Chuyển động ICT

Bộ KH&CN kiểm tra toàn diện công tác ứng phó bão Wipha tại Thanh Hoá

QA 20:48 22/07/2025

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long biểu dương và ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hoá trong công tác ứng phó với bão số 3 - Wipha.

Chiều ngày 21/7/2025, tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Thanh Hóa về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 (Wipha) năm 2025.

d65e0f703620bf7ee631.jpg
Đoàn Công tác Bộ KH&CN làm việc với Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Thanh Hóa về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 (Wipha) năm 2025.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) và PTDS Bộ KH&CN, Trưởng đoàn Công tác đã chủ trì buổi làm việc.

Về phía đoàn công tác của Bộ KH&CN còn có Cục Viễn thông - cơ quan thường trực về công tác PCTT & TKCN Bộ KH&CN; Cục Bưu điện Trung ương. Các doanh nghiệp (DN) viễn thông: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

Về phía Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Thanh Hóa có ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, ông Trần Duy Bình - Giám đốc Sở KH&CN và đại diện các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Thanh Hóa.

Đoàn công tác cũng đã kết nối trực tuyến với Đoàn công tác của ông Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đang đi chỉ đạo ứng phó với bão tại xã Mường Lát để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với bão.

672b9120a970202e7961.jpg
cbf39371aa21237f7a30.jpg
c27004d33d83b4dded92.jpg
2719fdc2c4924dcc1483.jpg
Sau khi làm việc với Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Thanh Hóa tại trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Phạm Đức Long đã kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu trú bão Lạch Hới phường Sầm Sơn.

Tích cực chuẩn bị chống bão

Sau khi nhận được các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và tình hình thực tế, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh Thanh Hoá đã ban hành 5 công điện triển khai đến các cấp, các ngành để phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Tỉnh đã cấm biển bắt đầu từ 8h00 ngày 21/7/2025.

Sáng ngày 20/7/2025, Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, các thành viên Ban Chỉ huy tỉnh và 166 xã phường đã họp trực tuyến với Chính phủ để triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2025. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra do các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra công tác ứng phó tại các xã, phường ven biển, đồng bằng và miền núi.

Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hoá và các đơn vị liên quan đã thông tin tuyên truyền diễn biến của bão đến các cấp chính quyền và người dân. Các Sở Công Thương, Y tế, Công ty Điện lực Thanh Hoá… đã chuẩn bị các phương án chống bão.

Sở KH&CN đã sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin liên lạc (TTLL); Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác quản lý, sử dụng thiết bị điện thoại vệ tinh VinaphoneS đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.

Đồng thời, Sở chỉ đạo các DN viễn thông kiểm tra, rà soát, gia cố công trình nhà trạm, đảm bảo an toàn thiết bị, nguồn điện, xây dựng phương án đảm bảo an toàn mạng lưới trong các tình huống thiên tai.

Các DN viễn thông đã thực hiện kiểm tra, gia cố hệ thống cột anten, trạm phát sóng (BTS), đảm bảo khả năng chịu gió bão cấp 10 -12; ưu tiên chuyển tuyến cáp quang sang đường chôn hoặc cáp kiên cố (OPGW) để giảm rủi ro đứt cáp; tổ chức mạng ring dự phòng (1+1, 1+3) cho các trạm trọng điểm, node DWDM liên tỉnh/huyện.

Các DN cũng chuẩn bị hàng nghìn máy phát điện, accu dự trữ (kể cả pin Lithium di động) cho các trạm viễn thông; bổ sung nhiên liệu (xăng/dầu) theo định mức, kiểm tra hệ thống ATS để tự động chuyển nguồn khi mất điện.

Hàng trăm km cáp quang, măng xông, thiết bị hàn đo đã được dự trữ. Cán bộ trực 24/7, bao gồm đội cơ động BTS, xe phát sóng lưu động ém quân tại các vị trị xung yếu đã được huy động. Thiết bị vệ tinh (VSAT-IP, Inmarsat) tại khu vực nguy cơ cao (miền núi, ven biển) đã được triển khai.

Chế độ roaming giữa các nhà mạng đã được sẵn sàng để đảm bảo liên lạc nếu một mạng bị sự cố.

Tập trung thực hiện tốt các công tác phòng chống bão

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị và đi kiểm tra thực tế công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu trú bão Lạch Hới phường Sầm Sơn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long biểu dương và ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hoá trong công tác ứng phó với bão số 3.

Tuy nhiên để ứng phó hiệu quả với bão số 3, bảo đảm an toàn đến tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá tiếp tục thực hiện tốt việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; hướng dẫn, sắp xếp tàu, thuyền, quản lý chặt chẽ tại nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn theo đúng quy định; tuyệt đối không cho nổ máy động cơ khi đã neo đậu, kiên quyết không để người ở lại trên các phương tiện khi bão đổ bộ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

tt-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long: Sở KH&CN là đầu mối chỉ đạo các DN bưu chính, viễn thông trên địa bàn phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời, đáp ứng nhu cầu TTLL.

Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; vùng đồng bằng và ven biển.

Đồng thời triển khai phương án đảm bảo tiêu nước, chống úng cho diện tích sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung, các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi và các công trình phòng, chống thiên tai khác; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thứ trưởng cũng nêu các biện pháp bảo đảm an toàn đối với khu vực miền núi; kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Ngoài ra cần bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…

Thứ trưởng giao Sở KH&CN là đầu mối chỉ đạo các DN bưu chính, viễn thông trên địa bàn phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời, đáp ứng nhu cầu TTLL cho Lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy PTDS cấp tỉnh và chính quyền địa phương; Xác định các khu vực bị mất liên lạc do ảnh hưởng của bão để phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các DN viễn thông di động triển khai roaming giữa các mạng.

Sở KH&CN cũng thông tin cho Sở Công Thương các khu vực có trạm BTS kiên cố cần ưu tiên điện lưới để bảo đảm duy trì TTLL.

Sở Công Thương chỉ đạo các DN cung ứng xăng dầu hỗ trợ, ưu tiên cung cấp xăng dầu cho các DN viễn thông trên địa bàn phục vụ chạy máy phát điện cho trạm BTS khi điện lưới bị mất.

Các DN viễn thông điều phối, bố trí các trạm BTS lưu động của các DN đến các vị trí xung yếu sẵn sàng thay thế khi các trạm BTS cố định gặp sự cố, không để bị trồng chéo (nhiều DN cùng bố trí trạm BTS lưu động tại cùng một vị trí).

Các DN viễn thông tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống TTLL phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó cần tập trung gia cố nhà trạm, cột ăng-ten, trạm thu phát sóng di động, tăng cường sử dụng các tuyến truyền dẫn đã ngầm hóa để hạn chế mất thông tin liên lạc do ảnh hưởng của bão. Bổ sung các thiết bị dự phòng như máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Đồng thời sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu của Bộ KH&CN; chủ động hướng dẫn người dân cách cài đặt để máy điện thoại để sử dụng dịch vụ chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng viễn thông di động.

Trường hợp khu vực nào đó bị chia cắt do lũ, ngập lụt dài ngày…, các nhà mạng thoả thuận thống nhất để các nhà mạng phát sóng luân phiên, các nhà mạng còn lại roaming với nhà mạng có sóng để tiết kiệm nhiên liệu, duy trì/kéo dài thời gian hoạt động của máy phát điện.

Các nhà mạng cũng rà soát, ưu tiên phát triển trạm BTS kiên cố tại các khu vực trọng điểm của thiên tai trong đó có tính đến đặc điểm địa hình, loại hình thiên tai thường xuất hiện tại khu vực. Cung cấp danh sách các trạm BTS chịu được rủi ro thiên tai cấp 4 cho các Sở KH&CN để thông báo cho người dân biết, đến sạc pin điện thoại.

Cùng với đó, lên phương án để điều động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sớm khôi phục mạng lưới sau bão (nếu có sự cố xảy ra); bố trí cán bộ đầu mối trực đảm bảo TTLL trước, trong và sau bão; tăng cường dự phòng các tuyến truyền dẫn viba để khôi phục thông tin nhanh nhất khi các tuyến truyền dẫn cáp quang bị sự cố.

Các DN cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh rà soát thiết bị liên lạc, sẵn sàng cung cấp dịch vụ, thông tin tới các thuê bao sạc pin điện thoại, kiểm tra điện thoại sẵn sàng sử dụng.

Bão số 3 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, thời gian hoạt động dài, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến của bão, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Nhà mạng, bưu điện vừa chống bão Wipha vừa đảm bảo thông tin liên lạc, lưu thông hàng hóa
    Thực hiện chỉ đạo của Bộ KH&CN về đảm bảo hạ tầng viễn thông, vận chuyển để ứng phó bão Wipha, các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính đã nỗ lực chuẩn bị các phương án ứng phó bão đảm bảo an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc thông suốt.
  • Chip ADC của CT Group làm được những gì?
    Bản thiết kế chip ADC của người Việt vừa ra mắt cuối tháng 6 vừa qua không chỉ tạo nên “cơn địa chấn” trong cộng đồng công nghệ mà còn mở ra bước đột phá quan trọng cho hành trình chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể gọi là bước đột phá cực lớn của ngành bán dẫn tại Việt Nam và qua đó, khẳng định khả năng tự thiết kế chip, làm chủ công nghệ lõi của đội ngũ kỹ sư người Việt – từ công ty Diginal (một thành viên Tập đoàn CT Group).
  • Việt Nam trong Top 10 thế giới về Chỉ số AI
    Việt Nam vừa ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới khi xếp thứ 6/40 quốc gia/vùng lãnh thổ về Chỉ số AI do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu (WIN) công bố tháng 7/2025.
  • Văn hoá "làm việc khó" giúp Viettel làm chủ cáp quang biển
    Các tuyến cáp quang biển sẽ đặt nền móng để Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực, thúc đẩy kinh tế số và vươn tầm quốc tế. Với hệ thống cáp biển đa hướng, dung lượng lớn và chiến lược làm chủ hoàn toàn về công nghệ, Tập đoàn Viettel đang khẳng định bản lĩnh và vị thế trong việc làm chủ hạ tầng kết nối quốc tế, phục vụ cho chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia.
  • Máy chủ Microsoft SharePoint bị tấn công, ảnh hưởng đến 100 tổ chức
    Theo Reuters, tính đến ngày 21/7, chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn nhắm vào phần mềm máy chủ Microsoft SharePoint đã khiến 100 tổ chức bị ảnh hưởng, chủ yếu ở là Mỹ và Đức.
Đừng bỏ lỡ
Bộ KH&CN kiểm tra toàn diện công tác ứng phó bão Wipha tại Thanh Hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO