Đời sống xã hội

Chiêu trò lừa đảo đa cấp: Cạm bẫy từ lãi suất khủng

Hoàng Hà 03/12/2024 09:02

Sau nhiều vụ lừa đảo góp vốn đầu tư bị triệt phá, tháng 11/2024 vụ án tương tự lại xảy ra khi hơn 7.000 người đã chuyển hơn 3.700 tỷ đồng vào công ty GFDI với kỳ vọng nhận "lãi cao không tưởng".

Công ty GFDI và cú lừa đảo đa cấp

Chiều 8/11/2024, hàng trăm người dân từ các tỉnh Đăk Lăk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... đứng kín một góc đường 29 Tháng 3, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, nhìn về phía đối diện là trụ sở công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI. Trong số đó có những người bị mê hoặc trước quảng cáo trả lãi suất 50% mỗi năm, những dự án tỷ đô "làm phim, chứng khoán, bất động sản quốc tế, trang trại nghìn ha" do giám đốc Nguyễn Quang Hoàng rao giảng.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 11/2023 Công ty GFDI tại Đà Nẵng mất khả năng tài chính. Để duy trì hoạt động, Hoàng chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng vay tiền của hàng nghìn người, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước. Đến đầu tháng 11/2024, công ty không thể trả tiền cho 7.541 khách hàng với tổng số dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

1.jpg
Sau khi khởi tố 5 lãnh đạo của Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cũng thực hiện lệnh khám xét tất cả các chi nhánh, cơ sở giao dịch của công ty này trên cả nước.

Thực tế, những dòng người kéo đến đòi tiền các công ty hoạt động kiểu này đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước, trong những vụ án có thủ đoạn giống hệt, được gọi chung là "kế hoạch Ponzi", "lừa đảo đa cấp", hoặc "lừa đảo kim tự tháp".

Ponzi đã đưa ra hứa hẹn rất giống GFDI Đà Nẵng, thậm chí choáng ngợp hơn: 50% lãi trong 90 ngày. Cũng bằng những "dự án bánh vẽ" tầm cỡ quốc tế, chỉ trong một năm, Ponzi đã có hơn 40.000 người xếp hàng đợi góp tiền. Ponzi thu về 20 triệu USD (hơn 300 triệu USD ngày nay).

Hơn 100 năm sau khi Ponzi lĩnh án tù và chết tha hương với số tiền chỉ đủ trả công đào huyệt, bất chấp các cảnh báo liên tục của nhà chức trách khắp thế giới tới công dân của mình về mô hình lừa đảo rất cũ, những "dòng người đi đòi tiền" năm nào cũng lặp lại ở nhiều quốc gia.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) định nghĩa, bẫy Ponzi là mô hình gian lận đầu tư trong đó lợi nhuận được trả cho các nhà đầu tư từ tiền của chính họ, hoặc từ tiền do các nhà đầu tư tiếp theo đóng góp, thay vì từ lợi nhuận tạo ra từ các hoạt động kinh doanh thực sự. Mô hình Ponzi đòi hỏi phải có dòng tiền mới liên tục, vì nó không kiếm được tiền từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Dấu hiệu đầu tiên nhận diện một cái bẫy Ponzi, theo SEC, là lợi nhuận quá cao, hứa hẹn "không có rủi ro".

Trong vụ án GFDI đang được Công an Đà Nẵng điều tra, từ khi thành lập tháng 5/2018, GFDI đã đưa ra miếng mồi là lãi suất tới 5%/tháng, cao hơn mức lãi suất năm của nhiều ngân hàng thời điểm đó. Để tăng hấp dẫn còn tiếp đưa ra các ưu đãi, kèm quà tặng tiền mặt, cho các mức góp vốn tăng dần.

