấy và cái trong đầu người. Không có cái nào phản ánh toàn diện và cuối cùng bằng giấy theo quy định, làm cho CNTT trở thành gánh nặng tăng thêm, vẫn máy tính và vẫn giấy.
CĐS là toàn diện mọi nơi, mọi chỗ, không còn cái gọi là thuộc người này, người kia. Chỉ có một môi trường số. Mọi việc diễn ra trên môi trường số. Công việc của mỗi người rời máy tính ra là không làm được và chỉ khi này công nghệ số mới phát huy hiệu quả.
Thứ tư, CĐS thì nên có một công thức chung, đó là CĐS phải bằng CNTT + số hóa toàn diện + dữ liệu + đổi mới sáng tạo (ĐMST) + công nghệ số. CĐS thì vẫn phải kế thừa quá khứ là CNTT nhưng mở ra tương lai số hóa toàn diện, đưa mọi hoạt động lên môi trường số, xử lý dữ liệu để tạo ra giá trị mới, dùng công nghệ số để thay đổi cách vận hành.
ĐMST cũng chủ yếu là thay đổi mô hình, thay đổi cách vận hành của một tổ chức, thay đổi cách làm và điều này cơ bản chỉ diễn ra sau khi chúng ta chuyển đổi lên môi trường số. Việt Nam chúng ta thì tính đa dạng vùng miền rất cao. Sự tùy biến theo theo bộ ngành, địa phương là cần thiết, tạo ra sự sáng tạo phong phú và thúc đẩy nhau nhưng vẫn phải dựa trên một công thức tổng quát. Nếu không như vậy, thì sự đa dạng sẽ không dẫn đến một kết quả chung của quốc gia, sẽ chỉ có sự đa dạng mà không có Việt Nam.
Thứ năm, CĐS thì nay các ngành, mọi ngành làm, mọi cấp đều làm, do vậy, phải tránh được các tai nạn. Nhất là các tai nạn về đầu tư mua sắm. Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn lần 1. Trong quý này dựa trên các vấn đề mới phát sinh, Bộ TT&TT sẽ có tiếp một hướng dẫn nữa. Bộ TT&TT cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho sửa Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, để tháo gỡ các khó khăn.
Các dự án CĐS của cơ quan nhà nước (CQNN) sẽ được công bố trên trang web. Một số dự án cơ sở cũng sẽ được công bố. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp (DN) Việt Nam công bố công khai giá bán các sản phẩm, dịch vụ CĐS cho các CQNN và giá này cũng sẽ được cập nhật lên trang web. Các bộ ngành, địa phương tham khảo trang web này của Bộ TT&TT.
Thứ sáu, CĐS muốn thúc đẩy được phải đo lường được. Cái gì mà không đo lường được thì không quản lý được và không thúc đẩy được. Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Uỷ ban CĐS quốc gia đặc biệt quan tâm ban hành các tiêu chí và thực hiện đo lường. Đo lường về CĐS thì phải đo lường tự động, online, tức là phải kết nối vào các hệ thống của các Bộ ngành, địa phương. Rất nhiều số liệu hôm nay công bố là số liệu từ hệ thống báo cáo tự động, không phải từ báo cáo giấy.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Đo lường, giám sát online, cảnh báo kịp thời sẽ góp phần làm thay đổi căn bản quản lý nhà nước. Kết nối online để phục vụ quản lý nhà nước sau này sẽ là một việc bắt buộc đối với các đối tượng quản lý. Trước mắt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS có chỉ thị các CQNN kết nối online để phục vụ công tác giám sát online".
Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Đề án nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi CĐS
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã đề xuất một số nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong năm 2022. Cụ thể, đối với các bộ, ngành, địa phương nói chung cần triển khai dứt điểm các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 về việc ban hành kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về CĐS năm 2022.
Các bộ, ngành, địa phương cũng lựa chọn và công bố các nền tảng số tập trung thúc đẩy trong năm 2022; triển khai hoạt động tổ CNSCĐ hiệu quả; rà soát, đăng ký, phân bổ kinh phí, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư phát triển cho triển khai chuyển đổi số năm 2023; phối hợp với Bộ TT&TT trong việc triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch.
Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp cho triển khai CĐS năm 2023
Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn thí điểm trước ngày 30/8/2022; giao các trường đại học, các cơ sở đào tạo chuyên ngành CNTT nghiên cứu, mở mới hoặc cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế phát triển
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Bộ TT&TT sẽ chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức thực thi CĐS số từ Trung ương đến địa phương; xây dựng, triển khai hệ thống phục vụ theo dõi, kiểm tra thực hiện chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT, bảo đảm đầu tư tập trung, đúng mục tiêu, có hiệu quả./.