Chấn chỉnh quảng cáo xuyên biên giới, xử nghiêm vi phạm từ tháng 12/2020

Bình Minh| 01/12/2020 15:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Không những có đề nghị cụ thể đối với các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do mạng lưới quảng cáo (AdNetwork) xuyên biên giới cung cấp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, ngăn chặn các quảng cáo vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Nhận diện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát hoạt động quảng cáo do một số mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp trên môi trường mạng (báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử) như: Google Adsense, MGID, Adchoices...

Kết quả quả rà soát cho thấy, các mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới thực hiện cung cấp quảng cáo trên môi trường mạng theo phương thức phổ biến là dẫn đường link.

Chấn chỉnh quảng cáo xuyên biên giới, xử nghiêm vi phạm từ tháng 12/2020 - Ảnh 1.

Quảng cáo độc hại sẽ bị xử lý trong thời gian tới. Ảnh chụp màn hình từ Laodong.vn

Các đường link quảng cáo này dẫn người tiếp nhận quảng cáo đến trang tin điện tử có nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo như: Quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thần dược, sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, lợi dụng lời nói, hình ảnh được cho là của giáo sư, bác sĩ, tiến sỹ, dược sỹ, bệnh nhân, người nổi tiếng,...Không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo, cấm kinh doanh.

Đặt đường dẫn quảng cáo vi phạm có thể bị phạt tới 50 triệu đồng

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan báo chí có loại hình báo điện tử, tạp chí điện tử có biện pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo do mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp. Đồng thời triển khai các biện pháp kỹ thuật kiểm soát, ngăn chặn các quảng cáo vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, thận trọng trong việc lựa chọn mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới để hợp tác nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Khi thực hiện phát hành quảng cáo do các mạng lưới quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới cung cấp, cần tăng cường công tác kiểm soát nội dung, vị trí, ngôn ngữ quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo do mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp.

Chấn chỉnh quảng cáo xuyên biên giới, xử nghiêm vi phạm từ tháng 12/2020 - Ảnh 2.

Quảng cáo trên môi trường mạng thường quảng cáo vượt quá sự thật. Ảnh chụp màn hình minh họa: Bình Minh

Theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, hoạt động xuất bản có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, các cơ quan chức năng sẽ có thẩm quyền xử phạt các cơ quan báo chí về hành vi "Giới thiệu, quảng bá, đặt đường dẫn trang tin điện tử có nội dung vi phạm quy định pháp luật" với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 8.

Do vậy, từ 1/12/2020 khi Nghị định trên có hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xử lý nghiêm hành vi vi phạm quảng cáo (Adnetwork) xuyên biên giới theo quy định.

Trước đó, theo ý kiến của các chuyên gia từ khâu xây dựng, soạn thảo nghị định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có luật về quảng cáo, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có trách nhiệm, giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Ở một diễn biến liên quan, thời gian qua, các doanh nghiệp xuyên biên giới có nguồn thu rất lớn từ quảng cáo trên mạng xã hội nhưng lại chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế của Việt Nam. Theo ước tính từ ngành Thông tin và Truyền thông, nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Các giao dịch mua bán trên mạng xã hội thực hiện qua thẻ tín dụng, nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này và sẽ chặn trong trường hợp phát hiện vi phạm.

Như vậy, việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đối với dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng từ ngày 1/12 của ngành Thông tin và Truyền thông vừa phòng ngừa, chấn chỉnh được những tác động tiêu cực đến từ các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan ngân hàng, thuế để có thể truy thu một cách hợp lý nguồn thuế từ hoạt động kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh quảng cáo xuyên biên giới, xử nghiêm vi phạm từ tháng 12/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO