CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Viet Nam'!

Bài: Ngọc Anh - Thiết kế: Hải An| 14/09/2022 16:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành công nghệ, ông Thiều Phương Nam, CEO Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu trong khu vực và thế giới về ứng dụng chuyển đổi số.

Cuối năm 1998, sau khi hoàn thành học vị Tiến sĩ tại Moscow Transport Institude (MTI), ông Thiều Phương Nam về nước và giữ chức vị Giám đốc bán hàng quốc gia tại Intel Việt Nam. Trước khi gia nhập Qualcomm vào năm 2012, ông là Giám đốc điều hành khu vực, nhánh Kinh doanh tổng hợp cho IBM Việt Nam, phụ trách rất nhiều lĩnh vực đầu tư kinh doanh bao gồm dịch vụ tài chính ngân hàng, viễn thông… Ông Thiều Phương Nam tiếp nhận vị trí CEO Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia khi 29 tuổi, trở thành một trong ít những doanh nhân giữ vị trí CEO của tập đoàn nước ngoài.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 1.

Ông đánh giá quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào so với các nước trong khu vực?

Khá khó để so sánh cụ thể nhưng có thể nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chuyển đổi số khá tốt so với khu vực cũng như trên thế giới. Với các chương trình của Chính phủ, công cuộc chuyển đổi số đã diễn ra rất mạnh mẽ ở một số lĩnh vực như chính phủ điện tử, đô thị thông minh, ứng dụng trong các dịch vụ của thành phố thông minh…

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước đi đầu về triển khai ứng dụng công nghệ 5G, một công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng để quá trình chuyển đổi số có thể diễn ra thành công.

Từ góc nhìn của ông, Việt Nam có thế mạnh gì để có thể chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện tại?

Thứ nhất là Chính phủ đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Chính phủ đã đưa ra những chương trình như "Make in Vietnam" hay đặt ra những mục tiêu cho chuyển đổi số tại Việt Nam từ đây đến 2025, tầm nhìn 2030.

Với chương trình này, Chính phủ muốn có nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam đầu tư phát triển những công nghệ gốc và xây dựng sản phẩm công nghệ không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới.

Để chuyển đổi số thành công thì vai trò của startup công nghệ rất quan trọng. Họ có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trong công nghệ nhưng lại thiếu kinh nghiệm hay nguồn vốn để hiện thực hóa những ý tưởng đó. Đó cũng là lý do vì sao Qualcomm có chương trình "Qualcomm Việt Nam Innovation Challenge" với mục đích tìm kiếm những ý tưởng công nghệ mới, giúp các startup công nghệ có thể thực hiện và thương mại hóa ý tưởng của mình.

Lợi thế thứ hai là sự chuyển dịch của các tập đoàn công nghệ lớn về Việt Nam. Có thể nói hệ sinh thái cũng như sự hợp tác giữa các công ty trên toàn cầu với công ty Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Tất cả những điều này giúp cho việc thực hiện chuyển đổi số có nhiều tiến triển tốt.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 2.

Vậy theo ông, Việt Nam có đang gặp khó khăn gì không?

Nguồn lực con người trong mảng công nghệ là một điều mà Việt Nam cần đẩy mạnh hơn để đáp ứng được yêu cầu về lao động trong ngành này. Tôi lấy ví dụ như ở Qualcomm Ấn Độ, họ có tới 10.000 kỹ sư chỉ phụ trách việc thiết kế sản phẩm. Quy mô lao động phải lớn mới có thể kêu gọi được đầu tư, đặc biệt là đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Nhưng nguồn lực chất lượng cao vẫn là một bài toán với Việt Nam, đặc biệt khi lao động Việt Nam không có quá nhiều kinh nghiệm với những công nghệ như IoT hay AI, blockchain… Trong thời gian gần đây, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới có xu hướng chuyển về Việt Nam. Điều này giúp sẽ nâng cao năng lực ngành công nghệ nói chung tại Việt Nam.

Khi Qualcomm mới vào Việt Nam hay khi chúng tôi mở trung tâm R&D đầu tiên tại Hà Nội thì một trong những khó khăn lớn nhất của tập đoàn là tuyển dụng những kỹ sư có năng lực cần thiết cho những ngành mới của công nghệ như AI, di động, robotic…

Tuy nhiên, chính nhờ sự hiện diện của các tập đoàn lớn tại Việt Nam mà năng lực kỹ sư công nghệ tại Việt Nam được nâng cao đáng kể. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để trở thành trung tâm thiết kế phát triển sản phẩm công nghệ không chỉ cho nhu cầu của Việt Nam mà còn xuất khẩu ra thế giới.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 3.

Ông có nhắc đến 5G như một công cụ rất quan trọng để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công. Vậy công nghệ này có thể đem đến lợi ích gì cho Việt Nam?

Trước hết, có thể nói hiện tại, hạ tầng kết nối tại Việt Nam đi đầu trong khu vực và thuộc nhóm khá tốt trên thế giới, đặc biệt là độ phủ về kết nối di động. Hạ tầng 4G của Việt Nam đã có độ phủ khoảng 95% dân số và hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các nhà mạng phủ sóng toàn bộ Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số.

Tuy nhiên, chúng ta cần đưa các dịch vụ, ứng dụng về chuyển đổi số lên hạ tầng cao hơn để đạt được kết quả như kỳ vọng. Với tầm nhìn trong 5 - 10 năm tới, có thể nói công nghệ 5G là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi số thành công.

Tốc độ của công nghệ 5G nhanh gấp 20 - 30 lần công nghệ 4G và độ trễ thấp hơn rất nhiều nên có nhiều ứng dụng hơn trong các lĩnh vực. Chẳng hạn như trong xây dựng giải pháp về nhà máy thông minh, công nghệ 5G được sử dụng cho công nghệ robot hỗ trợ các hoạt động trong nhà máy hay các công nghệ thực tế ảo để thúc đẩy việc trao đổi hiệu quả giữa các công nhân làm việc tại nhà máy và những bộ phận khác.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 4.

Công nghệ 5G đã phát triển tại Việt Nam được hơn 2 năm. Đến thời điểm hiện tại, công nghệ này có đi đúng hướng như Qualcomm kỳ vọng không?

Có thể nói công nghệ 5G phát triển nhanh hơn so với kỳ vọng và dự đoán của chúng tôi. Nếu so sánh với tốc độ chuyển đổi từ công nghệ 3G lên 4G thì tốc độ chuyển đổi từ 4G lên 5G đã nhanh gấp đôi.

Trên thế giới, hiện đã có gần 200 nhà mạng triển khai thương mại 5G trên 70 quốc gia và cũng có hơn 500 thiết bị 5G được thương mại hóa. Việt Nam cũng là một trong những nước thử nghiệm 5G rất sớm.

Từ cuối năm 2019, Nhà nước đã cấp giấy phép thử nghiệm cho các nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone thử nghiệm công nghệ 5G và kết quả rất tốt. Năm ngoái, Qualcomm cùng với Viettel và Ericsson thực hiện công nghệ 5G băng tần cao và cho tốc độ 5G là 4,7Gb/s, một tốc độ kỷ lục tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thử nghiệm 5G thành công.

Dù vậy, sắp tới còn rất nhiều việc phải làm để đưa công nghệ 5G phát triển rộng rãi và trở thành một hạ tầng kết nối quan trọng trong việc chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn các trải nghiệm 5G mới chỉ dừng lại ở những trải nghiệm của người dùng cá nhân.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến 5G chưa được phổ biến rộng rãi trên cả nước và Việt Nam có thể làm gì để khắc phục?

Theo tôi biết, Việt Nam vẫn đang dùng giấy phép thử nghiệm thương mại đối với 5G và chưa chính thức cấp giấy phép thương mại cho các nhà mạng và băng tần cần thiết cho 5G.

Vì vậy, để các nhà mạng có việc triển khai 5G trên diện rộng, việc đầu tiên là cần phải cấp giấy phép thương mại và có băng tần chính thức cho 5G. Một việc khác rất quan trọng để phát triển 5G rộng rãi tại Việt Nam là các mô hình kinh doanh mới.

Qualcomm hiện đang làm việc với các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà mạng và các công ty thiết kế, sản xuất thiết bị 5G để giúp xây dựng chiến lược chung cho sự phát triển 5G tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới và tư vấn về thiết kế hạ tầng 5G phù hợp nhất với Việt Nam.

Gần đây, Qualcomm cũng làm việc với một số nhà mạng để đưa một số ứng dụng mới của 5G vào cuộc sống như cung cấp internet băng rộng đến các gia đình mà không dùng cáp quang.

Chúng tôi đưa vào thử nghiệm xây dựng nhà máy thông minh, trong đó sử dụng xe tự lái, robot vận chuyển dựa trên công nghệ 5G và xây dựng những mô hình, thiết bị bay drone có 5G. Hay trong giáo dục, công nghệ 5G có thể giúp các em học sinh có trải nghiệm học từ xa trên nền tảng 3D.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 5.

Vậy để giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, kế hoạch của Qualcomm trong thời gian tới là gì?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là hỗ trợ hệ sinh thái di động Việt Nam, triển khai những thế hệ di động mới. Đây luôn là mục tiêu quan trọng của Qualcomm trong suốt hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, từ những thế hệ di động đầu tiên cho đến khi bắt đầu mở rộng triển khai 5G.

Vòng đời của mỗi thế hệ di động là gần 10 năm. Vì vậy, trong 10 năm tới, Qualcomm sẽ tập trung mở rộng hệ sinh thái di động để đẩy mạnh ứng dụng 5G cũng như hỗ trợ đưa công nghệ này phủ sóng trên toàn quốc.

Nhiệm vụ thứ hai là hỗ trợ các công ty công nghệ Việt Nam tạo ra các sản phẩm "Make in Vietnam". Từ đó, Việt Nam có thể tự chủ về việc thiết kế xuất các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là sản phẩm ứng dụng 5G, tiến tới mục tiêu đưa được những sản phẩm Make in Vietnam ra thế giới.

Điều này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam đang tiếp nhận xu hướng chuyển dịch của cả hệ sinh thái công nghệ về Việt Nam.

CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Vietnam'! - Ảnh 6.

Và cuối cùng là hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Đây sẽ là nhiệm vụ trọng điểm của Qualcomm trong thời gian tới. Như đã chia sẻ từ lúc đầu, đây là một thách thức lớn của Việt Nam.

Vì vậy, Qualcomm muốn có những đóng góp trong việc xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cho mảng công nghệ.

Thực tế, từ năm 2020 đến nay, 100% kỹ sư làm việc tại Trung tâm R&D của Qualcomm ở Hà Nội là người Việt Nam. Họ không chỉ hỗ trợ khách hàng Việt Nam mà cả khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình với các trường đại học để đưa những khóa học về công nghệ mới vào giảng dạy trong trường để các nguồn lực công nghệ tương lai của Việt Nam gần hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Là một công ty đa quốc gia với hơn 45.000 nhân viên ở 200 quốc gia nhưng tinh thần làm việc Qualcomm luôn là tinh thần của một công ty khởi nghiệp. Ở đây, tất cả ý tưởng mới đều được thực hiện.

Tất nhiên có thể trong 10 ý tưởng chỉ có 2 - 3 cái thành công nhưng tất cả những bạn trẻ làm tại Qualcomm có ý tưởng mới đều được ủng hộ và được hỗ trợ để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Cá nhân tôi thấy đây là một điểm rất mạnh trong văn hóa của Qualcomm.

Có thể nói nhờ văn hóa này mà Qualcomm luôn đi đầu trong việc đưa ra những công nghệ mới và giải quyết những bài toán lớn của thế giới, tạo ra những đột phá. Qualcomm là một môi trường rất phù hợp để các bạn trẻ có đam mê, sáng tạo thực hiện những ý tưởng, mong muốn của mình.

Cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CEO Qualcomm Đông Dương: Chúng tôi muốn hỗ trợ các công ty công nghệ Việt tạo ra các sản phẩm 'Make in Viet Nam'!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO