Việc sử dụng blockchain tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản (APeJ) sẽ tiếp tục gia tăng.
Một báo cáo do hãng nghiên cứu IDC công bố gần đây cho thấy chi tiêu cho blockchain trong APeJ sẽ đạt gần 523,8 triệu USD vào năm 2019, tăng 83,9% so với mức chi tiêu là 288,8 triệu USD trong năm 2018. Chi tiêu liên quan đến tiền điện tử, như bitcoin, sử dụng blockchain và sổ cái phân tán, không được bao gồm trong báo cáo của IDC.
Đến năm 2022, chi tiêu cho blockchain trong khu vực này dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong 5 năm là 2,4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hai chữ số hàng năm (CAGR) là 77,5%, 70% trong số đó sẽ là từ Trung Quốc. Hầu hết nhu cầu về công nghệ blockchain sẽ xuất phát từ lĩnh vực tài chính (chiếm khoảng một nửa tổng chi tiêu của blockchain trong khu vực trong giai đoạn dự báo).
Chỉ tính riêng trong năm nay, các công ty ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ đầu tư và bảo hiểm sẽ đầu tư 294,8 triệu USD vào công nghệ blockchain, tiếp theo là sản xuất (95 triệu USD), và các dịch vụ bán lẻ và chuyên nghiệp (90,6 triệu USD).
Trong số các ngành công nghiệp, lĩnh vực hạ tầng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong việc áp dụng blockchain, với CAGR 5 năm là 99,6%, tiếp theo là phân phối và dịch vụ với CAGR là 83%.
Về mặt sử dụng, các khoản đầu tư lớn nhất sẽ được thực hiện trong tài chính thương mại và quyết toán giao dịch/sau giao dịch (82,1 triệu USD) và thanh toán xuyên biên giới (79 triệu USD).
“Sau nhiều thử nghiệm, công nghệ này đang bắt đầu xuất hiện trong một loạt các môi trường sản xuất”, ông Simon Piff, Phó Chủ tịch nghiên cứu bảo mật và blockchain tại IDC châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Khi ngành công nghiệp blockchain ngày càng phát triển thì khách hàng càng nhận ra giá trị của công nghệ này. “Khi chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của khái niệm niềm tin số, blockchain là thành phần chính trong việc cung cấp niềm tin này, trên nhiều thị trường, nó cho phép một mức độ tương tác kinh doanh mới mà trước đây bị hạn chế bởi các thách thức về quy trình và phê duyệt”, ông Simon Piff bổ sung thêm.
Cũng theo nghiên cứu của IDC, APeJ sẽ chiếm 18,4% tổng chi tiêu cho blockchain trên toàn thế giới vào năm 2019, sau Mỹ (37,6%) và Tây Âu (23,7%).
Năm 2018, trong thử nghiệm của mình, nhà phân phối trái cây và rau quả Singapore SunMoon Food đã triển khai một nền tảng blockchain cho phép người tiêu dùng và các nhà cung cấp theo dõi nguồn gốc và tình trạng táo Fuji của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình. Điều này đã cho phép SunMoon nắm bắt thông tin theo thời gian thực về việc thực hiện đơn hàng, như số lượng thùng được đóng gói, nguồn gốc táo trong các thùng khác nhau và chất lượng trái cây tại điểm đóng gói.
SunMoon cũng tuyên bố rằng nền tảng dựa trên blockchain của họ sẽ bắt đầu cung cấp các cơ hội tài chính mới, cũng như rút ngắn chu kỳ chuỗi cung ứng từ 60 - 90 ngày thành chỉ còn 24 giờ. Theo giám đốc điều hành của công ty, Roger Chua, tăng tính minh bạch sẽ giảm chi phí liên lạc nội bộ và liên lạc. Ngoài ra, các tranh chấp có thể sẽ được giảm đến mức tối thiểu.
Đầu năm nay, Global eTrade Services có trụ sở tại Singapore cũng ra mắt mạng lưới blockchain thương mại mở để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và các khu vực còn lại của châu Á.