Chính phủ Mali cần nâng cao hơn nữa các dịch vụ tài chính số
Mali, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) cam kết sẽ tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, thông qua chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia 2021 - 2026 và hỗ trợ những người khó khăn bằng các khoản thanh toán xã hội được chuyển qua tài khoản.
Mali là một đất nước nằm hoàn toàn trong lục địa ở Tây Phi, ở phía Tây Nam của Algérie, là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Hầu hết đất đai là sa mạc, đất canh tác chỉ chiếm 2% tổng diện tích. Ở đây, ngành công nghiệp dường như không tồn tại.
Tình hình thực tại về chuyển đổi số của Mali
Moussa mua thẻ SIM đầu tiên vào năm 2011 để giữ liên lạc với gia đình ở Kati, thuộc vùng nông thôn ở Mali. Anh đã chuyển đến Timbuktu và điện thoại di động là phương tiện duy nhất để anh kết nối với gia đình. Gần một thập kỷ sau, những người như Moussa không chỉ có thể gọi điện về nhà mà còn có thể gửi tiền, tiết kiệm tiền và tiếp cận bảo hiểm, tín dụng qua điện thoại của mình.
Những thông tin chi tiết này từ ghi chú chính sách DE4A (sáng kiến kinh tế số cho Châu Phi) của WB về các dịch vụ tài chính số (DFS) và dự án của WB nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính (PAFEEM) đã nêu bật tiềm năng thúc đẩy công nghệ trong việc tăng trưởng và phục hồi toàn diện ở Mali.
DFS đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tỷ lệ tài chính toàn diện từ 43% lên 55% ở Châu Phi cận Sahara. Nhờ DFS, các cá nhân có thể thực hiện thanh toán, nhận kiều hối, tiếp cận tiền tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm và đầu tư. Đối với các chính phủ đưa ra những quỹ cứu trợ khẩn cấp cho người dân và doanh nghiệp thì các dịch vụ tài chính số có thể tăng cường trách nhiệm giải trình, cải thiện khả năng theo dõi việc chi tiêu của quỹ đó. Điều này sẽ giúp giảm bớt những thất thoát để người thụ hưởng nhận được toàn bộ giá trị của mức hỗ trợ.
Mali có khu vực tài chính năng động và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ở Mali đã tăng từ 38% lên 44% trong giai đoạn 2017-2021.
Mobile money đóng góp một phần vào GDP, đã tăng từ 21% năm 2015 lên 65% vào năm 2021 với 935 tài khoản tiền di động trên 1.000 người lớn vào năm 2021. Tuy nhiên, Mali vẫn còn phụ thuộc lớn vào thanh toán bằng tiền mặt. Chỉ 38% người trưởng thành ở Mali nhận được thanh toán số vào năm 2021, so với 79% ở Kenya và 49,5% ở Ghana.
Ngoài mobile money, chuyển tiền dựa vào kỹ thuật số đã thúc đẩy sự hòa nhập. Mali là một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất. Người dân Mali chính thức nhận được 987 triệu USD kiều hối quốc tế vào năm 2020. Ngân hàng Trung ương của các quốc gia Tây Phi (BCEAO) ước tính rằng lượng kiều hối trị giá 450 triệu USD đi qua khu vực phi chính thức trong khu vực.
Những rào cản trong công cuộc số hóa của Mali
Khoảng cách giới tính trong các dịch vụ tài chính.
Sự bất bình đẳng thể hiện ở quyền sở hữu tài khoản ngân hàng (18% đối với phụ nữ so với 26% đối với nam giới), quyền sở hữu thẻ tín dụng (4% phụ nữ trong khi nam giới là 9%) và thanh toán số (nữ 14%, nam giới là 22%). Chỉ 22% fintech (công nghệ tài chính) ở Mali là do phụ nữ làm chủ.
Thực hiện các bước để phát triển DFS, nhưng vẫn còn những thách thức ở cấp độ cơ sở hạ tầng, quy định và thị trường.
Chính phủ Mali muốn kết nối công khố quốc gia với sự chuyển đổi trong khu vực để số hóa các khoản thanh toán của chính phủ. Tuy nhiên, việc kết nối chưa hiệu quả đã hạn chế việc sử dụng hệ thống thanh toán đối với cả cá đối tác công và tư ở Mali, gây ra những vấn đề về khả năng tương tác.
Tỷ lệ thanh toán số của chính phủ thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Một số hệ thống thanh toán, ngân hàng và những quy định tài chính vi mô đã lỗi thời.
Cơ sở hạ tầng tín dụng còn hạn chế và khung thể chế cần được tăng cường
Các quy định của cơ quan tín dụng loại trừ dữ liệu khách hàng khỏi các hóa đơn tiện ích dịch vụ trả trước đã gây cản trở các phương pháp thay thế thẻ tín dụng.
Việc thiếu chiến lược hiện đại hóa việc huy động nguồn thu và chi tiêu chính phủ đã khiến Mali bị tụt lại phía sau. Do vậy, cần có lộ trình rõ ràng cho thanh toán số để tăng cường tài chính toàn diện và DFS. Ngoài ra, còn thiếu sự hợp tác giữa ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý viễn thông. Một cạm bẫy khác là thiếu cơ chế truy hồi để giải quyết các khiếu nại tài chính của người tiêu dùng bất chấp sự gia tăng các vụ gian lận.
Chi phí cao cũng hạn chế việc áp dụng DFS. Theo nghiên cứu của WB, hầu hết các nước WAEMU (liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi) đều không có phí chuyển khoản. Tuy nhiên, ở Mali, phí chuyển khoản đối với các khoản thanh toán giữa của người dân là 0,10 USD, trong khi phí rút tiền mặt có thể lên tới 4,5 USD. Tỷ lệ biết chữ thấp cũng ảnh hưởng đến việc áp dụng và sử dụng DFS.
Mali, với sự hỗ trợ của WB cam kết sẽ tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện, thông qua chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia 2021 - 2026 và hỗ trợ những người khó khăn bằng các khoản thanh toán xã hội được chuyển qua tài khoản. Dự án Jigisemeyiri đã phân phát hỗ trợ tiền mặt cho 62.000 hộ gia đình đang gặp khó khăn về an ninh lương thực trong đại dịch. PAFEEM sẽ tăng tốc khả năng truy cập vào tài khoản giao dịch cho hàng nghìn cá nhân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSME).
Giải pháp cho chính phủ Mali
Để đẩy nhanh việc áp dụng các dịch vụ tài chính số, chính phủ Mali nên:
Cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính và kỹ thuật số:
Kho bạc Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong việc áp dụng DFS. Bước đầu tiên là kết nối với hệ thống thanh toán GIM-UEMOA và thiết lập nền tảng quốc gia; Cho phép phòng tín dụng mở rộng cơ sở dữ liệu khách hàng của mình để áp dụng các phương pháp tính điểm và giúp thúc đẩy các khoản vay vi mô. Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi phủ sóng Internet ở khu vực nông thôn.
Cập nhật khung pháp lý và quy định để phản ánh những thay đổi công nghệ:
Các hướng dẫn mới cho phép người mới tham gia thị trường dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng nhân sự sẽ giúp mở rộng DFS. Chúng phải được kết hợp với một khung bảo vệ người tiêu dùng nghiêm ngặt. Việc thành lập cơ quan giám sát chất lượng dịch vụ tài chính sẽ là yếu tố quan trọng.
Công nghệ cần thích ứng với những thói quen tài chính ở địa phương:
Để cải thiện việc áp dụng DFS của phụ nữ, các nhóm tiết kiệm vi mô (tontines) và dịch vụ bảo hiểm vi mô, là các dịch vụ tài chính không chính thức do phụ nữ Mali phát triển có thể được số hóa.
Giới thiệu DFS trên nhiều lĩnh vực và mở rộng đối tượng sử dụng.
Các chương trình dành cho từng lĩnh vực ưu tiên (giáo dục, nông nghiệp, bảo trợ xã hội và năng lượng) sẽ tăng cường chuyển đổi số bằng cách phát triển các dịch vụ thế hệ thứ hai gồm: tín dụng vi mô, bảo hiểm vi mô và tiết kiệm vi mô. Các công ty Fintech của Mali đang hoạt động trong lĩnh vực này và cung cấp các dịch vụ thanh toán cũng như tín dụng và bảo hiểm kỹ thuật số./.