Chính phủ tăng cường các chính sách hỗ trợ người dân phục hồi sau bão lũ
Để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra trong thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện các Chính sách để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bão số 3 (Yagi) là bão mạnh nhất đổ vào Biển Đông trong suốt 30 năm qua và là cơn bão có sức gió mạnh nhất trên thế giới trong năm 2024 ghi nhận đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt nghiêm trọng, bão Yagi đã gây mưa lớn làm sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương của Việt Nam: Lào Cai, Cao Bằng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh… gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Đến ngày 15/9, bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai.
Ước tính chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ…
Công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực, ổn định cuộc sống của nhân dân.
“Ngay trong những thời khắc khó khăn nhất luôn có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, qua đó góp phần giảm đến mức tối đa thiệt hại; đồng thời cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, các ngành, các địa phương để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ở vùng bị thiên tai nói riêng và cả nước nói chung”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chính sách hỗ trợ người dân từ Chính phủ
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 20024 đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, 26 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Cùng với đó, khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024; làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở…, nhất là trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Đẩy mạnh nguồn tài chính hỗ trợ người dân
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Mới đây, tại Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố của 26 tỉnh/thành bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương.
Theo Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi bão số 3.
Có thể kể đến như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện giảm 0,5-2% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9 đến hết năm 2024. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Vietcombank ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỉ đồng được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỉ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - ngân hàng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, cho biết khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỉ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng dành gói hỗ trợ quy mô đến 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm 2024..v.v..
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất
Sau bão lũ, nhiều doanh nghiệp (DN) ở các khu công nghiệp trọng điểm phải đối mặt với sự tàn phá lớn. Các khu công nghiệp ở Hải phòng, Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề khi nhà xưởng bị hư hỏng, mái lật, nước tràn vào kho, và các thiết bị, phương tiện sản xuất bị hư hại. DN không chỉ mất nguồn thu trong thời gian sản xuất bị gián đoạn mà còn phải gánh chịu những chi phí khắc phục hậu quả sau bão.
Không chỉ DN trong các khu công nghiệp mà cả doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ước tính của VCCI, ngành thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và ngành chăn nuôi thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đang đứng trước thách thức về việc khôi phục sản xuất, về duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhu cầu xuất khẩu đang ở mức cao.
Trước thực trạng đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã triển khai kịp thời và đồng bộ các chính sách hỗ trợ để DN có thể tái thiết sản xuất và tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Các biện pháp tài khóa và tiền tệ, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, là những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu phục hồi bền vững.
Chính sách về tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sản xuất, các biện pháp tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN. “Miễn, giảm và hoãn các loại thuế, phí” là những biện pháp mà Chính phủ có thể áp dụng để giảm bớt áp lực tài chính cho DN. Chẳng hạn, việc miễn thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (VAT) trong khoảng 4 đến 6 tháng có thể giúp DN duy trì dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn cho việc khôi phục sản xuất là rất lớn.
Ngoài ra, một vấn đề khác mà nhiều DN gặp phải sau bão lũ là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài thời gian tiếp cận các chính sách hỗ trợ. DN đề nghị các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận chính sách, đặc biệt là trong việc cấp phép đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và nguyên liệu. Việc giảm bớt các quy định không cần thiết sẽ giúp DN nhanh chóng tái thiết sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, DN cũng cần sự giúp đỡ từ các cơ quan địa phương và các tổ chức quốc tế. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, và hỗ trợ DN khắc phục hậu quả sau bão lũ. Các cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ với DN để đảm bảo rằng các chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả.
Như vậy có thể thấy các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã kịp thời giúp cho người dân và doanh nghiệp phần nào ổn định được cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Thời gian đến cuối năm không còn nhiều nữa, các Bộ, ngành và địa phương cần rốt ráo triển khai các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao nhất cho cả năm nay./.