Với giải pháp bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị (Condition-Based Maintenance - CBM), cùng với dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực, chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng từ đó được nâng cao.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu
Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đang quản lý hệ thống lưới điện gồm 134 trạm biến áp 110kV, với công suất 7.132 MVA, khoảng 4.000 km đường dây 110kV, 30.000 km đường dây trung áp, 29.775 trạm biến áp phân phối, với tổng công suất 6.757 MVA, cấp điện cho khoảng 4,4 triệu khách hàng.
Nếu như trước đây, hệ thống nguồn, lưới điện được quản lý "trên giấy" – là các hồ sơ, sổ sách công trình hoặc phần mềm chuyên dụng phân tán tại các đơn vị, thì khi thực hiện chuyển đổi số, EVNCPC xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về hệ thống thiết bị nguồn lưới điện cho phần mềm PMIS dùng chung của cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Các trạm biến áp, máy biến áp, hay từng thiết bị "li ti" trên lưới điện như máy cắt, Recloser, LBS, DCL, FCO... đều được cập nhật chính xác thông tin, "hồ sơ lý lịch", lịch sử vận hành trong phần mềm PMIS. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong chuyển đổi số công tác quản lý vận hành lưới điện (QLVHLĐ), đưa lưới điện từ không gian thực vào không gian số.
Ông Phạm Bá Hùng, Trưởng Ban Kỹ thuật EVNCPC cho biết: "Từ năm 2020, EVNCPC đã chuẩn xác danh mục thuộc tính thiết bị của các thiết bị chính trên lưới điện. Trong quý I và quý II/2021, EVNCPC đã triển khai rà soát, cập nhật thông tin, hồ sơ cho nhóm các thiết bị chính này và đến nay cơ bản đã cập nhật đầy đủ thông số chính của các thiết bị chính nêu trên".
Trong các tháng cuối năm 2021, EVNCPC tiếp tục triển khai rà soát, cập nhật thông tin thiết bị cho đường dây, vị trí, dây dẫn, cáp ngầm, cáp lực và hoàn thiện thông tin các thiết bị đã triển khai thực hiện trong quý I và quý II. "Ngoài ra, EVNCPC cũng đang phối hợp với các Tổng công ty trong EVN để thực hiện chuẩn hóa danh mục thiết bị trên phần mềm PMIS để dùng chung trong toàn EVN. Sau khi EVN ban hành danh mục sẽ thực hiện ánh xạ dữ liệu để chuẩn hóa trong toàn EVN", ông Hùng cho biết thêm.
Chấm điểm để "chẩn đoán" sức khỏe và bảo dưỡng thiết bị kịp thời
Sau thời gian thực hiện thí điểm CBM đối với lưới điện thuộc phạm vi quản lý đến tháng 1/2021, EVNCPC đã chính thức triển khai ứng dụng phương pháp bảo dưỡng sửa chữa dựa trên tình trạng vận hành thiết bị (CBM), công tác quản lý vận hành lưới điện được nâng cao cơ bản về chất.
Bảo trì theo CBM được lựa chọn triển khai do có nhiều ưu điểm như: bảo dưỡng kịp thời, giảm tình trạng sự cố gây hư hỏng thiết bị, giảm chi phí thử nghiệm, sửa chữa bão dưỡng định kỳ, hạn chế thời gian cắt điện công tác trên thiết bị từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; tăng hiệu quả cho việc thực hiện sản xuất kinh doanh được giao; giúp rà soát toàn bộ hệ thống và tất cả các tài sản, thiết bị; thay việc bảo trì định kỳ cứng nhắc bằng việc bảo trì linh hoạt, chủ động hơn…
Theo đó, trên cơ sở dữ liệu về hệ thống lưới điện được cập nhật thường xuyên qua chương trình PMIS, các thiết bị điện quan trọng như máy biến áp, máy cắt trong trạm biến áp 110kV được chấm điểm CHI (Condition Health Index - Chỉ số sức khỏe của thiết bị) và phân tích tình trạng vận hành để "chấn đoán bệnh" trong thời gian thực, trên cơ sở đó có biện pháp tăng cường theo dõi trong công tác vận hành, kịp thời điều chỉnh chu kỳ kiểm tra thử nghiệm và có biện pháp bảo dưỡng, xử lý, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Được biết, đến nay, EVNCPC đã thực hiện chấm điểm CHI đối với các thiết bị chính trong 96 TBA 110kV trên tổng số 134 TBA 110 kV toàn Tổng công ty; đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo CBM và đánh giá các hạng mục chính (chuỗi cách điện, nhiệt độ tiếp xúc, điện trở tiếp đất) đối với 83 đường dây 110 kV trên tổng số 257 đường dây 110 kV.
Đối với đường dây và trạm biến áp phân phối, EVNCPC đã thực hiện sửa chữa bảo dưỡng theo CBM đối với các thiết bị chính như MBA, REC, LBS, DCL trung thế, CSV, đường dây trên không, cáp ngầm thuộc 2750 TBA phân phối và 258 cung đoạn đường dây trung thế.
Ông Phạm Bá Hùng, Trưởng Ban Kỹ thuật EVNCPC cho biết: "Để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống dữ liệu PMIS và các ưu điểm của phương pháp CBM, EVNCPC đã xây dựng chức năng cảnh báo CBM và chức năng tổng hợp báo cáo liên quan đến CBM tích hợp trong phần mềm PMIS để cảnh báo theo thời gian thực về tình trạng thiết bị điện, giúp công tác sửa chữa, bảo dưỡng cũng như việc theo dõi, quản lý vận hành lưới điện kịp thời và chính xác hơn".
Thời gian tới, EVNCPC sẽ tiếp tục hoàn thiện cấu hình chu trình CBM đối với thiết bị trong phân hệ CBM trên phần mềm PMIS, hoàn thiện các chức năng cảnh báo, các biểu mẫu báo cáo liên quan đến CBM trên phần mềm và tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các đơn vị quản lý vận hành trực tiếp.
Với hiệu quả trong thực tế, việc ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo phương pháp CBM được ghi nhận góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện. Chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng được nâng cao.