Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho môi trường kinh doanh minh bạch
Sáng ngày 27/8/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến các bên nhằm hoàn thiện Dự thảo “Cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh”.
Sự kiện này là một trong các hoạt động của Sáng kiến Liêm chính giữa DN và Chính phủ - GBII do VCCI thực hiện trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy Môi trường Kinh doanh Công bằng ở ASEAN” của UNDP Việt Nam được tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh. Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan Chính phủ, DN và các tổ chức xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng; tạo ra cơ chế vận hành quản lý DN trơn tru, minh bạch và hiệu quả; uy tín, hình ảnh của công ty được cải thiện; quyền lợi của nhà đầu tư và cổ đông được đảm bảo v.v.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, nhấn mạnh “Vừa qua, ngày 15/8 Nghị định 59/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đây được xem là thời điểm phù hợp để DN có những thay đổi trong hành động nhằm ngằn ngừa các rủi ro trong kinh doanh”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI
Thực hiện Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) và cơ chế Kiểm soát nội bộ (KSNB) trong kinh doanh yêu cầu mọi thành viên trong công ty tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình hoạt động của DN cũng như các quy định của luật pháp, đồng thời đề cao các giá trị cốt lõi về tính chính trực, hành vi đạo đức và tinh trách nhiệm mà chính điều này sẽ tạo nên văn hóa DN và thúc đẩy toàn công ty cùng hướng tới một mục tiêu chung đề ra.
Bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện Thường trú, UNDP tại Việt Nam, nhận định: “Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 khuyến khích các DN ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Chúng tôi biết rằng các bộ quy tắc ứng xử đó không giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng sẽ có thể hỗ trợ để giải quyết. Trên thế giới, có rất nhiều công ty đã ban hành các bộ quy tắc này”.
Bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam
Trong thời gian tới, UNDP Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI để hỗ trợ cộng đồng DN áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế KSNB thông qua cung cấp các khóa đào tạo, các bộ công cụ và hỗ trợ kỹ thuật cho những DN có mong muốn triển khai áp dung tại DN.
Đại diện cơ quan tài trợ, ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tiêu chí để đánh giá sự thành công của DN không chỉ dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh mà nó còn được đánh giá dựa trên các yếu tố minh bạch, liêm chính và thực hiện quản trị công ty theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”.
Ông Stephen Taylor, Trưởng Bộ phận Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội
Trong 2 năm qua, Vương quốc Anh đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong quá trình sửa đổi và thi hành Luật chống tham nhũng. Đảm bảo minh bạch, liêm chính và quản trị tốt phù hợp với chuẩn mực quốc tê là chìa khóa thành công của doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và quy trình tuân thủ vững mạnh.
“Vương quốc Anh rất vinh dự được hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các DN nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp cùng với Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và VCCI để thúc đẩy Hành động liêm chính giữa Chính phủ và DN như là một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và DN nhằm xóa bó các rào cản trong kinh doanh, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho tất cả các chủ thể”, ông Stephen Taylor cho biết .
Hiệu quả từ gắn kết giữa cơ chế KSNB và bộ QTƯX
Tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Phương Liên, Chuyên gia tư vấn, Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập (TDI), đã trình bày khuôn khổ chung về cơ chế KSNB tại DN và cẩm nang hướng dẫn áp dụng KSNB. Cẩm nang này được thực hiện bởi: Văn phòng DN vì sự Phát triển bền vững (SDforB) thuộc VCCI; Công ty TDI, và IBLF Global, tổ chức phi chính phủ ở Anh, hoạt động thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ dự án vùng "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN“ do UNDP triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh. Đây cũng là một hoạt động của Sáng kiến Liêm chính giữa DN và Chính phủ- GBII thuộc Đề án 12 - Chương trình Hành động Thúc đẩy Thực hiện Liêm chính trong Kinh doanh của VCCI.
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2019. Đặc biệt, Luật cũng đề cập đến tầm quan trọng của hệ thống KSNB và QTƯX: “Các DN và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng”. Điều này cho thấy các nhà lập pháp đã nhận ra rằng khu vực tư có khả năng áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng song hành với nỗ lực của Chính phủ để xây dựng hệ thống và văn hóa DN dựa trên công bằng và minh bạch.
TS. Vũ Thị Phương Liên, Chuyên gia tư vấn, Công ty TDI
Thông thường, khi công ty phát triển lên thì lợi ích của một hệ thống KSNB cũng trở nên to lớn hơn vì người chủ công ty sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giám sát và kiểm soát các rủi ro này nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm giám sát trực tiếp của bản thân.
Xây dựng kiểm soát nội bộ trong DN không chỉ dừng lại ở phạm vi kiểm soát công tác tài chính kế toán mà còn mở rộng ra phạm vi toàn DN, thỏa mãn 7 yêu cầu, gồm:
- Tiếp cận theo hướng mong đợi vào việc quản trị công ty ở tầm vĩ mô.
- Hướng đến sự toàn cầu hóa của thị trường và hoạt động kinh doanh mở rộng.
- Sự thay đổi trong mô hình kinh doanh phù hợp với biến động của thế giới.
- Đáp ứng nhu cầu, mức độ phức tạp, quy định và các chuẩn mực.
- Tăng các chiến lược cạnh tranh và trách nhiệm giải trình trước xã hội.
- Ứng dụng sự phát triển của công nghệ hiện đại.
- Ngăn ngừa hoặc giảm đi hoặc phát hiện gian lận trong DN.
KSNB đảm bảo tính chính xác của các số liệu kế toán và báo cáo tài chính của công ty; Giảm bớt rủi ro gian lận hoặc trộm cắp đối với công ty do bên thứ ba hoặc nhân viên của công ty gây ra; Giảm bớt rủi ro sai sót không cố ý của nhân viên mà có thể gây tổn hại cho công ty; Giảm bớt rủi ro không tuân thủ chính sách và quy trình kinh doanh của công ty; và Ngăn chặn việc tiếp xúc những rủi ro không cần thiết do quản lý rủi ro chưa đầy đủ.
Đối với những công ty mà có sự tách biệt lớn giữa người quản lý và cổ đông, một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng cao của cổ đông. Xét về điểm này, một hệ thống KSNB vững mạnh là một nhân tố của một hệ thống quản trị DN vững mạnh, và điều này rất quan trọng đối với công ty có nhà đầu tư bên ngoài. Các nhà đầu tư sẽ thường trả giá cao hơn cho những công ty có rủi ro thấp hơn.
Trong khi đó, bộ QTƯX là những nguyên tắc và tiêu chuẩn hành vi được DN thống nhất ban hành sử dụng nhằm đảm bảo thực hiện giá trị cốt lõi của DN, phòng tránh các sai phạm trong đạo đức nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; và thúc đẩy tinh thần kinh doanh công bằng, có trách nhiệm.
Bộ QTƯX giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và giá trị DN; Phát huy Liêm chính và các giá trị cốt lõi để mang lại sự phát triển vững chắc cho DN; Xây dựng niềm tin với đối tác, khách hàng; Xây dựng thương hiệu DN.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có KSNB tốt, có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng và thực thi trên thực tế chính là các công cụ để cải thiện hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Với những DN thành công, liêm chính trong kinh doanh được coi là lợi thế cạnh tranh chứ không phải là ràng buộc kinh doanh.
TS. Vũ Cương, Chuyên gia tư vấn, Công ty TDI, chia sẻ: Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (SDforB) thuộc VCCI đã phối hợp với TDI và Diễn đàn các Nhà lãnh đạo DN quốc tế (IBLF Global), triển khai nghiên cứu "Áp dụng cơ chế KSNB và Bộ QTƯX tại các DN Việt Nam”, nhằm thúc đẩy áp dụng các thông lệ kinh doanh có trách nhiệm.
Báo cáo đánh giá ban đầu tại Việt Nam chỉ ra sự hiểu biết hạn chế về KSNB (IC) và Bộ Quy tắc ứng xử (CoC) trong các DN Việt Nam. Nếu có thì IC và CoC được áp dụng rất hời hợt và không hiệu quả; Thiếu cán bộ chuyên trách được đào tạo tốt (bộ phận pháp chế và kế toán) - vì vậy cấp thiết cần tiến hành những chương trình đào tạo phù hợp; Chưa nhận thức hoặc chưa nhận thức rõ áp lực thị trường.
Tiến sỹ Vũ Cương, Chuyên gia tư vấn, Công ty TDI
Nghiên cứu này cho thấy hầu hết các DN được khảo sát đều đã từng nghe hoặc thảo luận các vấn đề liên quan đến KSNB (70% trên toàn mẫu). Tuy nhiên, nhiều DN chưa hiểu thực sự đúng về KSNB. Chỉ khoảng 60% DN lựa chọn định nghĩa đúng nhất về thuật ngữ KSNB. Khoảng 11,3% người trả lời cho rằng KSNB là công việc của kiểm toán viên nội bộ/ban KSNB và 8% khác tin rằng đó chỉ là hoạt động đảm bảo tính trung thực và đáng tin cậy của báo cáo tài chính.
Trong khuôn khổ chung về bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh và Cẩm nang hướng dẫn áp dụng CoC cho DN. Liên quan đến sứ mệnh và giá trị cốt lõi – là một trong những căn cứ nền tảng để xây dựng và triển khai CoC – thì khảo sát cho thấy, có một mức độ tương đối các DN đã hình thành được sứ mệnh và giá trị cốt lõi . Trong đó chỉ 14% DN trả lời không có sứ mệnh và 11% trả lời không có giá trị cốt lõi.
Nhìn chung, các kết quả khảo sát cho thấy các DN có hệ thống KSNB tốt hơn sẽ có mức độ vi phạm pháp luật thấp hơn. Trong 5 yếu tố của KSNB thì Thông tin - Truyền thông và Giám sát có tác dụng lớn nhất đến việc giảm các hành vi vi phạm. Các số liệu khảo sát cũng chỉ ra rằng các DNNN tuân thủ các quy định pháp luật kém hơn các DN nước ngoài và các DN tư nhân trong nước cùng ngành.
Dừng “ăn xổi” để “bền vững dài hạn”
Thông tin từ nội dung Khảo sát trong Nghiên cứu lần này khuyến nghị các DN cần thay đổi triết lý kinh doanh từ “ăn xổi” sang “bền vững dài hạn”. Điều này đòi hỏi các DN phải xây dựng chiến lược dài hạn trong đó tôn trọng các quy định, chuẩn mực kinh doanh và quy tắc đạo đức. Điều này rất quan trọng đối với các DN để họ nhận ra rằng các hoạt động kinh doanh ngắn hạn, theo kiểu tận dụng cơ hội có thể mang lại “lợi nhuận nhanh” nhưng trong một số trường hợp nhất định, nó cũng tiềm ẩn rủi ro vi phạm pháp luật cao.
Vi phạm pháp luật có thể rất tốn kém, hoặc về phạt chính thức hoặc các khoản chi trả không chính thức. Vi phạm đạo đức cũng có thể gây thiệt hại về uy tín. Những chi phí này, cuối cùng, có thể lớn hơn bất cứ lợi ích nào của chiến lược “ăn xổi”.
Các DN nên xây dựng một cơ chế KSNB phù hợp: Các DN tư nhân nên nghiêm túc cân nhắc việc xây dựng một cơ chế KSNB phù hợp. Hệ thống này cần được thiết kế theo nhu cầu và khả năng của DN. Nhưng quan trọng hơn cả là cần sự cam kết mạnh mẽ của ban lãnh đạo và nhân viên về sự trung thực, đạo đức và thông lệ kinh doanh minh bạch.
Tăng cường nhận thức và hiểu biết của ban lãnh đạo cấp cao nhất của DN. Một tỉ lệ lớn các DN tham gia khảo sát không nhận thức hoặc không hiểu về khái niệm, quy trình và tác động của KSNB/QTƯX tới hoạt động của DN. Nhiều cán bộ quản lý, đặc biệt ở các DN vừa và nhỏ cho rằng hệ thống KSNB tốt cần một khoản đầu tư lớn vượt ra ngoài khả năng và nguồn lực của họ.
Những DN này nên cử ban lãnh đạo tham gia một số khóa tập huấn để hiểu sâu hơn về lợi ích mà KSNB/ QTƯX mang lại và những gì cần phải làm để xây dựng nên một hệ thống KSNB vững mạnh. Các DN có thể lựa chọn tham gia các khóa tập huấn về chủ đề này. Các khóa tập huấn có thể giúp tăng cường hiểu biết nhưng trong một số trường hợp thì hoạt động tư vấn và hỗ trợ cụ thể có thể giúp DN tự xây dựng hệ thống KSNB của riêng mình.
Tuyên truyền và thông tin về các lợi ích của hệ thống KSNB thông qua chuỗi cung ứng: Khuyến khích các DN vừa và lớn đã triển khai thành công hệ thống KSNB có thể tư vấn và khích lệ các đối tác và khách hàng của mình về những lợi ích của hệ thống này. Họ chính là những hình mẫu thực tế tốt cho các DN khác.
Hành động tập thể cùng với các DN khác hướng tới mục tiêu liêm chính: Các DN đơn lẻ có thể thấy khó tuân theo các thông lệ kinh doanh “minh bạch” như không chi trả chi phí không chính thức cho khách hàng hoặc cán bộ thuế. Để khắc phục khó khăn này, các DN cùng ngành hoặc cùng địa bàn có thể cùng đồng thuận thực hiện cơ chế “không hối lộ”. Thực hiện việc này đòi hỏi nỗ lực và cam kết lớn từ các DN dẫn đầu ngành hoặc địa bàn. Nó cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các hiệp hội DN (ví dụ như VCCI) và các cơ quan quản lý nhà nước (như các cơ quan Thuế, Hải quan…).
Phiên thảo luận mở
Tại phiên Thảo luận mở, bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại điện Thường trú, UNDP tại Việt Nam cùng các bên tham gia soạn thảo đã tham vấn ý kiến xây dựng, góp ý của các đại biểu để hoàn thiện Cẩm nang hướng dẫn DN áp dụng cơ chế KSNB và bộ QTƯX - một công cụ hữu hiệu giúp quản trị công ty tốt hơn và tuân thủ quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cẩm nang được kỳ vọng sẽ giúp các nhà quản trị doanh nghiệp, các cổ đông, người góp vốn, thành viên ban kiểm soát, thành viên ban kiểm toán viên nội bộ hiểu đầy đủ về KSNB và QTƯX trong DN theo thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam, giúp DN xây dựng, hoàn thiện và triển khai quy trình kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử một cách hiệu quả.