Chìa khoá giúp DN vượt qua “cơn bão hoàn hảo” năm 2023

NK| 27/12/2022 13:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2023 sẽ là một năm với rất nhiều biến động và được cho là một "cơn bão hoàn hảo". Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp (DN) nếu có những sự chuẩn bị kĩ càng, đột phá quyết liệt nhờ biết tận dụng ĐMST (ĐMST)

"Cơn bão hoàn hảo" năm 2023 và xu hướng thay đổi của người dùng

Theo Báo cáo Hệ sinh thái ĐMST Mở Việt Nam 2022, tính đến quý 2/2022, tổng lượng đầu tư cho các công ty khởi nghiệp trên thế giới đạt 250,1 tỷ USD, chứng kiến mức giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng lúc đó tại Việt Nam, 494 triệu USD là tổng số vốn đầu tư được đổ vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Trong bảng xếp hạng mới nhất về ĐMST toàn cầu (GII) 2022 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới - WIPO công bố, Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia và nền kinh tế, giảm 4 bậc so với năm 2021. Về tình hình đầu tư công nghệ tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9%, trong bối cảnh không chắc chắn khi thế giới đang đứng trước tương lai suy thoái.

Năm 2023, được dự kiến là một năm có nhiều biến động tồi tệ diễn ra cùng một lúc, hay nói cách khác là "cơn bão hoàn hảo" của kinh tế thế giới. Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc vận hành Nền tảng kết nối ĐMST mở BambuUP, cụm từ "cơn bão hoàn hảo" lần đầu tiên được sử dụng vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007. 

Với những biến động thế giới tại thời điểm này, nhiều nhà kinh tế đã dự báo rằng, thế giới đang đứng trước một cơn bão hoàn hảo tiếp theo. Nếu như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 - 2008, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều thì hiện nay lại bị ảnh hưởng rất lớn vì đã dấn thân sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. "Chính vì vậy, các DN Việt cần chuẩn bị những kịch bản phù hợp để đối phó", bà Quỳnh cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, mỗi khi có những cuộc khủng hoảng lại xuất hiện những cơ hội, những đột phá lớn. Do đó, nếu DN có những sự chuẩn bị kỹ càng, có những hành động hợp lý, quyết liệt thì sẽ có "con đường màu xanh" đi lên, còn ngược lại sẽ là "con đường màu đỏ" đi xuống. "ĐMST sẽ là cách duy nhất để có "màu xanh" của sự đi lên với DN Việt", bà Quỳnh nhấn mạnh.

Chia sẻ về xu hướng khách hàng và ĐMST trong giai đoạn bình thường mới, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu và Đại diện khu vực miền Bắc của NielsenIQ Việt Nam cho biết, người tiêu dùng thời kỳ hậu đại dịch ở khu vực Đông Nam Á bao gồm những đặc điểm như sau: Chi tiêu thận trọng hơn; Trải nghiệm mới và những ưu tiên cuộc sống mới; Tăng cường mua sắm trên các kênh online.

Để giải quyết vấn đề này, các DN cần đổi mới về trải nghiệm mua sắm. Bởi vì, người tiêu dùng yêu thích những trải nghiệm mua sắm mới, nếu trước COVID-19, họ thường tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh/trải nghiệm trực tiếp thì sau dịch, khách hàng đã dần chuyển sang trải nghiệm trực tuyến hay metaverse. Bên cạnh đó, việc livestream từ chủ yếu phục vụ nhu cầu giải trí giờ đây lại đang trở thành một kênh mua sắm, bán hàng. 

Thống kê của Nielsen cho thấy, tại những nước gần gũi với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, ngày càng có nhiều người dùng mạng xã hội sử dụng livestream như một kênh tiếp thị và mua sắm trực tuyến (online).

Cuối cùng, hành vi khách hàng thay đổi, dẫn tới hành trình mua sắm trở nên phức tạp hơn, kéo theo sự bùng nổ của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Dane Anderson, Phó chủ tịch cấp cao, Nghiên cứu thị trường và dịch vụ quốc tế của Forrester khẳng định, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt ở mảng công nghệ. Nhưng trong những năm gần đây, hiệu suất đầu tư cho công nghệ giảm rõ rệt, trước đây nếu 1 USD giúp tăng 3% hiệu suất nhưng gần đây 1 USD đầu tư vào công nghệ chỉ tăng 1% hiệu suất.

Ông Dane Anderson khẳng định những ứng dụng công nghệ giống nhau, các sàn thương mại điện tử gần như nhau ra đời liên tiếp đã triệt tiêu tăng trưởng. Thực tế đó đặt ra bài toán: Phải làm sao để những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khác biệt.

Ngoài "cơn bão hoàn hảo", theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc và Đồng sáng lập của Vui App by Nano Technologies, startup Việt còn phải đối mặt với "mủa đông gọi vốn" khi thời kỳ "tiền rẻ", đầu tư ô ạt, đang dần chấm dứt.

Việc gọi vốn hay các công tác định giá DN liên quan rất nhiều đến tình trạng thị trường. Hiện nay, tính thanh khoản trên thị trường cũng mất dần và các nhà đầu tư công nghệ đang có những bước cân nhắc. Startup đứng trước áp lực, một là tăng vọt về doanh thu, hai là phải lựa chọn hạ mức định giá.

Dự kiến 2023 sẽ là một năm không dễ dàng với cả startup lẫn nhà đầu tư. Trong đó các công ty B2C (mô hình phục vụ người dùng cuối) sẽ khó gọi vốn hơn B2B (mô hình phục vụ các DN). Bởi vì việc hướng tới cụ thể nhóm người dùng cuối cùng khiến hàng hóa, sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi tính trung thành của khách hàng. Giữ chân khách hàng đã khó nhưng chi phí tìm kiếm và thu hút thêm khách hàng thì ngày càng khó hơn và đắt đỏ.

ĐMST là chìa khoá giúp doanh nghiệp vượt qua “cơn bão hoàn hào” năm 2023 - Ảnh 1.

Dự kiến 2023 sẽ là một năm không dễ dàng với cả startup lẫn nhà đầu tư, trong đó mô hình B2B như Vui App sẽ dễ dàng hơn trong việc gọi vốn so với mô hình B2C.

DN cần thích ứng để phát triển bền vững

Ông Dane Anderson đã đưa ra ba mô hình thay đổi để hướng tới tương lai linh hoạt công nghệ là nền tảng, thực hành và hợp tác. Trong đó, nền tảng ngày càng nhanh hơn, nhỏ hơn, linh hoạt hơn. DN chỉ có thể bổ sung các nền tảng mới để làm cho nền tảng của chúng ta linh hoạt hơn. Các tổ chức cũng cần thực hành hướng đến những giá trị thiết thực. Bên cạnh đó, phải hợp tác với các công ty sáng tạo để thúc đẩy chiến lược công nghệ.

Còn theo đại diện NielsenIQ Việt Nam, trong kỷ nguyên đặc hữu với những nhu cầu khách hàng ngày càng thay đổi và nâng cao, DN cần liên tục cập nhật bản thân theo những xu hướng tiêu dùng mới để duy trì và phát triển vị thế kinh doanh. "Muốn biến các thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hiện tại thành thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh, DN cần xây dựng văn hóa lấy khách hàng làm trọng tâm, xác định rõ tệp khách hàng mục tiêu của mình, đặt mình vào vị trí của họ và giải quyết những vấn đề họ đang gặp phải", bà Hà bày tỏ.

Còn theo bà Quỳnh, 4 ưu tiên hàng đầu mà các DN trên thế giới đã, đang và cần tập trung trong năm 2022 và những năm tiếp sau nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững của DN nói riêng cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung, bao gồm: Biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải khí carbon; Chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài; Củng cố và tăng cường tính hiệu quả của chuỗi giá trị; Chuyển đổi số và gia tăng hàm lượng công nghệ. 

"Tốc độ và tính kiên định trong việc hành động sẽ xác định người chiến thắng trên thị trường, chiến thắng trước bối cảnh bất ổn của kinh tế giới", bà Quỳnh nói.

Để có thể làm rõ hơn về giá trị của ĐMST đối với DN, bà Quỳnh lấy ví dụ về câu chuyện cạnh tranh của BlockBuster và Netflix. Theo đó, mới đây, BlockBuster đã tuyên bố phá sản ở thị trường Mỹ, nhưng cách đây chỉ 1 thập kỉ, BlockBuster là công ty cho thuê băng đĩa hàng đầu ở Mỹ, năm 2005, định giá của công ty lên đến 10 tỷ USD tại thị trường này với hơn 10.000 cửa hàng/máy cho thuê DVD. Nhưng Netflix không phải là "kẻ phá bĩnh" của BlockBuster. 

Thay vào đó, BlockBuster mới là người khiến Netflix lao đao và buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, như đầu tư vào công nghệ…trước khi có được thành công như ngày hôm nay. "Ví dụ này đã cho thấy, trong bất kì khủng hoảng nào cũng có những cơ hội lớn, nhất là những DN nhỏ. Đồng thời, những DN lớn cũng không được phép ngủ quên trên chiến thắng", bà Quỳnh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, theo bà Hương Quỳnh, chỉ ĐMST không sẽ là không đủ mà DN cần có thêm sự kết nối với các nguồn lực bên ngoài. Nếu như năm 2020, đối với các DN. 69% sẽ đến từ các trung tâm R&D nội bộ, 49% đến từ các phòng ban nhưng đến năm 2025, 71% nguồn ĐMST sẽ đến từ việc hợp tác với các phòng lab từ bên ngoài, 44% đến từ việc hợp tác với các công ty startup bên ngoài để đồng sáng tạo giải pháp, sản phẩm. 

Bambuup cũng đã nghiên cứu và thấy rằng, khi ứng dụng ĐMST, DN sẽ tăng từ 3-5 lần tốc độ, năng suất lao động tăng từ 3 lần, và thậm chí giảm 20 -  30% mức đầu tư so với dùng nội bộ và loay hoay phát triển.

Để dẫn chứng, bà Quỳnh đã đưa ra một trường hợp của một Công ty đa quốc gia tìm kiếm giải pháp tài chính chuỗi cung ứng (Supply Chain Finance). Dù đã làm việc với một số đối tác cung cấp dịch vụ tài chính trong 3 năm nhưng không ra được giải pháp. Để rồi, BambuUP đã kết nối để chuyên gia mảng Fintech vào thiết kế toàn bộ dự án, tìm kiếm và lựa chọn giải pháp phù hợp.

Kết quả cho thấy, dự án được thực hiện trong 3 tháng và dự kiến sẽ giúp công ty tăng gấp 10 lần số lượng khách hàng. "Đây là một ví dụ cho thấy, khi hợp tác với các nguồn lực bên ngoài thì sẽ giúp tăng tốc ĐMST và tiết kiệm nguồn lực, chi phí như thế nào", bà Quỳnh khẳng định.

Trong quá trình tham gia tư vấn cho DN về ĐMST, bà Quỳnh đã đúc kết ra 4 không gồm: Không có nhận thức (mindset) đúng đắn kèm theo sự quyết tâm thì không triển khai được; Không có kỹ năng (skill) về ĐMST từ khái niệm tới triển khai thì sẽ không triển khai được; Không có một cấu trúc tổ chức thực hiện phù hợp thì không triển khai được; Không có cách thức thu nhận thông tin ĐMST một cách đa dạng, liên tục và cập nhật nhất thì khi thực hiện sẽ không có hiệu quả./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chìa khoá giúp DN vượt qua “cơn bão hoàn hảo” năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO