Chính sách phát triển công nghệ số trong kỷ nguyên vươn mình
Việt Nam đang hướng tới việc thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi có rất nhiều dự án luật sẽ được sửa đổi để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số.

Các chính sách hỗ trợ và hành lang pháp lý cho phát triển công nghệ số
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, định hướng về chuyển đổi số (CĐS), coi CĐS là cuộc cách mạng toàn dân, lấy người dân là trung tâm, doanh nghiệp (DN) là động lực, Chính phủ và các cơ quan quản lý là bệ đỡ, nhất là vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc tạo nền tảng về thể chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động CĐS trong rất nhiều lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang quyết liệt triển khai rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, pháp luật hiện hành, hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số - Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp cùng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG) - Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ (VPCP), cho biết tốc độ sửa và hoàn thiện pháp luật chưa bao giờ khẩn trương như trong thời điểm hiện nay.
Theo bà Phạm Thúy Hạnh, nếu trước đây vài tháng mới có một phiên họp chỉnh sửa pháp luật thì hiện nay 1 tuần có thể có 2 phiên họp. Tất cả nhằm hoàn thiện nhanh nhất, sớm nhất để kịp thời trình Quốc hội tạo điều kiện cho quá trình CĐS, KHCN và hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Hiện nay, các cơ quan nhà nước (CQNN) đang rà soát hàng trăm văn bản pháp luật và có kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong năm 2025 - 2026 để phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của hoạt động KHCN và CĐS, kể cả việc chấp nhận khó khăn, rủi ro, đầu tư mạo hiểm và đỗ trễ trong nghiên cứu, nhưng cố gắng hết mức trong việc ứng dụng khoa học vào các hoạt động kinh tế - xã hội để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.
“Chúng tôi ở Văn phòng Chính phủ tham gia vào quá trình rà soát pháp luật thì thấy đúng là một khối lượng khổng lồ”, bà Phạm Thúy Hạnh chia sẻ.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP, cho biết thêm, trong năm 2025, rất nhiều luật được sửa đổi liên quan đến chính sách CĐS. Nó nằm ở không chỉ ở các luật, ví dụ như là Luật dữ liệu hay Luật công nghệ số mà còn rất là nhiều các luật khác thậm chí là các luật về thuế, về kinh tế, luật doanh nghiệp (DN), luật đầu tư, luật đấu thầu, luật về ngân sách Nhà nước.

Bà Phạm Thúy Hạnh chia sẻ: Trước đây, chúng ta làm luật theo hướng là luật nào đang gây khó khăn, vướng mắc thì sửa luật đó nhưng mà bây giờ đã có những phương thức làm luật nhanh hơn, gọn hơn, ví dụ trong Luật KH&CN và ĐMST đã sửa đến 15 luật có liên quan, bao gồm Luật thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, Luật đầu tư, Luật DN, Luật viên chức, Luật đất đai, lao động, Luật xuất nhập cảnh,...
“Phải sửa đồng thời như thế, chính sách mới đi cùng với nhau, không bị rời rạc và những đối tượng liên quan mới có thể thực hiện được. Với cách làm mới này giúp chính sách ra nhanh, đi vào cuộc sống nhanh hơn, giảm thiểu thời gian độ trễ chính sách. Đây là một cách làm đổi mới về thể chế chính sách”, bà Phạm Thúy Hạnh cho hay.
Cũng trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách mới để cải thiện các hoạt động KHCN, ĐMST và cải thiện tỷ lệ nghiên cứu và phát triển trong các ngành công nghệ. Ví dụ như luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024, hay là Luật Dữ liệu năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 với các chính sách mở về dữ liệu của các CQNN nhằm kết nối, liên thông các dữ liệu chuyên ngành và xây dựng Trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia có vai trò trung tâm trong việc phát triển thị trường dữ liệu Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số đang trình Quốc hội chuẩn bị thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2026, quy định nhiều chính sách để phát triển công nghiệp công nghệ số, thu hút nguồn lực phát triển công nghệ số, phát triển các khu công nghiệp công nghệ số, khuyến khích thị trường công nghệ số, phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số...
Luật Căn cước năm 2023 và việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục, cư trú giao thông, đất đai, lý lịch tư pháp, an sinh xã hội... và mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
"Chúng ta đã cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử trong tổng số hơn 100 triệu dân, trong bối cảnh Đề án mới triển khai được khoảng hơn 2 năm nay thì đây thực sự là một con số rất là ấn tượng", bà Phạm Thúy Hạnh nhấn mạnh.
Cùng với chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới ví dụ như các dự án của Intel, SpaceX, hay dự án của Amkor Technology.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia được ban hành vào ngày 22/12/2024 trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số, trong đó KH&CN đóng vai trò nền tảng và động lực, ĐMST trở thành trụ cột dẫn động và tiến trình CĐS đang tạo nên những bước chuyển mang tính đột phá và định hình sự phát triển của một xã hội tương lai.
Nghị quyết số 57 được các nhà khoa học, trí thức nhận định như lời hiệu triệu, mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và CĐS nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nhận diện những thách thức về chính sách phát triển công nghệ số
Theo bà Phạm Thúy Hạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với 2 thách thức lớn về chính sách phát triển công nghệ số.
Thứ nhất là khó khăn khách quan về kinh tế, chiến tranh thương mại toàn cầu dẫn đến các thay đổi chính sách thuế quan, xu hướng đầu tư đối với một số ngành công nghiệp công nghệ có liên quan như sản xuất liên kiện điện tử, viễn thông.... Để đối phó, thích ứng với các chính sách này, chúng ta cần phải rà soát các hiệp định, các cam kết đa phương và song phương, các hiệp định thương mại tự do với các nước, nhất là với các nước phát triển về công nghệ như Mỹ , EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Khó khăn thứ hai trong việc xây dựng chính sách trong lĩnh vực này là do vấn đề mới quá. Do đó làm chính sách cũng phải làm rõ nội hàm của chính sách, lượng hóa các khái niệm như mức độ tự chủ về công nghệ, năng lực cạnh tranh số, DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến, lực lượng sản xuất hiện đại, từ đó có các chính sách cụ thể để triển khai Nghị quyết 57.
Khi chính sách ra đời rồi thì phải rà soát, nhận diện đầy đủ các vướng mắc, từ đó sửa đổi và phải làm nhanh quy trình đó. Mặt khác, nhà nước cần thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay.
Theo bà Phạm Thuý Hạnh, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường của Việt Nam, vậy thì làm thế nào để chúng ta thu hút các nguồn lực về công nghệ của nước ngoài đến Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam? Việt Nam đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia “hàng xóm” như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… về các chính sách. Họ có rất nhiều chính sách thu hút về công nghệ cạnh tranh, nhanh nhạy và linh hoạt.
"Chính sách của chúng ta còn phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi tất cả những vấn đề liên quan đến công nghệ số đều đang thay đổi rất nhanh. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi dựa trên chi phí, quốc tịch, thu nhập, xuất nhập cảnh…", đại diện Vụ Pháp luật nhấn mạnh./.