Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10- năm 2015 sẽ được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Họp báo Giải thưởng báo chí Quốc gia 2015.
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10- năm 2015, có 1.660 tác phẩm của 169 đơn vị và cá nhân tham dự. Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, trong tổng số 142 tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo, Hội đồng chung khảo đã chọn được 92 tác phẩm để trao giải, trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 40 giải C và 19 giải Khuyến khích.
Dưới đây là nội dung trao đổi của phóng viên Đài TNVN với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10- năm 2015.
PV: Thưa ông, ông nhận định gì về các tác phẩm được trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10- năm 2015?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Những tác phẩm được trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ 10- năm 2015 là những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc và lao động sáng tạo của giới báo chí Việt Nam trong năm qua.
Đây là những tác phẩm phản ánh một cách sống động đời sống chính trị - xã hội của đất nước chúng ta trong năm 2015 là một năm rất đặc biệt, năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 85 năm ngày thành lập Đảng CSVN; 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9... Đặc biệt, năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
Các tác phẩm đoạt giải thể hiện tinh thần lao động, sáng tạo, tinh thần cống hiến của các nhà báo, thể hiện trên các loại hình báo chí. Lần này chúng ta có 11 nhóm loại hình, gồm 1.660 tác phẩm dự giải, 142 tác phẩm vào chung khảo, có 92 tác phẩm được trao giải.
Đặc biệt 8 tác phẩm được trao giải A thật sự là những tác phẩm tiêu biểu, đạt được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của các thành viên hội đồng chung khảo.
PV: Hội đồng giải cũng nhận định là giải có sự đồng đều về chất lượng và không có sự cách biệt quá lớn giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Ông có thể nêu một vài ví dụ cụ thể để minh chứng cho điều này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Điều đáng mừng là lần này không phải chỉ có các cơ quan báo chí Trung ương, có những đơn vị từ trước đến nay thường xuyên đạt giải cao, mà nhiều cơ quan báo chí địa phương cũng có những tác phẩm có chất lượng tốt, được trao giải, trong đó có giải A của Hội nhà báo tỉnh Đồng Nai, giải A của Hội nhà báo tỉnh Nghệ An.
Chúng tôi rất mừng là càng ngày chất lượng giữa các cơ quan báo chí Trung ương và báo chí địa phương tham gia giải báo chí Quốc gia hàng năm càng thu hẹp. Điều này thể hiện tinh thần làm việc, học hỏi của giới báo chí chúng ta hướng tới để xây dựng một nền báo chí ngày càng có chất lượng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta.
PV: Trong 11 loại hình báo chí tham gia giải năm 2015, theo ông loại hình nào có chất lượng tốt nhất?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ rằng báo in vẫn tiếp tục thể hiện được sự nổi trội trong các loại hình báo chí, trong đó tác phẩm được trao giải A ở thể loại Bình luận, xã luận, chuyên luận là những tác phẩm rất tiêu biểu. Cùng với đó là các tác phẩm thuộc thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra cũng là những tác phẩm có thể nói rất công phu. Tôi đọc những tác phẩm đó tôi hình dung ra sức lao động, sự cống hiến của anh em chúng ta phải lăn lộn, phải làm việc với tinh thần dấn thân về nghề thì mới có được những tác phẩm có chất lượng như vậy.
PV: Trong số các tác phẩm đoạt giải, ông đánh giá cao tác phẩm nào?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: 8 tác phẩm được trao giải A đều là những tác phẩm tôi đánh giá cao. Nhưng tác phẩm có ấn tượng với tôi là tác phẩm của nhà báo Vũ Ngọc Hoàng ở thể loại Bình luận, chuyên luận là tác phẩm rất sâu sắc về lý luận và thiết thực với tình hình hiện nay. Đó là một tác phẩm có giá trị về lý luận và thực tiễn, tác giả viết rất sâu sắc và có bản sắc. Tác phẩm thứ hai là loạt bài "Đầu tư cho nông nghiệp" của Liên chi hội nhà báo Báo Nhân dân.
Có hai tác phẩm không được giải A, nhưng tôi đánh giá cao. Đó là loạt 4 bài "An toàn trên mạng xã hội" cũng của báo Nhân dân. Riêng tôi tác phẩm này tôi cho điểm cao nhất trong giải Tin, bài, phản ánh, liên quan đến trách nhiệm của nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội.
Chúng ta hoạt động, làm việc như thế nào trong điều kiện xã hội đang chịu tác động rất mạnh của mạng xã hội và thông tin trên mạng internet. Nhà báo tham gia vào đời sống báo chí và đời sống truyền thông như thế nào để góp phần hạn chế bớt những tác hại của những thông tin không được kiểm soát, bịa đặt, làm bấn loạn xã hội nhà báo phải có trách nhiệm như thế nào. Đây là loạt bài khá hoàn chỉnh.
Một tác phẩm nữa không được giải A nhưng tôi xem thì rất cảm động, đó là tác phẩm "Mẹ ơi con đã về". Đây là tác phẩm truyền hình công phu, nói về câu chuyện của những đứa trẻ sau chiến tranh bị đưa sang Mỹ, bây giờ tìm được quê hương, tìm lại đất nước trở về. Trong niềm xúc động sâu sắc khi nhớ đến mẹ mình (có người còn, người mất). Đây là câu chuyện truyền hình rất cảm động. Trong bối cảnh quan hệ giữa VN và Mỹ đang diễn ra tốt đẹp thì bộ phim này góp phần thúc đẩy quan hệ đó và tôi đánh giá cao tác phẩm này.
PV: Thưa ông, qua 10 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, năm 2015 là năm có số tác phẩm và đơn vị tham gia vào loại nhiều nhất. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm vào chung khảo và được trao giải đều ít hơn. Phải chăng là do chất lượng các tác phẩm không tốt hơn các năm trước, hay do Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia quyết tâm nâng cao chất lượng giải?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ là càng ngày yêu cầu nâng cao chất lượng của giải báo chí quốc gia càng được đặt ở mức độ cao hơn. Điều này cũng làm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tức là có một đề án nâng cao chất lượng của giải Báo chí quốc gia thì điều đó phải được thể hiện trong việc chọn lọc và quyết định trao giải cho tác phẩm nào. Cái đó được thể hiện trong chấm vừa rồi. Việc có nhiều tác phẩm dự thi, nhưng số lượng tác phẩm được trao ít hơn những năm trước đã thể hiện được tinh thần đó, là chúng ta rất đề cao chất lượng và chất lượng quyết định sức sống, cũng như giá trị của giải báo chí quốc gia.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.