Chính sách trong khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên
Ngày 7/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch mới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với phạm vi rộng cũng là quy hoạch có tính đa ngành, tổng hợp, sắp xếp, phân bố hợp lý không gian phát triển cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; là công cụ quan trọng để quản lý khai thác bền vững, hiệu quả tài nguyên vùng bờ.
Việc triển khai thực hiện quy hoạch sẽ góp phần phát triển vùng bờ biển Việt Nam thành những trung tâm kinh tế - văn hóa sôi động, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, là điểm tựa vững chắc để tiến ra biển.
Theo quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo 4 vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng phía bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng Đông Nam bộ, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM; vùng Tây Nam bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.
Cụ thể, vùng đất ven biển phía bắc: Khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á; là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Còn khu vực Thái Bình -Nam Định - Ninh Bình phát triển mạnh và bền vững kinh tế biển.
Vùng đất ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, có khả năng phát triển nhanh, mạnh, bền vững về kinh tế biển với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái được bảo vệ, bảo tồn và phát huy.
Vùng đất ven biển Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM) là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển theo hướng đô thị xanh./.