Các chuyên gia cảnh báo người dân khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng phải quan tâm đến mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng (được thiết lập mặt bằng chung cho xã hội và định hướng cho cả thị trường). Việc có những công ty huy động vốn, trả lãi gấp nhiều lần ngân hàng là không thực tế và việc GFDI huy động vốn lãi suất có thời điểm 50% là bất thường.

Cảnh báo để phòng ngừa bẫy độc

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt - vụ lừa đảo đa cấp 68.000 người bị hại, ông trùm Lê Xuân Giang bị cáo buộc đã đặt cho doanh nghiệp cái tên gây nhầm lẫn "BQP" và tự nhận là doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng dù không có quan hệ hợp tác gì với Bộ Quốc phòng.

Trong phiên xét xử, ông Giang bị cáo buộc mua nhiều quân phục, đeo huy chương giả đầy hai ngực áo, xuất hiện trong những hội thảo hàng nghìn người, trưng bày những bằng khen giả, những bức ảnh bắt tay lãnh đạo cao cấp. Để củng cố cho mác doanh nghiệp lính, ông mời nhiều cán bộ quân đội về hưu làm các chức danh lãnh đạo trong công ty... BQP mở hội thảo trả thưởng quy mô 5.000 người ở trung tâm hội nghị lớn... Hàng trăm chiếc ôtô dán logo tập đoàn đỗ ngoài sân bãi và rừng cờ, băng rôn khẩu hiệu treo hai bên lối đi.

Trong 68.000 bị hại, không phải đều là người già về hưu ít kinh nghiệm làm ăn, hay người không am tường kiến thức thị trường mà có rất nhiều nhà khoa học, giảng viên đại học, kỹ sư IT, thương nhân xuất nhập khẩu.... Họ thừa nhận có lúc thoáng nghi ngờ vì lãi suất cao đáng ngờ, nhưng khi thấy sự hào nhoáng và vỏ bọc tin cậy của ông Giang đã "dốc lòng theo".

Dấu hiệu khác của các tập đoàn lừa đảo này là hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại vụ án tiến sĩ dạy làm giàu Phạm Thanh Hải, người bị phạt tù chung thân tháng 4/2023, toà xác định bị cáo nhận tới 2.700 tỷ đồng nhưng chỉ dùng 99 tỷ (3,6% tổng tiền huy động) cho 9 dự án mà 6 năm mới cho lãi 2 triệu đồng. Các dự án dạy làm giàu, trồng macca, start up công nghệ của doanh nghiệp được ông Hải quảng cáo sánh ngang Amazon, Facebook, hay Tiktok, cho lợi nhuận trên một tỷ USD mỗi năm. Tòa cáo buộc, ông Hải gọi vốn nhưng không dùng tiền để kinh doanh mà 87% là lấy tiền người sau trả lãi người trước.

Trong đại án đa cấp Thăng Long Group, những nạn nhân của ông trùm Lê Văn Quang cũng được nhận về vài hộp thực phẩm chức năng không rõ thành phần, nguồn gốc để mang đi mời chào các nhà đầu tư đến sau.

Với GFDI Đà Nẵng, nhà chức trách xác định đăng ký hoạt động trong 6 lĩnh vực: Quản lý vốn; F&B; Sản xuất hàng tiêu dùng thương mại; G-Media; Kinh doanh và phân phối bất động sản; Thể thao điện tử. Hiện các cơ quan chức năng chưa kết luận GFDI kiếm được tiền từ lĩnh vực nào.

Nhiều chuyên gia cho rằng trước hàng loạt vụ án liên quan đến các công ty tài chính huy động lãi suất lớn nhưng sau đó tuyên bố phá sản, gây bất ổn xã hội thì hệ thống luật pháp cần điều chỉnh theo hướng đưa thêm những quy định cụ thể và phải giao cho một cơ quan nào đó giám sát, kiểm soát những công ty này. Về góc độ quản lý, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu ý người dân cẩn thận trước lời chào mời lãi suất cao.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chiêu trò lừa đảo đa cấp: Cạm bẫy từ lãi suất khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO